Tại buổi lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 - công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) tuyên bố sẽ đóng cửa công trình này.
Theo đó, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP Đà Nẵng, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, tuyên bố nhiều khả năng chủ đầu tư chỉ có thể mở cửa đường hầm cho người dân, phương tiện lưu thông khoảng 20 ngày trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu, sau đó sẽ phải đóng cửa hầm.
Lý do được đại diện Tập đoàn Đèo Cả giải thích là vì gần 3 năm trôi qua, các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Áp lực tài chính, trả nợ ngân hàng, chi phí vận hành hầm không bảo đảm, trong khi cơ quan chức năng vẫn loay hoay giải quyết.
Bình luận với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) thốt lên rằng "chuyện chỉ có ở Việt Nam".
Theo đó, hễ doanh nghiệp cảm thấy không được đáp ứng về lợi ích thì lập tức dùng chiêu bài mặc cả với Nhà nước: hoặc đòi trả lại dự án, hoặc đòi đóng cửa, hoặc đòi tăng thời gian thu phí/tăng phí, rồi cuối cùng tìm cách chây ỳ thực hiện thu phí không dừng.
Giả sử Tập đoàn Đèo Cả làm đúng như tuyên bố thì sau này các dự án BOT gặp vướng mắc về tài chính, chưa được thanh toán xong, không lẽ chủ đầu tư cũng đều đóng đường lại, không cho dân đi?
Hầm Hải Vân 2 trong ngày khánh thành. Ảnh: SGGP |
"Tuyên bố của Tập đoàn Đèo Cả chẳng khác nào nhà chưa trả tiền thì không giao chìa khóa vào nhà.
Hầm Hải Vân nằm trên tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 1, nếu chưa kịp thanh toán cho các dự án BOT trên quốc lộ này chẳng lẽ họ cũng đóng cửa không cho dân đi? Mà trong trường hợp ấy, có lẽ người dân phải lo sắm taxi... bay hoặc máy bay. Hay sau này thực hiện xã hội hóa hạ tầng sân bay, giả sử thiếu tiền, không lẽ chủ đầu tư đóng cửa sân bay, để máy bay phải bay lòng vòng trên trời đến khi thanh toán xong? Tương tự, xã hội hóa đường sắt mà làm như cách Tập đoàn Đèo Cả nói tức là không cho tàu chạy?", GS.TS Đặng Đình Đào đặt hàng loạt tình huống sau tuyên bố của Tập đoàn Đèo Cả và cho rằng, tuyên bố này là rất khó chấp nhận.
"Một công trình quốc kế dân sinh nằm ngay trên Quốc lộ 1 không thể vì phần tiền Nhà nước chưa sắp xếp xong mà đóng lại, cứ như đó là công trình của riêng chủ đầu tư. Phải khẳng định quan điểm đây là công trình giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, được giao cho doanh nghiệp xây dựng chứ không phải của doanh nghiệp. Vậy mà họ lại mang ra mặc cả như đó là công trình của riêng mình", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển thẳng thắn.
Dù vậy, vị chuyên gia lưu ý, phải thừa nhận những khó khăn, vướng mắc về tài chính của doanh nghiệp trong dự án là có thật và các cơ quan liên quan, trực tiếp là Bộ GTVT cũng có trách nhiệm trong chuyện này.
Tập đoàn Đèo Cả, Bộ GTVT cùng các cơ quan có liên quan phải nghiêm túc ngồi lại cùng nhau thương thảo, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn. Hợp đồng các bên đã ký kết thế nào thì cứ dựa vào đó để xử lý, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đã cam kết thế nào thì phải đảm bảo cam kết ấy được thực hiện. Nếu hứa rồi kéo dài thì doanh nghiệp có ý kiến hay phản ứng cũng là điều bình thường và nó sẽ khiến các doanh nghiệp khác nhìn vào mà không dám đầu tư.
Trong trường hợp các bên thương thảo không thành công, phía doanh nghiệp có quyền kiện ra tòa để xử lý.
"Đó là một mặt trái. Hệ thống thực thi luật pháp và trách nhiệm các bên vẫn còn khoảng cách lớn với các nước phát triển.
Bản thân các nhà quản lý phải tính trước các câu chuyện này. Trong cơ chế thị trường hiện nay, các bên phải làm ăn đàng hoàng, có trách nhiệm", GS.TS Đặng Đình Đào kết luận.
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng.
Theo hợp đồng BOT được Nhà nước ký kết với Tập đoàn Đèo Cả, vốn BOT là 16.564 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng (chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư).
Nhà đầu tư được sử dụng các trạm thu phí An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm 5 tháng.
Trong quá trình thực hiện dự án, hạng mục hầm Cổ Mã và đường dẫn được chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư BOT.
Sau khi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và thanh toán kinh phí đầu tư hầm Cổ Mã, đường dẫn, phần vốn nhà nước còn lại 1.180 tỷ đồng. Nhà đầu tư còn đề nghị giải quyết tình trạng tranh chấp trạm thu phí Bắc Hải Vân, gây thiệt hại ước tính 486 tỷ đồng.
Căn cứ nghị quyết số 99/2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, ngày 23/1/2017 Thủ tướng có văn bản số 112/TTg-CN đồng ý 1.180 tỷ đồng này để hỗ trợ dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Tuy nhiên, do thay đổi về kế hoạch phân bổ nguồn vốn, ngày 30/10/2017 Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết số 439 quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng nói trên.
Tháng 8/2018, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép bổ sung 1.180 tỷ đồng để hỗ trợ dự án.
Ngày 19/5/2019, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội kế hoạch phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, trong đó dự kiến phân bổ cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả 1.180 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã ban hành nghị quyết số 84 ngày 14/6/2019, trong đó "giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án, trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được nguồn ngân sách hằng năm, bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền (riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội) và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)...".
Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã lấy ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, VietinBank xây dựng phương án xử lý khoản 1.180 tỷ đồng cho dự án hầm Đèo Cả.
Qua đó, tháng 6 và tháng 9/2020 Bộ GTVT có 2 báo cáo kiến nghị Thủ tướng, trước mắt chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án hầm Đèo Cả, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công.
Tuy nhiên đến nay, những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 28/12/2020, Bộ GTVT đã tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký kết.
Theo Bộ GTVT, trong trường hợp bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả, thời gian hoàn vốn của dự án từ 27 năm 5 tháng tăng lên khoảng 30 năm 3 tháng (do doanh thu thu phí thực tế giảm và chậm bổ sung phần vốn này).
Trường hợp không được bổ sung, thời gian hoàn vốn từ 27 năm 5 tháng tăng lên 32 năm 2 tháng.
Trường hợp không thu phí trạm La Sơn - Túy Loan, lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 sẽ phân lưu sang tuyến La Sơn - Túy Loan (dự kiến phân lưu khoảng 51%), gây sụt giảm doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân trên Quốc lộ 1.
Như vậy, thời gian hoàn vốn dự án hầm đường bộ Đèo Cả kéo dài, phá vỡ phương án tài chính cũng như hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Tác giả: Thành Luân
Nguồn tin: Báo Đất Việt