Du lịch Việt Nam đang phát triển theo chiều sâu
Năm 2017 đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật, trong đó chúng ta dự kiến đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 28% so với năm 2016. Đây cũng là năm Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành… Với những dấu ấn đạt được, có thể xem 2017 là một năm thành công của du lịch Việt không, thưa ông?
Tôi cho rằng, năm 2017 là một năm thành công của du lịch Việt Nam, nó tiếp nối những thành công của năm 2016 và phát triển với những kết quả mạnh mẽ hơn. Đây là lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng liên tiếp suốt 2 năm với một tốc độ rất cao.
Nếu năm 2016 chúng ta tăng 26% thì năm 2017 tăng khoảng 28% lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, lượng khách nội địa cũng tăng cao. Đặc biệt thu nhập cho ngành du lịch tăng trưởng cỡ 25% và đạt được trên 500.000 tỷ trong năm 2017. Những con số này thể hiện du lịch Việt Nam đang phát triển theo chiều sâu, từng bước đưa Việt Nam trở thành 1 quốc gia phát triển du lịch trong khu vực và trên thế giới.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu trong một cuộc họp về Du lịch tại Hà Nội. Ảnh: Hà Trang |
Theo ông, điều gì đã tạo nên sức hút và những dấu ấn cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2017?
Có thể nói kết quả đạt được của năm 2017 và những năm trước đó bắt nguồn từ những công việc, nỗ lực trong ngành du lịch. Thứ nhất đó là sự ra đời của hàng loạt chính sách quan trọng, hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển mà đỉnh cao là Nghị quyết TW8 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước đây, thuật ngữ “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” cũng đã xuất hiện trong những văn kiện của Đảng từ năm 2001 nhưng phải đến năm 2016 và 2017 thì thuật ngữ này mới được xác định với những tiêu chí riêng, gần với thực tế và rõ ràng lộ trình thực hiện hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh đón vị khách thứ 6 triệu vào tháng 12/2017. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Bên cạnh đó Luật du lịch 2017 cũng được Quốc hội thông qua với những nội dung ngắn gọn, đổi mới và hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển. Trong đó, đưa ra một số vấn đề nổi bật như việc xếp hạng khách sạn do doanh nghiệp là tự nguyện thay vì bắt buộc như trước. Hay quy định về HDV, quỹ xúc tiến, khu điểm du lịch… cũng rõ ràng, chặt chẽ và dễ thực thi hơn. Những đổi mới này không chỉ được xem là bước ngoặt giúp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong du lịch mà còn thể hiện sự thông thoáng, tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, giúp nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và sự chủ động của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Chúng ta có nhiều động lực để phát triển du lịch
Có thế nói, với những chính sách mạnh mẽ như Nghị quyết TW8, với một hành lang thông thoáng như Luật du lịch thì Việt Nam đã có một cơ hội mạnh mẽ để phát triển du lịch nhanh hơn như mong muốn của toàn Xã hội.
Yếu tố thứ 2 giúp tạo ra sự tăng trường mạnh mẽ cho du lịch trong năm vừa qua, tôi cho rằng còn nhờ chính sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước dù rất khó khăn nhưng cũng cố gắng xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch đã thực sự trưởng thành. Chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp mạnh mẽ, đó là những nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế và các thương hiệu du lịch có thể sánh vai và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu du lịch trong khu vực. Chính sự nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định của lượng khách trong năm vừa qua.
Ngoài ra, trong việc tăng trưởng khách không thể không nói đến công tác xúc tiến du lịch. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện công tác này một cách bền bỉ và cho đến bây giờ kết quả của những xúc tiến đó mới có thể nhìn thấy những hiệu quả rõ rệt.
Năm 2018 được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều dấu ấn cho du lịch Việt Nam. Ảnh: An Linh |
Cuối cùng là những thuận lợi về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Việt Nam nổi bật và thu hút khách không chỉ bởi những vẻ đẹp thiên nhiên, con người thân thiện mà chính còn bởi nền chính trị ổn định, an ninh đảm bảo. Đây là những điều kiện để chúng ta có thể thu hút khách và tạo động lực để ngành du lịch phát triển.
Du lịch Việt Nam sẽ còn bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu chúng ta vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể dù lượng khách đến Việt Nam tăng mạnh thế nhưng theo nhiều chuyên gia, chi tiêu bình quân của du khách rất thấp. Đây thực sự là một nghịch lý đáng buồn khi tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?
Hiện nay, ngoài những kết quả đáng tự hào trong 2 năm vừa qua thì du lịch là một ngành kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên đó chính là sự phối hợp liên ngành còn chưa được tốt. Có thể nói, du lịch là một ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Tự du lịch không thể giải quyết các vấn đề như xuất nhập cảnh, phương tiện vận chuyển… Chính vì thế ở đây muốn phát triển du lịch phải có sự phối hợp chung để tạo nên sự bứt phá.
Thứ hai, nguồn nhân lực của chúng ta còn yếu, khi chúng ta phát triển nhiều cơ sở vật chất đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, khách sạn 4-5 sao, các khu vui chơi giải trí thì lại chưa có người quản lý chuyên nghiệp mà đội ngũ này thường phải thuê người nước ngoài. Sự yếu kém trong nguồn nhân lực khiến việc phát huy giá trị của những đầu tư đó chưa cao.
Thứ 3, là công tác xúc tiến du lịch. Chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch Quốc gia. Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và hiện nay đang đảm nhiệm việc xúc tiến ở tầm Quốc gia. Thế nhưng cần phải thấy rằng, việc xúc tiến là một nghề và phải có sự am hiểu, chuyên nghiệp trong khi chúng ta đều chỉ là những người nghiệp dư thì không thể nào tốt được.
Cuối cùng, Việt Nam chưa có những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng và độc đáo. Chúng ta tự hào có bãi biển đẹp, đồi núi hùng vĩ và một hệ thống di sản văn hóa phong phú, ấn tượng thế nhưng việc khai thác những tài nguyên này cho du lịch đến nay vẫn còn ở một khoảng cách khá xa.
Phần lớn các sản phẩm du lịch hiện nay đều do tự doanh nghiệp làm mang tính tự phát nên còn trùng lặp, cũ kỹ thiếu sự sáng tạo. Nếu muốn chuyên nghiệp và tạo ra hiệu quả thực sự thì chúng ta phải có một trung tâm nghiên cứu đầu tư và phát triển sản phẩm sau đó mới đề xuất cho các doanh nghiệp khai thác.
Chính những nguyên nhân trên nên dù đã đạt được những thành tựu về du lịch nhưng khó khăn thì vẫn còn rất nhiều và nặng nề. Trong những năm tới, chúng ta phải có những chuyển biến mạnh mẽ từ TW đến địa phương thì mới tạo ra sự bứt phá cho du lịch.
Trong số hơn 12 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 thì khách Trung Quốc vẫn dẫn đầu và liên tục đạt mức tăng trưởng nóng, tuy nhiên năm vừa qua cũng đã gây ra một số hiện tượng tiêu cực như “tour 0 đồng”, hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Theo ông, năm 2018 chúng ta cần làm gì để vừa khắc phục được tình trạng này vừa khai thác được thị trường du lịch tiềm năng bậc nhất thế giới này?
Thực tế, việc tăng trưởng nóng bao giờ cũng kèm theo những lộn xộn trong kinh doanh du lịch, vì thế mới có sự xuất hiện của những “tour 0 đồng” hay tình trang HDV du lịch chui. Điều này liên quan đến công tác quản lý, nếu việc quản lý ở các địa phương đủ mạnh thì sẽ không có những điều đó. Chúng ta không hề thiếu HDV nhưng cơ quan quản lý không thực hiện được việc điều phối, không kiểm soát được việc HDV chui, vì thế thực tiễn thì HDV vẫn thất nghiệp trong khi tình trạng thiếu HDV vẫn xảy ra.
Để khắc phục được điều này thì công tác quản lý phải được nâng cao lên một bước đặc biệt là ở các địa phương. Mặt khác, trong việc khai thác các thị trường khách du lịch thì ngoài những thị trường trọng điểm chúng ta vẫn còn rất nhiều những thị trường tiềm năng cần phải đầu tư khai thác như: thị trường Nhật, Tây Âu, Mỹ… có như thế việc tăng trưởng khách mới ổn định và tránh được những rủi ro.
Du khách Trung Quốc ở bến tàu du lịch Cầu Đá (TP Nha Trang), năm 2017 - Ảnh: Viết Hảo |
Năm 2018 được cho là năm nối tiếp đà tăng trưởng ấn tượng của các năm trước đó, ngoài ra hàng loạt các chính sách có hiệu lực cũng được cho là sẽ tạo ra những dấu ấn, bứt phá mới cho du lịch Việt Nam. Riêng bản thân ông kỳ vọng gì về du lịch Việt trong năm 2018?
Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong năm 2018 có lẽ cũng sẽ gần với tốc độ tăng trưởng của năm nay. Với hàng loạt các chính sách có hiệu lực đặc biệt là Chính phủ cũng vừa ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết TW8 của Bộ Chính trị, chúng ta cũng sẽ có những động lực để bứt phá và đưa những chỉ đạo áp dụng vào thực tế.
Chắc chắn năm 2018 sẽ là một năm thuận lợi và còn thuận lợi hơn năm 2017. Những thị trường mới được chúng ta nỗ lực khai phá, xúc tiến trong những năm vừa qua thì năm tới bắt đầu sẽ có kết quả rõ nét.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong năm 2018 chúng ta cần phải khắc phục được những khó khăn đã chỉ ra trong năm 2017. Đó là phải tạo ra sự đồng bộ của chính sách, để các ngành đồng hành được với ngành du lịch, tiến hành cơ cấu, cải tiến lại bộ máy trong ngành du lịch ở cả TW đến địa phương… Ngoài ra, nếu chúng ta làm tốt công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch thì mới có thể huy động được nguồn lực của toàn xã hội và tạo nên sự bứt phá mới cho phát triển du lịch.
Tác giả: Hà Trang (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí