Dự án giao thông nghìn tỷ 'đứng bánh'
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X chiều 18/7, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, đối với dự án Vành đai phía Tây 2, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2018 với vốn đầu tư 1.427 tỷ đồng, từ vốn vay Quỹ OPEC. Dự án này triển khai theo hiệp định và kết thúc vào 31/12/2022. Do vậy đến thời điểm đó, dự án này không thực hiện được nữa.
Theo bà Tâm, dự án dừng thi công là do kết thúc hiệp định và vướng quy hoạch chi tiết. Cụ thể, theo quy hoạch 359 có đoạn qua nhà ga đường sắt mới được quy hoạch và điều chỉnh nút giao thông 14B theo hướng kéo dài tuyến từ Vành đai phía tây 2 kết nối tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương thông qua tuyến DT605. Do đó thành phố chưa xem xét tách riêng quy hoạch nút này, nên việc thực hiện nội dung này cần có quy hoạch điều chỉnh được duyệt, đồng bộ với các quy hoạch phân khu.
Một nguyên nhân nữa là do khối lượng kinh phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu, do vậy dự án không đủ nguồn bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác đền bù giải tỏa.
Dự án Vành đai phía Tây 2 triển khai thực hiện từ năm 2018 với vốn đầu tư 1.427 tỷ đồng. Ảnh: T.V. |
"Đối với các nguyên nhân trên, dự án tạm dừng và chỉ thực hiện được khoảng 4km. Đối với phần còn lại, quan điểm của thành phố sẽ phải tiếp tục đầu tư và Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án này. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này, Chủ tịch TP. Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Ban Quản lý hạ tầng ưu tiên rà soát đánh giá toàn bộ dự án, phân tích các yếu tố liên quan về xây dựng, đề xuất các phương án xử lý phù hợp với thực tế, khái toán quy mô và tác động để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định", bà Tâm nói.
Theo tìm hiểu, đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP. Đà Nẵng, là một trong những công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Công trình có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 14B (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đến nút giao đường tránh Nam hầm Hải Vân (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Chiều dài toàn tuyến là 14,3 km.
Dự án do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng KCON - Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy trúng thầu thi công dự án.
Liên quan đến chi phí đề bù giải phóng mặt bằng dự án đã đội vốn lên 20 lần so với kế hoạch vốn ban đầu được duyệt, từ 87 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới hoàn thành khoảng 4km đoạn cuối tuyến đang thi công (từ nút giao với tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh).
Dự kiến đến cuối năm 2023, Đà Nẵng tổ chức lựa chọn được nhà đầu tư cho khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2. Ảnh: T.V. |
Sớm đứa các khu công nghiệp mới vào hoạt động
Liên quan đến tiến độ 3 khu công nghiệp mới, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, đối với khu công nghiệp Hòa Ninh, vừa qua thành phố đã nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư ở Bộ KH&ĐT để trình Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện thì còn có một thủ tục song hành nữa là chuyển đổi sử dụng mục đích đất rừng.
UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để hoàn thiện hồ sơ trình HĐND chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Hồ sơ đang được Sở NN&PTNT đang thẩm định và báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như các thủ tục kêu gọi nhà đầu tư đối với khu công nghiệp này.
Đối với KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, bà Tâm cho biết, dự án đã được Thủ tướng phế duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2022, trên cơ sở đó giao cho thành phố lựa chọn nhà đầu tư. Vừa qua, quá trình triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, đã có 3 nhà đầu tư tham gia.
"Hiện thành phố đã có quyết định phê duyệt hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 với hình thức đấu thầu rộng rãi. Hiện Ban Quản lý đang triển khai thực hiện các bước thủ tục xây dựng hồ sơ để lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến đến cuối năm nay tổ chức lựa chọn được nhà đầu tư", bà Tâm thông tin.
Đối với khu công nghiệp Hòa Nhơn, vào năm 2022 thành phố đã có chủ trương điều chỉnh khu công nghiệp này từ 362ha xuống còn 237ha, do để chia tách hình thành cụm công nghiệp Hòa Nhơn.
Qua rà soát, tại địa điểm có 2 đồ án trung lắp về khối lượng là đồ án quy hoạch phân khu trung tâm lõi xanh và đồ án quy hoạch phân khu công nghiệp Hoài Nhơn. Do vậy thành phố đã giao Ban Quản lý Hạ tầng ưu tiên rà soát đối với quy hoạch này, sau khi có quy hoạch điều chỉnh được duyệt thì thành phố sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Bà Tâm cho biết, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trong việc xúc tiến các nhà đầu tư trong và ngoài đến với các khu công nghiệp mới. Đặc biệt, tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singgabo và Mỹ…
Ngoài ra, xây dựng các tài liệu chuyên đề thu hút về nguồn vốn FDI đối với từng cộng đồng doanh nghiệp tại Đông Bắc Á, ASEAN, HongKong, Trung Quốc, EU…; các cơ sở dữ liệu, danh mục và dự án thu hút đầu tư cũng như đẩy mạnh công tác cải cách hành chính…
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn