Sáng 19/9, ĐH Đà Nẵng tổ chức họp báo đầu năm học 2017 - 2018. Tại buổi họp báo, trước thông tin ĐH Đà Nẵng về kết quả trong năm học trước, và định hướng hoạt động trong năm học mới, đã có nhiều câu hỏi xoay quanh định hướng phát triển, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học... của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng được đặt ra như: Tiến độ dự án làng đại học Đà Nẵng; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm; Thực trạng cán bộ, giảng viên được đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không trở lại...
|
Dự án làng Đại học Đà Nẵng: Dự toán kinh phí đền bù giải tỏa quá lớn
Dự án làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 1997. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về làm việc với ĐH Đà Nẵng hồi tháng 2/2017 vừa qua, Thủ tướng đã có yêu cầu chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan tái khởi động dự án “treo” 20 năm này.
ĐH Đà Nẵng cho biết, sau khi Thủ tướng về làm việc, ĐH Đà Nẵng đã làm việc với Bộ GD-ĐT để có sự hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan chủ quản, làm việc chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, tham khảo ý kiến tư vấn của Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng... để có dự toán kinh phí sơ bộ triển khai thực hiện dự án.
Qua đó, có một khó khăn nằm ngoài khả năng của ĐH Đà Nẵng là con số dự toán kinh phí đền bù giải tỏa để triển khai dự án quá lớn. Phía Quảng Nam là khoảng 2.200 tỷ, phía Đà Nẵng khoảng 800 tỷ. Ngoài ra, khảo sát chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khoảng 1.700 tỷ; đầu tư xây dựng các phân khu khoảng 3.000 tỷ nữa. Tổng dự toán kinh phí đầu tư dự án khoảng 8.000 tỷ. ĐH Đà Nẵng đã có báo cáo đầy đủ trình Bộ GD-ĐT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ.
ĐH Đà Nẵng cũng đang tìm đơn vị tư vấn khảo sát, quy hoạch lại toàn bộ chi tiết khu đất dự án hơn 286 hecta này. Đồng thời, các trường thành viên phối hợp ĐH Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển ĐH Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Đây là cơ sở để ĐH Đà Nẵng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, phát triển làng Đại học Đà Nẵng.
Không thể khảo sát tỷ lệ SV ra trường có việc làm với 100% SV đã tốt nghiệp
Theo ĐH Đà Nẵng, hầu hết các trường thành viên ĐH Đà Nẵng có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%; một số trường có tỷ lệ rất cao như: ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng (100%), ĐH Bách khoa Đà Nẵng (hơn 96%), ĐH Kinh tế Đà Nẵng (hơn 96%)...
Trả lời PV Dân trí về cơ sở xác định tỷ lệ này, GS.TS. Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: Tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng GD đại học độc lập (đánh giá ngoài). Được biết, để xác định tỷ lệ này, cơ quan kiểm định chất lượng GD độc lập đã khảo sát trực tiếp và ngẫu nhiên vài trăm người trong danh sách SV của nhà trường đã tốt nghiệp.
Ở ĐH Đà Nẵng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: Từng trường thành viên khảo sát SV vừa tốt nghiệp, sau tốt nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm để có tính tỷ lệ SVra trường có việc làm, và báo cáo ĐH Đà Nẵng để có tỷ lệ trung bình. Việc khảo sát này, theo lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, là không thực hiện với 100% sinh viên tốt nghiệp, mà dựa trên một số lượng vừa đủ.
Xử lý cán bộ, giảng viên được đi học ở nước ngoài nhưng không trở về như thế nào?
Một trong những hoạt động sôi nổi của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng là hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ đây, nhiều cán bộ, giảng viên của ĐH Đà Nẵng tự xin được học bổng hoặc được cử đi đào tạo ở nước ngoài theo đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, có một thực trạng là có nhiều người đi học ở nước ngoài nhưng không trở về. Trong đó, có CB, GV chia sẻ là mức lương được trả chưa đảm bảo ổn định đời sống, chưa xứng với năng lực, trình độ chuyên môn. Báo chí nêu băn khoăn ĐH Đà Nẵng có đứng ngoài thực trạng này không? Có giải pháp nào để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao? Và có hướng xử lý nào đối với trường hợp vi phạm cam kết trở lại trường sau khi được tạo điều kiện/cử đi học ở nước ngoài?
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng xác định có một số CB, GV đi học ở nước ngoài nhưng không trở về như cam kết trước đó. Nhưng con số này ở ĐH Đà Nẵng so với các trường khác là không nhiều. Những ai đi không trở về thì đã có cam kết trước khi đi học giữa người đó và nhà trường, vì lý do nào đó, như lập gia đình ở nước ngoài, thì đền bù kinh phí đào tạo thỏa đáng theo cam kết trước đó.
Ngược lại, cũng có trường hợp kết hôn với người nước ngoài, cũng có trình độ cao, và trở về cùng làm ở ĐH Đà Nẵng. Ngoài ra, cũng có trường hợp không phải ĐH Đà Nẵng cử đi nhưng lại trở về làm ở trường. ĐH Đà Nẵng đồng thời có chính sách hỗ trợ nhà ở, chung cư để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo chủ trương chung của thành phố
Tác giả: Khánh Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí