Kinh tế

Dồn dập tỷ phú USD mới: Bùng cháy giấc mơ người Việt giàu có

Làn sóng xuất hiện các tỷ phú USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam là điều bất ngờ lớn trong năm 2016, nhưng chắc chắn là tín hiệu rất tốt cho một nền kinh tế đang bước sang giai đoạn phát triển mới.

Giấc mơ trở thành tỷ phú, triệu phú USD chưa bao giờ gần gũi với hiện thực như bây giờ,khi mà hàng loạt các doanh nhân trẻ đang nổi lên nhanh chóng và ghi danh vào tầng lớp siêu giàu, nhờ vào một thế giới phẳng với các kênh hút vốn, công nghệ quản trị và nhân lực liên thông toàn cầu.

Vài tháng thêm 2 tỷ phú USD

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng lịch sử Việt Nam cũng đã ghi nhận tỷ phú USD chính thức thứ 2 vào những tháng cuối cùng của 2016. Đó là ông Trịnh Văn Quyết (42 tuổi), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết được biết đến với vai trò chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC và là cổ đông lớn nhất của một DN xây dựng có tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam: CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS). Đây là hai công ty gắn liền với chuỗi dự án nghỉ dưỡng và sân golf quy mô lớn đang phát triển tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam trong những năm gần đây như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long…

Tính tới thời điểm cuối 2016, ông Quyết sở hữu gần lượng cổ phiếutrị giá tổng cộng hơn 33 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), vượt qua người đứng số một trước đó là tỷ phú Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Tập đoàn Vingroup).

Ít nhất đã có 3 tỷ phú USD được công khai trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, trong những ngày cuối cùng của năm 2016, giới đầu tư xôn xao với thông tin thị trường đón thêm một tỷ phú USD mới. Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) - được xem là tỷ phú USD thứ 3 tại Việt Nam, và hiện đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán.

Cùng với người thân, ông Nhơn nắm giữ tổng cộng khoảng 380 triệu cổ phiếu NVL, có tổng giá trị khi đóng cửa phiên đầu tiên trên sàn là khoảng 23,4 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Cả chục tỷ phú USD nữa đang chờ

Sự xuất hiện liên tiếp 2 tỷ phú USD tất nhiên đã khuấy động giới đầu tư chứng khoán. Cùng với đó, thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết với hàng loạt các DN lớn lên sàn và xếp hàng chờ lên sàn, hứa hẹn những tỷ phú USD mới.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hơn 216 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Banacab), trị giá hơn 2.160 tỷ đồng theo mệnh giá.

Với tiềm năng lớn, với những diễn biến tăng giá gấp 5-7, thậm chí cả chục lần so với mệnh giá như nhiều cổ phiếu lên sàn gần đây thì vốn hóa của Banacab cũng có thể lên tới cả tỷ USD.

Ông Lê Viết Lam, người nắm giữ phần lớn cổ phiếu tại DN này nhiều khả năng sẽ nằm trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Ngoài Banacab, ông Lam còn có nhiều dự án và DN lớn chưa lên sàn thuộc Tập đoàn SunGroup.

Bà chủ hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có thể trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên và là tỷ phú USD thứ 4-5 tại Việt Nam sau khi hãng không này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Tài sản của bà Thảo còn nhiều hơn thế với BĐS và BĐS nghỉ dưỡng khắp cả nước, như: Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang, An Lam Ninh Van Bay Villas và cổ phần tại Ngân hàng HDBank.

Ông Trần Bá Dương, ông chủ của DN ô tô lớn nhất Việt Nam - Trường Hải Thaco (được định giá hơn 2 tỷ USD) cũng được cho là người có thể vượt mặt nhiềuđại gia giàu có trên TTCK nếu cổ phiếu lên sàn.

Đó là chưa kể tới doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank với hàng loạt các BĐS “khủng” như: KS Hilton, KS Thắng Lợi, KS Sông Nhuệ, Intimex, các sân golf trải trên nhiều tỉnh thành.

Hay đó là ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch Geleximco; ông Nguyễn Văn Trường, đại gia đầu năm động thổ xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư khoảng 15 ngàn tỷ đồng và là người đã thành công với: Quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính tại tỉnh Ninh Bình; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân cũng có thể sớm ghi danh tỷ phú USD như: ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Him Lam và cổ đông lớn của LienVietPostBank; Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Tập đoàn T&T; ông Johnathan Hạnh Nguyễn (vua hàng hiệu Việt Nam), bà Trương Mỹ Lan, Trần Thanh Quý (Tân Hiệp Phát)...

Còn nhiều doanh nhân nữa xứng đáng với danh hiệu tỷ phú USD.
Thị trường hứa hẹn còn bùng nổ

Khác với các năm trước, TTCK 2016 chứng kiến một sự bứt phá ngoạn mục về quy mô vốn. Hàng loạt các DN quy mô vốn khổng lồ lên sàn và theo đó hàng loạt các đại gia mới gia nhập top 100 người giàu nhất trên TTCK.

Các đại gia mới xuất hiện ngày càng giàu có với túi tiền không còn ở mức vài trăm tỷ, mà thay vào đó là vài ngàn tỷ. Để có thể gia nhập top 10, giờ đây các đại gia cần tối thiểu 2.330 tỷ đồng.

Đó là chưa kể tới việc, một số doanh nhân chuyển cổ phiếu qua các DN tư nhân để dễ dàng hơn trong việc quản lý nhưng lại khiến khối tài sản cá nhân và vị trí trên bảng xếp hạng suy giảm.

Sự xuất hiện dồn dập của các DN lớn, các doanh nhân giàu có trên TTCK trong năm 2016 đánh dấu một bước tiến mới của kênh huy động vốn quan trọng này. Nó không chỉ là hàn thử biểu cho nền kinh tế mà còn là thước đo sự minh bạch và triển vọng phát triển trong tương lai của quốc gia.

Sau 20 năm phát triển, TTCK chứng kiến hơn 1.000 DN đại chúng đã đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung. Quy mô vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên 70 tỷ USD, thu hút 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giá trị vốn hóa TTCK hóa đạt 42% GDP. Sau 20 năm, TTCK đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển DN và đất nước. Khoảng 4.000 DN đã thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần ra công chúng.

Với làn sóng DN lên sàn và DN khởi nghiệp, thành lập mới tăng kỷ lục và các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy của Chính phủ, trong thời gian tới, TTCK được đánh giá sẽ còn phát triển bùng nổ hơn nữa. Sẽ có thêm những doanh nhân triệu phú, tỷ phú… và họ sẽđại diện cho sự giàu có và thịnh vượng của quốc gia.

Tác giả bài viết: V. Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP