Trong chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh.
Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện…
Dự thảo Luật Thư viện có 7 Chương, 51 Điều, sửa đổi bổ sung 19 điều, quy định mới 32 điều so với Pháp lệnh và các quy định hiện hành; quy định về thành lập thư viện; hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận nội dung thảo luận (ảnh: Quốc hội) |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, qua thẩm tra cho thấy, về tổng thể, dự thảo Luật đã kế thừa những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Thư viện. Đồng thời, bổ sung các quy định về hoạt động thư viện, mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung đối tượng áp dụng, thư viện số, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thư viện.
Tuy nhiên, so với mục tiêu xây dựng Luật, Ủy ban thẩm tra nhận thấy, tổng thể cấu trúc còn chưa hợp lý, thiếu những quy định khái quát để tạo hành lang pháp lý cho phát triển các loại hình thư viện.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm việc xác định rõ trách nhiệm của thư viện trọng điểm và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các bộ, ngành đối với xây dựng thư viện.
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ kỳ vọng Luật Thư viện sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ thư viện, từ đó góp phần duy trì, phát triển văn hóa đọc. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, dự án Luật Thư viện rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và cả tương lai sau này…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh sửa dự án Luật để tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới
Tác giả: H.L
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội