Giáo dục

Đủ kiểu giành giật thí sinh

Trong khi các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) đang thực hiện xét tuyển, thí sinh trong thời gian đắn đo điều chỉnh nguyện vọng thì lại nhận được rất nhiều giấy báo trúng tuyển của nhiều trường ĐH-CĐ dù không hề đăng ký xét tuyển vào những trường này.

Chưa đậu phổ thông đã trúng tuyển ĐH-CĐ

Thí sinh Trần Anh Kh. (Khánh Hòa) cho biết em thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào ngành Marketing của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (TPHCM). Thế nhưng, vừa rồi em lại nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Marketing thương mại của Trường CĐ Kinh tế công nghệ TPHCM và mời em đến nhập học tại trường từ ngày 15 đến 31-7 tại địa chỉ 113 Hà Huy Giáp (quận 12, TPHCM). Lệ phí nhập học là 300.000 đồng, giảm 10% học phí...

Điều đáng nói là giấy báo trúng tuyển này được ký, đóng dấu ngày 26-6-2019, tức là khi thí sinh Kh. chưa thi xong THPT (thi THPT từ ngày 25 đến 27-6). Ngoài giấy báo trúng tuyển trên, thí sinh này còn nhận được 5 giấy báo trúng tuyển của các trường ĐH khác tại TPHCM.

Giấy báo trúng tuyển gửi cho thí sinh từ ngày 26-6

Một trường hợp khác là thí sinh Nguyễn Hữu Thành (sinh ngày 5-8-2001, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), khi lên trường THPT nhận giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia thì được nhà trường gửi kèm giấy báo trúng tuyển của Trường CĐ Quốc tế TPHCM (ký ngày 10-7) vào hàng loạt ngành. Theo Thành, với kết quả thi của mình (Toán 6,4 điểm, Ngữ văn 5, Ngoại ngữ 7), em đã đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, nhưng không hiểu sao em lại nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường CĐ Quốc tế TPHCM.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ và làm thủ tục nhập học vào các trường ĐH công lập như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Mở TPHCM... nhưng vẫn liên tục nhận được email, điện thoại thông báo trúng tuyển và mời nhập học vào các trường ĐH tư thục khác.

Trong khi đó, hiện nay xuất hiện thêm thông tin mua bán dữ liệu thi THPT quốc gia 2019. Nhiều trường ĐH-CĐ tại TPHCM cho biết, có một thông tin từ địa chỉ [email protected] gửi vào địa chỉ email tuyển sinh của trường với thông tin: “Kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc và có kết quả. Hiện nay chúng tôi đang có dữ liệu điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 của một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Dữ liệu này rất hữu ích, bao gồm đầy đủ họ tên, số điện thoại, địa chỉ, điểm thi các môn của học sinh và đặc biệt là thông tin chính xác 100% từ sở giáo dục gửi về. Cam kết: bí mật, uy tín và thông tin chính xác. Nếu quý nhà trường có quan tâm, có thể phản hồi lại cho chúng tôi biết”.

Phải tuân thủ quy định tuyển sinh

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, dữ liệu điểm thi THPT quốc gia là bí mật và chỉ Bộ GD-ĐT sở hữu, không cung cấp cho các tổ chức, đơn vị nào khác. Ngoài ra, năm 2019, khi cung cấp dữ liệu cho các cơ quan truyền thông để công bố kết quả điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông phải cam kết không được cung cấp dữ liệu cho các đơn vị khác. Do đó, việc rao bán dữ liệu thi THPT quốc gia 2019 và thông tin của thí sinh là vi phạm pháp luật.

Thông tin chào bán dữ liệu thi THPT quốc gia 2019

Hiệu trưởng một trường CĐ tại TPHCM băn khoăn: “Không hiểu sao các trường có đầy đủ thông tin, địa chỉ, họ tên của thí sinh mà gửi giấy báo trúng tuyển và mời nhập học. Việc làm này gây cho thí sinh hoang mang, mất định hướng và thậm chí chẳng khác nào đi “dụ” thí sinh, nhất là thí sinh ở các tỉnh ít thông tin. Mặt khác, cách làm này của các trường khiến cho tình hình tuyển sinh thêm rắc rối. Rất nhiều thí sinh của trường khi đăng ký xét tuyển tại trường (trường chỉ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2019) đã kèm theo hồ sơ rất nhiều giấy báo trúng tuyển của các trường ĐH dù các em không hề đăng ký”.

Hiệu trưởng một trường ĐH khác cũng cho biết, nhiều trường ĐH đã “bắt tay” với các sở GD-ĐT và các trường THPT để gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh khi đến nhận giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Do đó mới có tình trạng thí sinh “bỗng dưng” trúng tuyển loạn xạ như vậy. Còn trường hợp gọi điện, gửi email chèo kéo, mời gọi nhập học có thể do ngành GD-ĐT lộ thông tin cho các trường. Những việc làm như thế này, nếu Bộ GD-ĐT không có biện pháp xử phạt sẽ khó chấm dứt.

Trong khi đó, giữa lúc thí sinh đang đắn đo điều chỉnh nguyện vọng (từ ngày 22 đến ngày 31-7), nhiều trường đã công bố điểm sàn (điểm đủ điều kiện xét tuyển) trước ngày 22 lại nâng điểm sàn vào các ngày 24 và 25-7. Điều này không tuân thủ đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Đáng nói là theo quy định, việc điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian này (dù phương thức trực tuyến hay bằng phiếu điều chỉnh), thí sinh chỉ được thực hiện một lần duy nhất. Do đó, việc các trường đã công bố điểm sàn một đằng, nay nâng điểm sàn lên một nẻo, chẳng khác nào… đánh đố thí sinh!

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết theo quy định, việc tuyển sinh phải trên cơ sở đăng ký tự nguyện của thí sinh. Nếu xét tuyển điểm học bạ do trường tự xây dựng kế hoạch xét tuyển thì phải cập nhật kết quả tuyển sinh lên hệ thống 2 tháng/lần. Nếu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia thì thực hiện theo kế hoạch chung, công bố trúng tuyển đợt 1 phải sau 17 giờ ngày 8-8-2019. Các trường không được gửi giấy báo trúng tuyển sai quy định cho thí sinh, không gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không đăng ký xét tuyển vào trường mình. Trường nào không tuân thủ, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý. Nếu vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm (theo Điều 34 Luật Giáo dục ĐH).

Tác giả: THANH HÙNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: xét tuyển , tuyển sinh , thí sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP