Vài tháng gần đây, ông Đức - Giám đốc một đơn vị đã có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới chuyển nhượng dự án bất động sản tại Hà Nội bận rộn hơn hẳn vì liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng mới. Số yêu cầu mua lại dự án tăng gấp đôi so với khoảng một năm về trước. Không ít nhà đầu tư trong số này là các doanh nghiệp "ngoại đạo" với bất động sản nhưng giờ muốn lấn sân sang lĩnh vực mới sau khi thị trường địa ốc ghi nhận thanh khoản tốt hơn trong 2 năm qua. Để tư vấn cho các khách hàng, ông liên tục di chuyển từ Bắc vào Nam, tới nhiều tỉnh, thành ven biển miền Trung, từ dự án căn hộ cho đến các khu nghỉ dưỡng.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, dịch vụ cho đến hạ tầng... cũng đã công khai việc thâu tóm các dự án hoặc thành lập công ty con để tham gia thêm vào bất động sản.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, MCK: SSN) đã công bố rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP HCM). Đây chỉ là một trong các dự án mới nhất được “ông hoàng" một thời của ngành thủy sản phía Nam phê duyệt đầu tư, nối tiếp chuỗi những thương vụ mua bán và chuyển nhượng đình đám trong 2 năm gần đây.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, dịch vụ cho đến hạ tầng... cũng đã công khai việc thâu tóm các dự án hoặc thành lập công ty con để tham gia thêm vào bất động sản.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, MCK: SSN) đã công bố rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP HCM). Đây chỉ là một trong các dự án mới nhất được “ông hoàng" một thời của ngành thủy sản phía Nam phê duyệt đầu tư, nối tiếp chuỗi những thương vụ mua bán và chuyển nhượng đình đám trong 2 năm gần đây.
Không ít doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau gần đây đã chính thức công bố hoặc rục rịch kế hoạch đầu tư vào bất động sản. Ảnh minh họa: Anh Quân
Trước đó, một loạt cái tên khác như Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) - doanh nghiệp tiếng tăm trong ngành cầu đường hay Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) - doanh nghiệp chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng... cũng công bố lấn sân vào bất động sản sau khi thâu tóm một loạt dự án tại nhiều tỉnh, thành lớn. Thậm chí Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) - một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử cũng bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc.
Tuy nhiên qua thực tế trước đó nhiều năm, không phải nhà đầu tư ngoài ngành nào tham gia vào địa ốc cũng gặt hái thành công. Câu chuyện đã được chứng minh năm 2009, khi đang làm ăn rất thuận lợi ở lĩnh vực tôn thép, Tập đoàn Hoa Sen cũng tính toán mở rộng sang bất động sản với một loạt dự án tại quận 9, TP HCM. Đến năm 2011, Hoa Sen phải tuyên bố rút khỏi bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng.
Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải cũng sa lầy vào bất động sản trong giai đoạn thị trường này vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dư âm của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kết quả kinh doanh không như mong đợi của mảng bất động sản là nguyên nhân chính làm vị thế dẫn đầu ngành vận tải của Phương Trang lung lay suốt thời gian dài. Các doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Mai Linh, Tập đoàn Dầu khí... cũng gánh thua lỗ không nhỏ khi lấn sân sang lĩnh vực này.
Thậm chí, là một nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm, Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cũng từng gặp không ít khó khăn với hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản. Sau đó, công ty này đã bán lại dự án và cũng rút vốn đầu tư khỏi kinh doanh bất động sản mà chỉ tập trung vào chuyên môn nhà thầu.
Theo ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Công ty Soho Vietnam - đơn vị chuyên về các thương vụ chuyển nhượng dự án cũng thừa nhận nhu cầu của khách hàng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên theo ông, lĩnh vực bất động sản không phải dành cho tất cả các nhà đầu tư nên với những doanh nghiệp mới, nên cần hết sức thận trọng, đặc biệt trong việc lựa chọn dự án để rót tiền.
Vị này cho rằng, khi tham gia, nhà đầu tư mới cần chú ý trước nhất về hồ sơ pháp lý của dự án đã hoàn thiện ở mức nào. Thông thường, các thủ tục cơ bản sẽ gồm phê duyệt quy hoạch 1/500, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất, tiền sử dụng đất... Chủ đầu tư cần dựa trên cơ sở đó để có tính toán được hiệu quả.
Tiếp đó, việc phát triển dự án, định vị phân khúc cũng cần được xác định rõ ràng ngay từ đầu là hướng đến nhóm khách hàng nào để lựa chọn dự án mua lại cho phù hợp. Dung lượng thị trường ở phân khúc đó có lớn không, thanh khoản ra sao?...
"Trong hồ sơ quy hoạch của dự án, nếu số lượng cư dân được phê duyệt ít cũng đồng nghĩa các căn hộ được chia diện tích lớn thì thanh khoản cũng sẽ chậm hơn và ngược lại", ông Cần nói và cho rằng việc xem xét kỹ điều đó giúp người mua dự án xác định rõ hướng đầu tư cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn một dự án để đầu tư, doanh nghiệp nên có sự tham khảo, tiếp nhận lời khuyên từ bên thứ 3 là những chuyên gia về lĩnh vực bất động sản như một yếu tố cốt lõi cho việc thẩm định chi tiết.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất lành cũng cho rằng để thành công trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi rất nhiều yếu tố bên cạnh tiềm lực về tài chính như khả năng đánh giá, phân tích thị trường, truyền thông, quảng cáo cho dự án, năng lực bán hàng...
Cũng theo ông, không ít chủ đầu tư thất bại chỉ vì "lâm trận" quá nhanh mà chưa có sự nghiên cứu rõ về thị trường. Do đó, các nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này nên có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt và làm từ dự án quy mô nhỏ. Nếu ngay từ đầu đã ôm tham vọng lớn, làm dự án hoành tráng ngay, trong khi tiềm lực tài chính không có sẽ phải chịu sức ép đi vay, dễ dẫn tới sa lầy do không đảm bảo dòng tiền cho hoạt động chính cũng như khó rút chân khỏi bất động sản.
Tác giả bài viết: Ngọc Tuyên
Nguồn tin: