Hàng ngày, anh tập dần cho đàn cá có thói quen bay lên đớp mồi mỗi khi thảy thức ăn kèm theo lời đếm 1-2-3. Đến khi đàn cá trưởng thành khoảng 100 ngày tuổi và bay thuần thục, nhiều con phóng lên khỏi mặt trước 40-50 cm, thì anh không cần đếm nữa, đàn cá vẫn bay nhịp nhàng.
Để đàn cá có thể bay lên mặt nước và bay được nhiều lần trong ngày là một kỳ công. Ngay khi cá còn nhỏ, anh Tín phải tập dần và bắt đầu bằng sự háo ăn của chúng. "Tôi nhử chúng từ một vài viên thức ăn công nghiệp, để kích thích cá con tập hợp lại. Ban đầu, tôi nhử cho một vài con bay lên và những con này sẽ ăn được thức ăn. Các con khác thấy vậy dần dần sẽ bay theo và trở thành thói quen hàng ngày", chủ nhân đàn cá nói.
Cá lóc bay trở thành đặc sản du lịch của Cần Thơ, thu hút nhiều khách đến xem. Ảnh: Cửu Long.
Theo anh Tín, ban đầu mới biết bay, đàn cá rất sợ khi thấy người lạ. Tuy nhiên, do anh kiên trì luyện tập, giờ đây, đàn cá đã quen với sự có mặt của đông người. "Thay vì chui xuống đất, trốn đi khi thấy người đi qua trên bờ hoặc bơi ghe ngang thì đàn cá tập hợp lại, bay lên như nhảy múa chào khách, kể cả khi không dùng thức ăn để nhử", anh Tín chia sẻ.
Sau khi khảo sát, nhà vườn của anh Tín được chọn thí điểm làm một trong các điểm du lịch tại Cồn Sơn và nhanh chóng thu hút đông đảo du khách gần xa nhờ “đặc sản” là đàn cá lóc gần 20.000 con biết bay. Mỗi ngày nơi đây đón tiếp vài chục khách, riêng dịp cuối tuần, lễ Tết lên 100-300 người. Anh Tín thu vé tham quan vườn du lịch, xem biểu diễn cá bay 25.000 đồng mỗi người.
Khách tự tay câu và nướng cá lóc bay để thưởng thức. Ảnh: Cửu Long.
Hàng giờ chứng kiến đàn cá lóc cả nghìn con bay vèo vèo không mệt mỏi, anh Võ Bá Chuyền ở Bình Dương tỏ vẻ rất ngạc nhiên: "Mô hình này rất lạ, xem rất vui và đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình chứng kiến được cảnh độc đáo này.".
Theo gia đình từ miền Đông đến Cần Thơ du lịch miệt vườn, Nguyễn Thị Ái Trinh vui vẻ nói: "Con rất vui khi thấy đàn cá lóc nhảy liên hồi, không mệt mỏi gì cả".
Khách đến Cồn Sơn còn tham gia các hoạt động khác như bơi xuồng, làm bánh dân gian, đặc biệt là câu và chính tay chế biến, thưởng thức các món ăn từ đàn cá lóc biết bay. "Thịt cá lóc bay dai, thơm ăn với rau đồng rất ngon, chẳng khác gì với cá đồng tự nhiên. Nhân viên phục vụ là vợ chồng gia chủ đúng chất nhà quê, thân thiện", du khách Nguyễn Thị Kim Hồng cho biết.
"Nếu khách câu cá lóc mua đem về thì tôi bán 100.000 đồng một kg, còn chế biến thành các món ăn và công phục vụ tại vườn thì giá 180.000 đồng", anh Tín nói và cho biết cuộc sống gia đình cải thiện nhiều so với trước đây.
Khách thích thú với các món ăn làm từ cá lóc bay. Ảnh: Cửu Long.
Anh Tín cho hay, hiện đầu tư vào đàn cá lóc bay này hơn 100 triệu đồng (nuôi trong 8 vèo lưới) và có kế hoạch tiếp tục duy trì bằng hình thức gối đầu. "Tôi sẽ bán bớt một số vèo khi cá lớn quá để thu hồi vốn và lần lượt đầu tư, huấn luyện lứa cá mới, duy trì mô hình này để làm du lịch…", chủ vườn du lịch có đàn cá biết bay nói.
Tác giả bài viết: Cửu Long
Nguồn tin: