Du lịch

Du khách Việt kể chuyện được 'đặc cách' ở Triều Tiên

Trở lại Bình Nhưỡng sau 6 năm, Quang Minh thấy ở đây đã có hiện tượng kẹt xe nhưng không hề cảm thấy không khí chiến tranh.

Không phải người Việt nào cũng có cơ hội đến Triều Tiên, nhưng Ngô Quang Minh (Hà Nội) lại đặt chân tới đây hai lần. Chuyến đi mới nhất anh vừa thực hiện hồi tháng 9, khi cái tên Triều Tiên được nhắc đi nhắc lại trên các mặt báo, chủ yếu xoay quanh vấn đề hạt nhân và nguy cơ chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Ngô Quang Minh bên dòng sông Áp Lục.


Thấp thỏm trong chuyến đi

Minh không tránh khỏi tâm trạng thấp thỏm khi tiến vào Bình Nhưỡng trong lúc căng thẳng đang leo thang ở bán đảo Triều Tiên.

Khi tàu chuyển bánh đến ga đầu Tân Nghĩa Châu (Sinuiju), tức chỉ cách ga Đan Đông 15 phút vượt qua sông Áp Lục (Yalu River), hải quan Triều Tiên bắt đầu việc kiểm tra giấy tờ và hành lý. Quá trình này mất khoảng 2 tiếng, toàn bộ tàu đều dừng ở ga này. Đây cũng là khoảng thời gian anh lo lắng nhất.

"Họ có cho mình vào lần nữa không? Họ có tịch thu điện thoại (như năm 2011) nữa không? Họ có xem máy ảnh, ống kính và giữ lại nếu thấy nghi vấn gì không? Liệu có món đồ nào vô tình nhạy cảm khiến mình bị tra xét không?", Minh nhớ lại. Tất cả cuối cùng trôi qua với những nụ cười tươi rói, không phải chỉ của anh mà tất cả khách đi tàu.

Hai tờ poster quảng cáo du lịch ngắn ngày từ Đan Đông sang Bình Nhưỡng là mối quan tâm duy nhất của hải quan Triều Tiên trong vali của Minh. Họ hỏi rồi cầm đi, cuối cùng trả lại và nói không có vấn đề gì. Các món đồ khác họ đều không đả động đến, máy ảnh điện thoại, đồ dùng nằm nguyên vị trí, mẫu nhập cảnh đã khai sẵn, họ đóng dấu vào giấy thông hành và lịch sự chào cả đoàn trước khi bước xuống tàu. Tàu chầm chậm lăn bánh, Minh tiến vào Bình Nhưỡng, lần thứ hai.

Qua khung cửa sổ tàu liên vận, Triều Tiên dần hiện ra với những cánh đồng lúa đang vào mùa vàng rộ. Với anh, chuyến đi 6 năm trước như được nối dài và cảnh cũ vẫn thanh bình đến lạ.

Triều Tiên ngày nay

Trái với suy nghĩ của nhiều người, không dễ để Minh thấy xe tăng pháo binh hay tên lửa, thậm chí một tốp lính giữa Bình Nhưỡng. Thay vào đó là sự thay đổi đáng kể trên đường phố.

Nhà cao tầng đã mọc lên dọc sông Taedong, khang trang hiện đại hơn. Xe đạp tuy vẫn là phương tiện chủ yếu di chuyển nội đô, nhưng ôtô đã lấp kín Bình Nhưỡng. Các hiệu xe ở đây chủ yếu là những tên tuổi nổi tiếng thế giới như Toyota, VW, Audi, Buick... Bình Nhưỡng đã bắt đầu có hiện tượng tắc đường ở những giao lộ lớn, điều trái ngược hoàn toàn với nhiều năm về trước.

"Lần đầu đặt chân vào Bình Nhưỡng, tôi đã tự hỏi liệu nữ cảnh sát giữa ngã tư kia sẽ làm gì khi cả ngày không có nổi chục chiếc ôtô chạy ngang?!", Minh nhớ lại.

"Người dân Triều Tiên vẫn kín đáo dù thân thiện hơn, trên đường vẫn dáng điệu hối hả nhưng xa rồi vẻ băn khoăn", cảm nhận của du khách Hà Nội.


Với lịch trình 7 ngày 6 đêm ở Triều Tiên, Minh không chỉ được thăm thú nhiều nơi hơn so với chuyến khám phá 4 ngày 3 đêm lần trước, mà còn có cơ hội cảm nhận sâu hơn về cuộc sống thường nhật của người dân. Anh nhận thấy có sự khởi sắc của nhịp sống. Họ vẫn hối hả, miệt mài trong guồng quay bất tận của cuộc sống mưu sinh, nhưng cảnh lam lũ bần hàn thì ít hơn hẳn. Người Triều Tiên đã biết chuộng các trang phục sáng, màu xám cũ phủ trên áo quần bớt đi nhiều. Giày cao gót, điện thoại di động không còn là những món đồ hiếm thấy như trước.

Sự ngại ngùng, e dè trước khách du lịch, thậm chí né tránh, ác cảm khi bị chụp ảnh đã nhường chỗ cho sự bạo dạn và cởi mở của người Triều Tiên. Chính nhóm của Minh đã gặp, chụp ảnh chung, quay phim và hát cùng rất nhiều người Triều Tiên, một số trường hợp còn do họ tự đề xuất. Không chỉ ở thủ đô Bình Nhưỡng mà người dân các vùng khác cũng vậy, từ núi Kumgang, núi Myohyang tới các thành phố như Kesong, Nampo, Wonsan.

Với anh, dù có nhiều nét mới, nhưng sự hiền hoà, chân thành và thân thiện của người dân Triều Tiên vẫn không thay đổi. Cùng với đó, sự tôn trọng và yêu quý của họ dành cho người Việt Nam là điều anh ghi nhớ nhất sau chuyến đi.

Người Việt được chào đón ở Triều Tiên

Khu phi quân sự DMZ là một trong những điểm đến Minh được ghé hai lần. Nhưng đáng nhớ nhất là lần ghé vừa qua. Bởi sau khi giới thiệu cho mọi người về sự kiện Bàn Môn Điếm, người sĩ quan Triều Tiên đã dành riêng 15 phút để nói chuyện với Minh về lịch sử hiện đại Việt Nam, khi biết anh đến từ dải đất hình chữ S. Những câu chuyện về cuộc chiến vệ quốc, giai đoạn chia cắt và sau này thống nhất của dân tộc Việt Nam giai đoạn 1954-1975, được hai con người ở hai đất nước chia sẻ như có sự đồng cảm.

Minh thoải mái ghi lại khoảnh khắc riêng tư của một đôi chụp ảnh cưới.


Đề nghị chụp ảnh cùng của nhóm Minh giữa DMZ sau đó cũng được hai người lính ở DMZ - biên giới nóng bỏng chia cắt hai miền - đồng ý, trong khi với các nhóm du khách khác họ đều từ chối.

Hay khi đến hồ nước ngọt Salim, Minh và bạn gặp một nhóm người Triều Tiên đang leo núi. Sau khi biết có người Việt Nam, họ liền xin chụp ảnh chung, thậm chí ôm vai bá cổ để cùng hát và quay phim. Một cặp đôi đi chụp hình cưới ở quảng trường Kim Nhật Thành cũng vui vẻ mời anh chụp ảnh và nhắc không cần chụp lén, khi được hướng dẫn viên giới thiệu nhóm đến từ Việt Nam.

Sự nhiệt thành của người Triều Tiên dành cho người Việt cũng được thể hiện khi anh đến thăm Friendship Exhibition Halls - nơi lưu giữ hàng trăm nghìn món quà Quốc tế gửi tặng cho nhà nước và lãnh đạo Triều Tiên ở núi Myohyang. Đó là khoảnh khắc người phụ nữ thuyết minh tại điểm ở đây ồ lên thích thú khi gặp nhóm của Minh. Cô còn tận tình đưa họ tham quan, giới thiệu các món quà từ phía Việt Nam, tươi cười cúi đầu chào cho đến khi tất cả đã lên xe đi khuất với lời hẹn: “Xin lần sau lại đến thăm đất nước của chúng tôi!”.

Minh cho rằng, nếu chỉ đọc các thông tin về Triều Tiên mà không đến đây, du khách sẽ chẳng thể biết được những mảng màu khác về đất nước này. Trong cuộc sống sau cánh cửa "đóng chặt", họ rất hiền lành, hiếu khách, đôi lúc rụt rè nhưng sự chân thành có thể cảm nhận ngay trong lần gặp đầu tiên. Người Triều Tiên rất khéo tay, vẽ tranh đẹp, thích nhảy múa ở nơi công cộng và cũng thích ăn thịt chó như người Việt Nam. Thức ăn của họ rất ngon, được nấu khéo. Nổi tiếng nhất là sâm Cao Ly.

Có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới, Minh cho phong cảnh Triều Tiên rất đẹp, với đầy đủ núi cao, sông sâu, khí hậu ôn hòa, mùa thu lá đỏ còn mùa đông tuyết rơi. Nếu có cơ hội, Minh vẫn muốn được đến đây lần 3, lần 4...

"Triều Tiên còn có dãy Trường Bạch hiểm trở, nhiều lễ hội và sự kiện hoành tráng, nhiều món ăn lạ, và hơn hết là rất nhiều con người thú vị, mà tôi mới chỉ chạm vào được một phần rất nhỏ, hy vọng sẽ được cảm nhận nhiều thêm", Minh chia sẻ.

Sau chuyến đi, anh thu được khoảng 3.000 tấm ảnh đem về mà không bị xét hỏi hay xóa bất kỳ tấm nào. Trong khi năm 2011, anh chụp 1.000 tấm do không được phép mang điện thoại và hạn chế thời gian. Minh cũng mua vài bộ tem phát hành tại Bình Nhưỡng, trong đó có bộ tem "Tên lửa" - kỷ niệm ngày Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo thành công tháng 7 vừa qua, một số tranh cổ động, huy hiệu Triều Tiên và postcard.

"Minh tự gửi cho mình một tấm thiệp từ Bình Nhưỡng, trước đây đã gửi và thiệp về sau khoảng một tháng, lần này không rõ có nhanh hơn không?", anh chờ đợi món quà sau chuyến đi.

Tác giả: Vy An

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP