Tin địa phương

Doanh nghiệp phản ứng việc Đà Nẵng “cấm cửa” buýt liền kề

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng sau khi đưa vào khai thác thêm 6 tuyến xe buýt nội thành đã tham mưu UBND TP điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội đô, dự kiến thực hiện vào đầu năm 2020. Lập tức các doanh nghiệp buýt liền kề Đà Nẵng đồng loạt gửi đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng.

Một xe buýt tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng

Buýt liền kề xuống cấp, thường xuyên vi phạm?

Ngày 1/11, Sở GTVT TP Đà Nẵng có thông tin chính thức về việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam theo hướng không đi vào khu vực nội thành, có điểm đầu cuối nằm ở khu vực ngoại ô Đà Nẵng (như Bến xe phía Nam, khu vực Cao đẳng Việt Hàn, Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang).

Theo Sở GTVT, đây là chủ trương, quy hoạch từ nhiều năm qua của UBND Đà Nẵng. Cụ thể, từ năm 2013, UBND TP đã có Quyết định số 8087/QĐ- UBND phê duyệt quy hoạch xe buýt giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trên cơ sở này, Sở GTVT Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với Sở GTVT Quảng Nam và các đơn vị vận tải xe buýt liền kề để triển khai chủ trương điều chỉnh lộ trình như trên. Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng cũng đã lấy ý kiến và được sự thống nhất của Công an TP; Ban ATGT thành phố; Sở Du lịch; UBND các quận, huyện; Thanh tra Sở; Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng...

“Mới đây, sau khi đưa vào khai thác thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá mở mới (trong tháng 8/2019), Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng, dự kiến đầu năm 2020 thực hiện”, ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng thông tin.

Theo lãnh đạo Sở, chủ trương này nhằm nâng cao chất lượng, ATGT xe buýt khu vực nội thị. Theo Sở, các phương tiện buýt tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam chủ yếu xe cũ, chất lượng dịch vụ kém, còn nhiều tồn tại, hạn chế về ý thức chấp hành trật tự ATGT của đội ngũ lái xe.

Qua đánh giá cho rằng xe buýt này không được vệ sinh sạch sẽ cả bên trong và bên ngoài khi hoạt động; chất lượng xe xuống cấp trầm trọng không được tu bổ, xả khói đen khi lưu thông trong nội thành, ghế ngồi hư hỏng thủng nát, thành thùng xe bị gỉ, nước sơn bong tróc không được khắc phục; thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe buýt thường xuyên bị mất tín hiệu; việc niêm yết thông tin bắt buộc trên xe buýt không đầy đủ, quá mờ, cũ; xe thường mở cốp sau, mở cửa lên xuống khi xe đang chạy...

Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, đội ngũ lái xe, phụ xe hầu hết không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên khi làm nhiệm vụ, thu tiền của khách không xuất vé; thu tiền vé cao hơn quy định; trong suốt hành trình vẫn dừng đỗ xe đón bắt khách dọc đường (đón trả khách không đúng nơi quy định)...

Thống kê từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2019, ngành chức năng Đà Nẵng đã kiểm tra các tuyến xe buýt liền kề trên địa bàn và xử lý 266 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 98,5 triệu đồng với các lỗi trên.

Nguy cơ trật tự vận tải bị phá vỡ

Theo ghi nhận của PV, chủ trương trên của Đà Nẵng vấp phải phản ứng của các doanh nghiệp buýt liền kề đang hoạt động. Ngày 31/10, tám doanh nghiệp vận tải xe buýt liền kề liên tỉnh tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng đồng loạt có đơn gửi cơ quan chức năng.

Theo các doanh nghiệp, tuyến buýt này hiện vận chuyển bình quân 8.300 lượt khách/ngày, tạo được thói quen đi lại cho người dân hai địa phương, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động.

Ngoài ra, các tuyến xe buýt liên tỉnh không được hoạt động trong nội đô sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển, người dân muốn đến được trung tâm phải qua hai lần đón xe, mất thêm một lần tiền mua vé mới. Hơn nữa, việc bỏ tuyến buýt sẽ tạo thêm áp lực giao thông thành phố, do người dân sẽ phải sử dụng xe máy vào nội thành nhiều hơn.

Trong khi đó, xe buýt có trợ giá khó đảm bảo được mỗi ngày có gần 10.000 lượt khách đi lại giữa bến xe vào trung tâm. Đặc biệt, việc này sẽ nảy sinh xe hợp đồng trá hình hay còn gọi xe Limousine len lỏi vào nội thành gây ùn tắc giao thông; tình trạng “xe dù, bến cóc” nở rộ khiến trật tự vận tải khách bị phá vỡ.

Đơn của 8 doanh nghiệp vận tải khách được cấp phép hoạt động trên tuyến buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng trình bày, ngay từ đầu những năm 1990, các doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư phương tiện kinh doanh vận tải buýt liền kề không trợ giá trên 5 tuyến, có hành trình đi vào nội đô Đà Nẵng.

Với lưu lượng vận chuyển bình quân trên 8.300 lượt khách/ngày, qua nhiều năm, các tuyến buýt này đã tạo được thói quen, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch. Nhờ tuyến buýt này được kết nối với các tuyến xe buýt nội thành có trợ giá, người dân dễ dàng tiếp cận với các trường học, bệnh viện, nơi tham quan du lịch, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Điều quan trọng, xe buýt liền kề giúp giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT cho hai hai địa phương.

“Xe buýt liền kề không trợ giá đã hoạt động bình thường gần 20 năm nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM xe buýt vẫn đi vào trung tâm thành phố, tại sao Đà Nẵng lại cấm? Nếu điều đó xảy ra, hành khách sẽ không đi xe tuyến này nữa, doanh nghiệp sẽ phá sản, hàng trăm người lao động mất việc làm, trên 120 đầu xe sẽ thành sắt vụn”, ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải, Công ty CP GTVT Quảng Nam nhìn nhận.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp vân tải khách tại Đà Nẵng cũng cho rằng việc Đà Nẵng không tạo điều kiện cho các tuyến buýt liền kề hoạt động đã đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm thiểu phương tiện cá nhân, xóa sổ “xe dù, bến cóc”.

Ở góc nhìn pháp lý, một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho biết, trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định điểm đầu, điểm cuối của các tuyến xe buýt phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách.

“Nếu theo đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng đưa điểm đầu, điểm cuối của 5 tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam đi Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 10km, là không phù hợp với mục tiêu hoạt động của xe buýt. Khi đó sẽ thêm một lượng phương tiện khác đưa khách từ bến xe vào thành phố và ngược lại, tăng thêm độ ùn tắc, làm tăng chi phí và thời gian đi lại của người dân”, chuyên gia này nói.

Cũng theo chuyên gia trên, xu thế hiện nay cần mở rộng, tăng tỷ trọng của vận tải khách công cộng, trong đó có xe buýt, tạo tiện lợi trong nhu cầu đi lại của hành khách, an toàn, tiết kiệm, nhất là người có thu nhập thấp.

Trước đó, từ ngày 3/10, Đà Nẵng đưa vào vận hành thêm 3 tuyến buýt trợ giá R6A, R14, R16, nâng tổng số các tuyến buýt nội thành lên 12 tuyến.

Ngày 1/11, Đà Nẵng tiếp tục đưa vào hoạt động tuyến buýt Vũng Thùng- Công viên 29/3- Công viên Biển Đông. Đây là tuyến thuộc Dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị Đà Nẵng” do Quỹ Toyota Mobility Foundtion tài trợ, đồng thời điều chỉnh lộ trình chạy xe 5 tuyến buýt trợ giá (tuyến số 05, 07, 08, 11, 12).

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: xe buýt , doanh nghiệp , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP