Kinh tế

Đột phá trong xây dựng Nông thôn mới ở Nghi Lộc

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, là hướng đột phá mang tính bền vững trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Nghi Lộc.

Thu nhập cao từ những mô hình dưa và rau màu hàng hóa.

Xã Nghi Long là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trước đây, Nghi Long là một xã xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương chọn chuyển đổi cơ cấu kinh tế là mũi nhọn làm tiền đề để thực hiện các tiêu chí còn lại. Trong đó, cây rau màu và dưa hấu được xem là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao.

Trồng dưa hấu ở Nghi Long cho thu nhập 160 triệu đồng/ha
Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, bà con nhân dân xã Nghi Long đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất trên diện tích màu, tập trung đầu tư xây dựng cánh cho thu nhập cao, theo cơ cấu xen canh trồng ngô, rau màu, nhờ vậy, đến nay, thu nhập bình quân từ 120 đến 160 triệu đồng/ha/vụ (tăng 50 triệu đồng/ha/vụ so với năm 2011).

Kinh tế khởi sắc, đã góp phần đưa Nghi Long nằm trong tốp đầu của huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới. Đây cũng chính là hướng đi mới mang tính bền vững nhằm phát huy mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay ở địa phương.

Xã Nghi Kiều chuyển 60ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ hàng hóa
Ông Nguyễn Tứ Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: Để tạo điều kiện cho nhân dân tăng hiệu quả cây trồng, trước mùa vụ, UBND xã có cơ chế hỗ trợ 100% giống cây con mới đối với những hộ mở rộng diện tích trồng rau màu. Ưu tiên những hộ có diện tích 0,5ha trở lên trồng tập trung. Hỗ trợ 100% dây điện kéo ra đồng để bà con khoan giếng phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời nên vụ đông này toàn xã sản xuất 220 ha (tăng 20 ha so với cùng kỳ năm ngoái) đạt kế hoạch 100%. Hiện, cây ngô bắt đầu cho thu hoạch, còn rau màu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng, phát triển chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.
Trồng rau hàng hóa tại Nghi Thuận cho thu nhập 5 triệu đồng/ sào (thời gian 60 ngày/ lứa)
Chị Nguyễn Thị Hải xóm 13 - xã Nghi Long là một trong những hộ có diện tích trồng rau màu nhiều nhất trong vụ đông này, cho biết: Năm trước, khi nghe xã vận động trồng rau màu, lúc đầu, gia đình cũng lo sợ mất mùa vì thời tiết khắc nghiệt, nhưng qua thu hoạch ở vụ trước đã cho thấy hiệu quả kinh tế tăng rất rõ nên vụ Đông này, gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích từ 3 sào lên 6 sào. Chủ yếu các rau xúp lơ, bắp cải, cải,xà lách...

Những mô hình có đầu ra ổn định.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mỗi địa phương chọn một thế mạnh để phát huy. Đối với xã miền núi Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Văn, là những xã vùng bán sơn địa, nguồn nước sản xuất nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào các trạm bơm và hồ đập, đồng ruộng không bằng phẳng, nhiều vùng đất không thuận lợi cho việc thâm canh lúa. Chính vì vậy, các địa phương đã chỉ đạo, đôn đốc bà con nhân dân trong vùng, nhất là các xóm có diện tích đất cao cưỡng tập trung chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây hành tăm, cây nghệ, cây ngô hàng hóa. Bởi các giống cây này rất dễ trồng, phù hợp đồng đất cao cưỡng, không chủ động nguồn nước.

Trồng ngô ở xã Nghi Lâm được trang trại bò Úc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm
Theo tính toán của bà con nông dân, vụ trồng nghệ năm 2015 trung bình một sào cho thu nhâp từ 10 - 12 triệu đồng/vụ; Mỗi sào hành tăm xen ngô cho thu nhập trên 25 triệu đồng/vụ. Lợi thế, đầu ra về cây nghệ và cây hành tăm, cây ngô rất ổn định. Riêng đối với cây ngô trang trại bò Úc đóng tại xã Nghi Lâm còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, do đó bà con có thể trồng được 4 vụ trong năm để cung cấp cho trang trại bò Úc.

Ông Phan Văn Hiếu- Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho biết: Mô hình chuyển đổi trồng ngô xen canh hành tăm mang lại giá trị rất cao. Đây là một cách làm mới, đem lại lợi ích cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng ngô, hành tăm, đồng thời xây dựng đề án tạo sự liên kết giữa trang trại bò và địa phương, nhằm hai bên cùng có lợi.

Toàn huyện đã xây dựng trên 320 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên mỗi năm trên 200 triệu đồng/mô hình(Trong ảnh: Mô hình nuôi dê của Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Nghi Kiều)
Ngoài lĩnh vực sản xuất, mấy năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Nghi Lộc cũng được xem là thế mạnh của địa phương. Với lợi thế về đất đai, đồng cỏ, nguồn thức ăn được tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, các địa phương còn tạo điều kiện, khuyến khích bà con nhận thầu đất xây dựng các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp như: lợn, bò, dê, gà, cá... Đến nay, toàn huyện đã xây dựng trên 320 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên mỗi năm trên 200 triệu đồng/mô hình. Anh Nguyễn Văn Thắng - Chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở xóm 12B - xã Nghi kiều cho biêt: “Sau khi được địa phương tạo điều kiện nhận thầu 0,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp bao gồm dê, gà, cá, vịt. Qua quá trình mấy năm chăn nuôi kinh tế gia đình khá giá hơn trước, tôi đã mua sắm được ti vi, tú lạnh, máy giặt, đặc biệt con cái học hành tiến bộ hơn trước”.
Trang trại chăn nuôi lợn nái của anh Cao Văn Hoàng ở xã Nghi Văn
Chuyến dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, sát với tình hình thực tế của địa phương đã góp phần đưa số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện lên 15,2 tiêu chí, tăng 10 tiêu chí so với năm 2010; Riêng trong năm 2016 có thêm 3 xã về đích nông thôn mới; Tăng 1 xã so với kế hoạch đề ra; Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện là 11 đơn vị. Đây chính là tiền đề để cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Lộc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện ở các xã còn lại.

Hướng đột phá trong xây dựng NTM.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Nghi Lộc cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, được xem là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế của địa phương, từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí còn lại trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt vấn đề này, UBND huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung với các đối tượng cây trồng, vật nuôi có chất lượng; đầu tư thâm canh, tăng năng suất; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trước hết là hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ cao; Tập trung xây dựng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm đưa lại chuỗi sản phẩm hàng hóa.

Quy hoạch thành vùng hay thành lập các trang trại, gia trại là hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện Nghi Lộc trong xây dựng NTM (Trang trại chăn nuôi bồ câu của anh Nguyễn Văn Khanh ở xã Nghi Kiều)
Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp&phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện tiếp tục xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Chuyển những vùng đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng những cây con có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, hành tăm, rau màu, nghệ. Tập trung xây dựng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chăn nuôi. Tạo mọi điều kiện tập huấn khoa học kỹ thuật mới cho nông dân. Quan tâm xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn, liên kết đầu ra ổn định cho nông dân.

Các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đã được Nghi Lộc cụ thể hoá bằng các chương trình hành động, đề án sát với tình hình thực tế của địa phương, trong đó mũi đột phá chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế đang là hướng đi phù hợp ở một địa bàn thuần nông

Tác giả bài viết: Thu Hiền - Trần Hoa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP