Kinh tế

Donald Trump đắc cử, kinh tế Việt Nam bị tác động ra sao?

"Chủ nghĩa dân tuý và chống toàn cầu hoá lên mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn cầu hoá và các hiệp định thương mại tự do sẽ kí. Theo đó, sẽ ảnh hưởng tới hàng hoá xuất khẩu của chúng ta, tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng", chuyên gia kinh tế đánh giá.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử, câu chuyện được quan tâm nhất hiện nay là Mỹ liệu có rút khỏi TPP?

Phát biểu tại Hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính 2016” do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức, ông Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: “Biến cố bất ngờ với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam chính là Brexit và kết quả bầu cử Mỹ vừa diễn ra”.

Theo ông Khôi, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế và thị trường tài chính thế giới.

"Cùng với biến động trồi sụt của giá dầu thì Brexit và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cho thấy kinh tế thế giới tiềm ẩn bất định và nhiều rủi ro. Chủ nghĩa dân tuý và chống toàn cầu hoá lên mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn cầu hoá và các hiệp định thương mại tự do sẽ kí. Theo đó, sẽ ảnh hưởng tới hàng hoá xuất khẩu của chúng ta, tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng", ông Khôi nói.

Tuy nhiên, theo ông Khôi, riêng với sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng tới việc TPP được kí kết trong tương lai.

"Đó có thể là bài chính trị, khi lên nắm quyền, ông Trump khó có thể thay đổi những quyết định đã được thông qua trước đó. Tôi hi vọng khi lên nắm quyền, việc không thông qua TPP sẽ không xảy ra dù phải điều chỉnh", ông nói thêm.

Còn theo đánh giá của ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc nghiên cứu Ngân hàng TMCP Maritime Bank: "Với câu chuyện nước Mỹ, ngay sau đây có thể sẽ là trường phái mới, phá vỡ truyền thống, một thế giới đầy rủi ro, bất định. Câu chuyện TPP rủi ro cao nên sẽ phải xem lại nhiều kế hoạch đã thông qua bởi tương lai sáng lạn chúng ta đều vẽ trên TPP".

Báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng chỉ rõ, nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trước hết là từ môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, trong đó có sự bất ổn từ chính trị. Theo đó, có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn câu và dẫn tới những diễn biến khó lường với dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Ngày hôm qua, vượt qua bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử gay cấn bậc nhất lịch sử, tỷ phú Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu đúng như những gì từng tuyên bố, khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, chắc chắn ông sẽ phủ quyết hàng loạt chính sách mà phía Mỹ đã đeo đuổi trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama trước đó. Đặc biệt, khả năng TPP bị xóa bỏ là rất lớn.

Một số chuyên gia dự báo, nếu ông Trump thắng cử nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế nhập khẩu và ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và điện tử, gỗ, máy móc và thủy sản... Đây đều là những ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay.

Trên trang cá nhân, trước khi cuộc bầu cử, chuyên gia kinh tế Lê Hồng Giang cho rằng, quan điểm của ông Trump là điển hình của chủ nghĩa protectionism, nghĩa là free trade (thương mại tự do) có hại cho kinh tế và việc làm của Mỹ. Do đó, ông Trump muốn xóa bỏ các hiệp định thương mại và đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Hàng xuất khẩu của các nước (cả Việt Nam) vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia lần này cũng đề cập tới những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới trong năm 2016 đến kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo, kinh tế toàn cầu, kể cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đều tăng trưởng chậm hơn dự báo.

Tuy nhiên, trong nước công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, đồng thời duy trì được tổng cầu. Điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo lạm phát ổn định.

Năm 2017, Uỷ ban Giám sát Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ được cải thiện nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân nhờ vậy sẽ thành động lực tăng trưởng chính của năm 2017. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP