Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân nói về tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. |
Một xã, 48 dự án quy hoạch
Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) được biết đến với địa hình đặc thù gần như hơn 90% diện tích đất đai là đồi núi, nằm dưới chân Bà Nà - Núi Chúa. Theo ông Nguyễn Văn Cừ, cán bộ địa chính xã, hơn 10 năm qua, xã có tới 48 dự án được quy hoạch. Thế nhưng chỉ tính sơ sơ, trên địa bàn xã hiện có 7 dự án chậm triển khai và đề nghị hủy bỏ, chiếm tới gần 1.300ha đất các loại tại địa phương.
Có thể kể đến Khu công nghệ thông tin tập trung, quyết định được UBND TP phê duyệt tháng 11/2012, trên diện tích 201ha và Khu công nghệ thông tin tập trung 2, cũng do UBND TP phê duyệt tháng 12/2012, trên diện tích hơn 56ha. Cả hai dự án đều do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư.
Dự án Khu du lịch sinh thái phía Đông nhà vườn Hòa Ninh và Mở rộng kinh tế vườn Hòa Ninh, trên diện tích hơn 70ha, do bà Đinh Thị Thư Dung làm chủ đầu tư, quyết định quy hoạch từ tháng 3/2012. Khu đô thị sinh thái và biệt thự nhà vườn đường Hoàng Văn Thái, UBND TP phê duyệt tháng 1/2014, trên diện tích gần 900ha. Dự án Khu biệt thự sinh thái tại xã Hòa Ninh, UBND TP phê duyệt tháng 12/2015, trên diện tích 150ha...
Ông Cừ chia sẻ, đây là con số đã được điều chỉnh quy hoạch, chứ có thời điểm, trên 8 thôn của xã đều có diện tích nằm trong dự án. Các dự án có diện tích lớn như nêu trên đã chiếm hầu hết diện tích của các thôn như An Sơn, Đông Sơn, Trung Nghĩa… ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân.
Hiện UBND xã đã “điểm danh” một số dự án vào dạng treo quá lâu, đề nghị cần phải thu hồi, như: Dự án Khu du lịch sinh thái phía Đông nhà vườn Hòa Ninh và Mở rộng kinh tế vườn Hòa Ninh; Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung 2, tại thôn Sơn Phước; dự án sân golf tại khu đất dọc đường Hoàng Văn Thái, tại thôn An Sơn, trên diện tích 200ha… Theo quy định của Luật Đất đai, các dự án đã phê duyệt, quy hoạch trên 3 năm, phải điều chỉnh lại quy hoạch, nếu không khả thi, cần thu hồi dự án.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, các dự án chậm triển khai, chồng lấn quy hoạch, không khả thi, làm cho cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Người dân trong vùng dự án không thể làm nhà mới, không thể tách thửa, tách hộ cho con cái họ khi có nhu cầu lập gia đình, cần tạo dựng cuộc sống riêng.
Đời sống nhân dân ở vùng dự án rất khó khăn, vì các phương án sản xuất không thể thực hiện, các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng không thể tiến hành. Không chỉ vậy, ông Thương thừa nhận, thời gian qua, vì các dự án “treo” này, chính quyền địa phương cũng lâm vào cảnh “bối rối” khi định hướng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài trên địa bàn.
Cũng lời ông Thương, địa phương đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án. Trong trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện, đề nghị hủy, vì những dự án này đã điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn xã, diện tích đất người dân khai hoang rất lớn, nhưng chưa có chủ trương giao đất nông nghiệp cho nhân dân.
Đất dự án “treo” bị bỏ hoang tại huyện Hòa Vang. |
Dự án chậm triển khai còn nảy sinh những vấn đề phức tạp. Đã có thời gian cuối 2018, đầu 2019, đất đai tại các khu vực như thôn An Sơn, Sơn Phước, Hòa Ninh bị một số đối tượng “thổi” giá lên trời, vì được cho là nằm ở những vị trí đắc địa, tiếp nối với khu du lịch Bà Nà, Núi Chúa. Nếu đất ở, được đẩy giá lên tới hàng chục triệu đồng một m2, còn đất vườn cũng được đẩy lên nhiều tỷ đồng một ha, kéo theo tình trạng tụ tập gây mất an ninh trật tự, lừa bán đất ảo…
Hơn 600ha đất nông nghiệp bỏ hoang
Tại Kỳ họp HĐND Đà Nẵng cuối 2019 vừa diễn ra, một trong những vấn đề nóng được đưa ra là việc đất nông nghiệp bị thu hồi, trong khi các dự án “treo” kéo dài nhiều năm không triển khai.
Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP cho biết, hiện có khoảng 600ha đất nông nghiệp, chủ yếu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, bị bỏ hoang nhiều năm. Tình trạng này kéo dài, gây lãng phí tài nguyên, TP cũng tốn khá nhiều kinh phí để hỗ trợ cho người dân theo từng vụ sản xuất.
Ông Dũng đề nghị, TP cần khẩn trương thu hồi các diện tích đất dự án không triển khai để giao cho dân sản xuất: “Chúng ta không nên kéo dài việc phân kỳ thời gian thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Cần triển khai nhanh chóng để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất, về kinh phí hỗ trợ cho người dân theo thời vụ. Với người dân, hỗ trợ cho họ 1,2 triệu/sào/vụ sẽ không lớn, nhưng cái người nông dân cần là có đất để sản xuất”.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thừa nhận có lỗi của HĐND trong quá trình thẩm tra, giám sát vấn đề trên; đồng thời xin lỗi trước đại biểu và cử tri vì chưa làm hết nhiệm vụ. Ông Trung cho rằng, có nhiều dự án chưa lập thủ tục đầu tư đã bố trí vốn, dự án mới có địa điểm đã thu hồi đất… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chủ tịch HĐND TP cho biết, TP sẽ kiên quyết thu hồi dự án không hoặc chậm triển khai.
“Tôi nghĩ, nếu làm rõ trách nhiệm, sẽ có nhiều người bị điều tra, thanh tra. Đất đã đền bù cho dân nhưng hiện liệu có còn không hay đã phân lô? Nhiều nơi đất nông nghiệp nhưng đã tự làm đường bê tông và phân lô bán nền để chuyển sang đất ở. Đất thì nguồn lực như thế nhưng chúng ta thả nổi, không khéo làm hư cán bộ, mất cán bộ”, ông Trung nói rõ.
Nghiên cứu về giảm lực cản dòng chảy bằng chất DRP được phát hiện bởi Toms vào năm 1946. Hai năm sau, nhà khoa học này đã trình bày nghiên cứu này tại hội nghị khoa học Rheology tại Hà Lan, sau đó được ứng dụng trong một số lĩnh vực như ống dẫn dầu, vận hành giếng dầu, tưới tiêu… Chất DRP được cho là có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối, chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy. DRP có thể sử dụng ở đầu nguồn ngập, đầu miệng cống. Khi nước dâng ở mức báo động thì máy bơm tự động thả lượng DRP vào với lượng vừa đủ làm tăng công suất dòng chảy. Dòng chảy lưu lượng 1m3 nước có thể sử dụng 20g DRP, dòng chảy 10m3 sử dụng 1kg DRP. |
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam