Tin địa phương

Du khách quốc tế thích và chê Đà Nẵng ở những điểm nào?

Những người thực hiện dự án “Xác định đóng góp của du lịch trong GRDP TP Đà Nẵng” đã nhận diện được 4 yếu tố mà du khách quốc tế thích nhất ở Đà Nẵng, cũng như 4 yếu tố khiến TP này bị du khách quốc tế chê nhất hiện nay!

Những nơi du khách quốc tế đến nhiều nhất và ít nhất

Như tin đã đưa, UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị báo cáo kết quả dự án “Xác định đóng góp của du lịch trong GRDP TP Đà Nẵng” do Sở Du lịch, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Thống kê TP phối hợp triển khai với sự tư vấn của PGS.TS Trần Thị Kim Thu, Trưởng khoa Thống kê (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội); chuyên gia lập Bảng cân đối liên ngành (Bảng I – O) Dương Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia – Tổng cục Thống kê – Bộ KH-ĐT.

Du khách quốc tế tham quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Theo đó, hiện du khách từ các quốc gia đến Đà Nẵng chiếm tỉ lệ như sau: Trung Quốc 26,69%; Hàn Quốc 26,57%; Nhật Bản 7,69%; Mỹ 3,5%; Úc 3,15%; Thái Lan 1,52%, Malaysia 1,28%; Pháp 1,28%; Anh 1,17%; Singapore 1,17%; các quốc gia khác 25,99%. Qua khảo sát 1.000 khách quốc tế cùng 100 doanh nghiệp lữ hành cho thấy hơn 80% khách quốc tế đến TP này lần đầu, chỉ có gần 7% khách đến lần thứ ba trở lên.

Có trên 85% du khách đến Đà Nẵng vì mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá. Trong chi phí của du khách quốc tế tại Đà Nẵng thì chi cho thuê phòng chiếm tỉ trọng cao nhất (từ 26 – 46%), trong khi chi cho mua hàng hóa, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm tỉ trọng thấp. Riêng khách Mỹ và Thái Lan chi mua dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí cao nhất (33% và 36%).

Phó cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng Trần Thị Lệ Trinh cho hay, dự án đã tiến khảo sát đánh giá của du khách về 4 nội dung: Dịch vụ du lịch; Các khu, điểm tham quan; Hình ảnh Đà Nẵng; Mức độ hài lòng về chuyến đi. Du khách được khảo sát sẽ cho điểm theo thang từ 1 – 5 điểm.

Kết quả cho thấy sự hài lòng của du khách về dịch vụ du lịch khá cao. Cụ thể, dịch vụ lưu trú đạt 4,2 điểm; 85,6% rất hài lòng. Ăn uống 4,2 điểm; 82,3% rất hài lòng. Đi lại 4 điểm; 74,9%. Mua sắm 3,9 điểm; 73%. Vui chơi giải trí 4,2 điểm; 81,6%. Các dịch vụ khác 4 điểm; 70,6%.

Trong 11 khu, điểm tham quan trên địa bàn được khảo sát thì nơi du khách đến nhiều nhất là các cây cầu trên sông Hàn (76,7%) và bãi biển Mỹ Khê (70,1%), nơi khách đến tham quan ít nhất là đèo Hải Vân (18,9%), núi Thần Tài (15,6%). Nơi khách hài lòng nhất là Bà Nà Hills (4,5 điểm), các cây cầu trên sông Hàn, đền/chùa, biển Mỹ Khê (4,4 điểm). Nơi khách ít hài lòng nhất là Bảo tàng điêu khắc Chăm, làng đá Non Nước, đèo Hải Vân (từ 4 – 4,1 điểm).

4 điểm thích nhất, 4 điểm chê nhất, và những khuyến nghị

“Về hình ảnh Đà Nẵng, du khách quốc tế ấn tượng nhất là con người thân thiện; môi trường sạch, đẹp; phong cảnh đa dạng; một TP trẻ trung, sống động, hiện đại; nhưng vẫn toát lên nét mộc mạc, dân dã; và vẫn giữ được nét truyền thống, cổ kính, sang trọng. Điểm bình quân mà du khách quốc tế đánh giá về chuyến đi tới Đà Nẵng là 4,3 điểm. Trong đó có 91,2% du khách quốc tế đánh giá từ mức 4 điểm trở lên” – Bà Trần Thị Lệ Trinh cho hay.

Từ đó, có 92,1% du khách quốc tế được hỏi ý kiến cho biết họ nhất định sẽ giới thiệu Đà Nẵng với bạn bè; 75,1% khẳng định chắc chắn quay lại Đà Nẵng; và có 18,9% cho biết đã đến Đà Nẵng từ 2 lần trở lên. Về các sản phẩm du khách quốc tế thường mua thì trang phục chiếm 27,8%; sản phẩm thủ công mỹ nghệ (mũ, giày dép, túi xách, chuỗi hạt, mặt dây chuyền) 25,6%; thực phẩm công nghiệp (bánh kẹo, café, rươu) 25%; ẩm thực 25%; sản phẩm bằng đá 16,7%; đồ dùng 17,3%, thực phẩm tươi (hải sản, thịt bò, trái cây) 14,8%.

“Qua điều tra, khảo sát, chúng tôi ghi nhận 4 yếu tố mà du khách quốc tế thích nhất ở Đà Nẵng là phong cảnh đẹp, phong phú; con người thân thiện, mến khách; chất lượng dịch vụ tốt; môi trường sạch sẽ. Tuy nhiên có 4 yếu tố mà họ không thích nhất là giao thông (phương tiện cá nhân quá đông), vệ sinh (như nhà vệ sinh ở các khu điểm tham quan), ngôn ngữ (khả năng ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ tại các khu điểm tham quan, du lịch); và thiếu dịch vụ vui chơi giải trí!” - Bà Trần Thị Lệ Trinh nhấn mạnh.

Từ đó, bà Trần Thị Lệ Trinh kiến nghị chính quyền Đà Nẵng và ngành du lịch TP cần tập trung cải thiện 3 yếu tố: vệ sinh môi trường, giao thông, ngôn ngữ. Đồng thời có giải pháp tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch thân thiện và đào tạo, cải thiện nguồn nhân lực.

Theo PGS.TS Trần Thị Kim Thu, với đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 đạt 23,72%; đóng góp vào tạo ra việc làm đạt 25,43% thì hoạt động du lịch thực sự là một ngành mũi nhọn tại Đà Nẵng.

Vì vậy chính quyền TP cần đầu tư cơ sở vật chất, con người trong việc quản lý và điều hành hoạt động du lịch trên địa bàn ngày càng phong phú, đa dạng. Tăng cường vốn đầu tư cho hoạt động du lịch tương xứng với đóng góp kinh tế của du lịch cho TP nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

PGS.TS Trần Thị Kim Thu cũng đề nghị Đà Nẵng cần thực hiện khảo sát khách du lịch hàng năm (hoặc ít nhất 2 năm 1 lần) nhằm tổng hợp và cung cấp số liệu cho việc xác định một cách khoa học tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn, đóng góp của du lịch tới kinh tế và việc làm của TP.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP