Trong nước

"Đối tượng tham nhũng dù ở vị trí nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh"

Đánh giá về việc CQĐT khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, chưa bao giờ tinh thần “không có vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta thể hiện rõ như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều quan trọng hơn “chống” là phải “phòng”

- PV: Là người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử Đảng, xin ông cho biết, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - một người từng giữ chức vụ cao trong Đảng vừa qua đã từng có tiền lệ hay chưa?

- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng do những sai phạm về kinh tế của ông này là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Đảng ta. Điều này càng thể hiện rõ nét, là minh chứng điển hình cho tinh thần “không có vùng cấm” hay ngoại lệ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Nó không chỉ chứng tỏ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh, là bài học sâu sắc với cán bộ, công chức Nhà nước rằng, bất cứ ai tham nhũng cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực trong Đảng mà còn đem lại niềm tin lớn trong nhân dân.

- Từ các vụ “đại án” tham nhũng được điều tra, đưa ra xét xử gần đây, ông đánh giá thế nào về cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay?

- Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, rộng hơn là của đất nước ta thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bước tiến tích cực, rất mạnh mẽ. So với các giai đoạn lịch sử trước đây, công tác phòng chống tham nhũng hiện cũng đang được thực hiện bài bản hơn, có trọng điểm hơn, hiệu quả cao hơn. Trong đó, chúng ta đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đã phối hợp được nhiều lực lượng, từ Ủy ban Kiểm tra các cấp, các lực lượng Thanh tra, Công an… cùng vào cuộc trong “cuộc chiến” này.

Những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực trong Đảng mà còn đem lại niềm tin lớn trong nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Hơn nữa, không chỉ ở Trung ương mà sức nóng của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng đã lan tỏa được đến các địa phương. Không còn là tình trạng “trên nóng dưới lạnh” nữa mà vừa qua, nhiều địa phương, điển hình như Hà Nội, TP.HCM… cũng đã vào cuộc quyết liệt. Cán bộ không chỉ bị xử lý ở hành vi tham nhũng mà còn về nhiều sai phạm khác, tạo ra sức răn đe rất mạnh.

- Vậy theo ông, với quy định 102 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Bộ Chính trị vừa ban hành, tình trạng đảng viên vi phạm, nhất là tham nhũng ở nước ta tới đây liệu có được ngăn chặn hoặc giảm bớt?

- Hiện nay, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh chống tự suy thoái, tự diễn biến trong Đảng còn rất nhiều vấn đề được đặt ra chứ không phải chỉ chống tham nhũng. Tham nhũng tất nhiên rất bức xúc nhưng chỉ là một lĩnh vực thôi. Do đó, công tác xây dựng Đảng cần phải tiếp tục được tăng cường hơn và cần chú ý trên nhiều phương diện. Từ tổ chức kỷ luật Đảng ra sao, xây dựng tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 đề ra như thế nào, rồi các vấn đề khác như đấu tranh chống sự phá hoại các thế lực thù địch, chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng… đều cần phải quan tâm giải quyết đồng bộ.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều quan trọng hơn “chống” là phải “phòng”. Muốn phòng tham nhũng thì phải làm sao điều hành, quản lý kinh tế - xã hội chặt chẽ; phải bịt được các “kẽ hở” để không xảy ra tham nhũng, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để người ta có muốn cũng không dám và không tham nhũng được. Về giải pháp, trước mắt, chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; hay việc thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế cũng sẽ có hiệu quả phòng chống tham nhũng rất tốt…

Tác giả: Tiến Hưng

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP