Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp. Đồng thời, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật tương ứng để quản lý hiệu quả hơn.
Không nên đặt ra điều kiện, thủ tục mới
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự luật mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh so với pháp lệnh hiện hành, thể hiện tầm cỡ ngành sản xuất quy mô lớn, không chỉ tiếp cận quản lý về giống mà còn là ngành sản xuất. Việc ban hành luật làm cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc quản lý và phát triển ngành sản xuất tiềm năng của Việt Nam là cần thiết.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Nhiều điều kiện, thủ tục thì có thể quản lý thuận lợi nhưng lại hạn chế sự phát triển của DN |
Ông Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, dự luật liên quan đến rất nhiều luật khác và “đụng” đến nhiều ngành khi điều chỉnh từ giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đến hoạt động chăn nuôi...
“Chăn nuôi ở đây là chăn nuôi cái gì, con trên cạn hay cả con dưới nước? Luật có điều chỉnh thức ăn thuỷ sản không vì Luật Thuỷ sản, Luật Thú y cũng đề cập những vấn đề này. Do đó, phạm vi phải làm rất rõ. Hay nói bảo vệ những động vật nguy cấp, đọng vật quý thì có Luật Đa dạng sinh học, còn luật này cũng có những động vật hoang dã. Vậy mấy con trong Safari luật này có điều chỉnh không hay Luật Đa dạng sinh học điều chỉnh? Với cá cảnh thì luật này có điều chỉnh không hay để luật khác?” – ông Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh luật này nâng tầm phạm vi rất rộng nên điều kiện sản xuất kinh doanh phải phù hợp Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, không nên đặt ra điều kiện kinh doanh, thủ tục mới. Nhiều điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh thì có thể quản lý thuận lợi nhưng lại hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.
Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trình tự, thủ tục, điều kiện kinh doanh còn chưa rõ ràng khi giao cho Chính phủ hoặc Bộ NN&PTNT quy định. Trong bộ hồ sơ kèm theo chưa thấy có nghị định do đó chưa thấy định hướng, giải pháp để cải thiện điều kiện kinh doanh như thế nào.
Chăn nuôi vài con gà có cần đăng ký không?
Liên quan đến chính sách đối với chăn nuôi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự luật đề cập chính sách về đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích, trong đó có một số nội dung có hưởng một số chính sách kết hợp. Do đó, ban soạn thảo cần làm rõ để không trồng chéo và trong khả năng nguồn lực. Bên cạnh đó, giải pháp để triển khai xã hội hóa nguồn lực cũng chưa rõ.
Đề cập hành vi bị nghiêm cấm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế dẫn quy định ở Điều 7 về việc không được chăn nuôi trong khu đô thị, khu nội thị, không chăn nuôi tập trung trong khu dân cư. Trong khi đó, Điều 38 lại giao cho UBND trình HĐND quy định các khu vực trong khu nội thị, nội thành, khu dân cư được chăn nuôi.
“Như vậy người ta hiểu rằng trong đô thị, nội thị vẫn được chăn nuôi nhỏ lẻ, không thương mại. Còn trong khu dân cư vẫn có vùng được chăn nuôi tập trung” – ông Vũ Hồng Thanh phân tích và đề nghị quy định phải rõ ràng để tránh mâu thuẫn. Ngoài ra, khung tiêu chí, tiêu chuẩn xác định vị trí và khoảng cách cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư khó triển khai trong thực tiễn nên cần nghiên cứu kỹ hơn.
Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải: Luật Chăn nuôi có góp phần khắc phục được hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”? |
Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn, luật này có góp phần khắc phục được hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” mà dư luận vẫn phản ánh hay việc thường xuyên phải giải cứu thịt lợn, giải cứu su hào hay không.
Cho biết ranh giới nội thành, nội thị và khái niệm chăn nuôi nhỏ lẻ trong phần giải thích từ ngữ ở dự thảo Luật không đề cập, bà Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: “Vậy nhà tôi nuôi mấy con gà tre để làm cảnh hay con gà để đẻ trứng dùng để ăn, thừa ra một chút muốn bán thì như thế nào?”. Một khía cạnh khác cũng được bà Nguễn Thanh Hải góp ý là về việc đưa quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào luật để tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nêu quan điểm, Luật nên theo hướng quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn, còn đặt vấn đề từ trang trại thế nào thì khó có thể nói hết được.
“Nói chủ hộ chăn nuôi nông hộ phải kê khai với UBND cấp xã. Nhà tôi nuôi con bò, mấy con gà có đăng ký không hay quy mô thế nào đó mới đăng ký” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và lưu ý ở vùng nông thôn chăn nuôi như thế phổ biến nên cần nghiên cứu thêm để quy định phù hợp./.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV