Kinh tế

Donald Trump tuyên bố chấn động, sếp Việt bình thản đón chờ

Không quá lo ngại với xuất khẩu là quan điểm được nhiều DN và chuyên gia chia sẻ trước việc Mỹ rút khỏi TPP. Nếu nhìn tổng thể hiệp định này thì thấy, xuất khẩu chỉ là một phần trong số các tác động của TPP đến Việt Nam.

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố hành động đầu tiên sẽ làm trên cương vị tổng thống là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, TPP vốn được trông đợi sẽ “kích” tăng trưởng xuất khẩu dệt may, thủy sản,... của Việt Nam vào Mỹ. Đón nhận thông tin này, các DN này lại có những phản ứng bất ngờ.

“Không có TPP thì mình có chết đâu

Đó là quan điểm của ông Bùi Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sông Hồng chia sẻ với PV. VietNamNet trước tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Đánh giá không có TPP cũng không phải là điều bế tắc, ông Bùi Đức Thịnh phân tích: Giả dụ có TPP thì Việt Nam ít nhất mấy năm sau mới có thể tận dụng được lợi thế. Bởi lẽ Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Trong khi ấy, muốn tận dụng được lợi thế của TPP thì chúng ta phải chuẩn bị kỹ, nguyên phụ liệu đảm bảo tiêu chí “từ sợi trở đi”. Điều này chúng ta lại cực kỳ kém.

“Giả sử có TPP thì chúng ta cũng khó lòng xoay xở được trong một sớm một chiều”, ông Thịnh nói.


Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố hành động đầu tiên sẽ làm trên cương vị tổng thống là rút khỏi TPP.

Ông Thịnh đánh giá: Lo nhất hiện nay là Myanmar. Giờ Mỹ cho Myanmar hưởng thuế quan phổ cập với thuế suất bằng 0%. Các nước, như Hàn Quốc, tập trung đầu tư nguyên liệu, dệt may vào Myanmar, với lượng vốn không nhiều, 1 năm sau bắt đầu đi vào khai thác được. Nguồn hàng, nguyên phụ liệu của họ phong phú nên bắt đầu có hiện tượng rút nhiều đơn hàng từ Việt Nam sang Myanmar.

“Đó là điều chúng tôi lo nhất chứ không phải TPP”, ông Thịnh lo lắng.

Đại diện các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng khá bình tĩnh trước việc Mỹ rút khỏi TPP.

Ông Trương Đình Hòe, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: TPP là động lực tăng trưởng xuất khẩu. Không có TPP chắc chắn xuất khẩu bị ảnh hưởng, còn ảnh hưởng đến mức nào thì còn phải đánh giá chi tiết thêm.

“Lâu nay ta đánh giá TPP có tác dụng tích cực trong xuất khẩu thủy sản. Nhưng bao lâu nay không có TPP, Mỹ vẫn là thị trường lớn thủy sản Việt Nam. Nếu có TPP thì sẽ tốt hơn, còn không thì vẫn duy trì được xuất khẩu ở mức hiện tại, thậm chí còn tăng trưởng cao hơn”, ông Hòe nói và khẳng định “đừng quá lo ngại”.

TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận xét: Tất nhiên, với TPP thì cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tăng lên rất nhiều, đặc biệt là thị trường Mỹ và Nhật Bản. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% xuất khẩu. Không có TPP thì chúng ta vẫn mở rộng được xuất khẩu sang Mỹ, với điều kiện hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh.


Dệt may được cho là hưởng lợi lớn từ TPP

Không phải là bế tắc

TS. Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội, cho rằng: Từ sau Đổi mới, Việt Nam là một trong những nước ký nhiều nhất và nhanh nhất các hiệp định thương mại trên thế giới. Điều này giúp Việt Nam tăng xuất khẩu từ dưới 500 triệu USD trước Đổi mới lên 150 tỷ USD, tức tăng tới 300 lần. TPP chỉ tăng cường hơn mức độ hội nhập, thương mại thông thoáng hơn, chứ không phải thiếu TPP thì Việt Nam bế tắc.

“Nếu có TPP thì tốt hơn, còn không có thì mức độ hưởng lợi ít hơn một chút”, TS. Đỗ Đức Định nói.

Không quá lo ngại với xuất khẩu là quan điểm được nhiều DN và chuyên gia chia sẻ trước việc Mỹ rút khỏi TPP. Nếu nhìn tổng thể hiệp định này thì thấy, xuất khẩu chỉ là một phần trong số các tác động của TPP đến Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên, TPP được đánh giá là một “hiệp định thế hệ mới”. Ngoài các yếu tố thương mại thuần túy, TPP còn đặt ra các vấn đề khác như doanh nghiệp nhà nước, công đoàn, thương mại điện tử,... Trong đó, có những vấn đề Việt Nam lần đầu tiên tham gia đàm phán như mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, lao động cũng như môi trường, các vấn đề xã hội,....

TPP tạo ra sức ép buộc chúng ta phải thay đổi các quy tắc yêu cầu sự công khai minh bạch, không phân biệt đối xử, hành xử khách quan của bộ máy nhà nước, điều này được cho là sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo TS. Đỗ Đức Định, nhiều vấn đề trong cam kết TPP đã được Việt Nam đưa vào các điều luật rồi. Dù không có TPP thì Việt Nam vẫn phải thực hiện. Có điều nếu có TPP, có sự giám sát của các nước thành viên thì Việt Nam thực hiện mạnh hơn, nghiêm túc hơn.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định/thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương

12 nước tham gia TPP gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam, Brunei, Chilê, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Peru.

Tác giả bài viết: Lương Bằng 

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP