Giới trẻ

"Đỏ đỏ cái gì, đèn của nhà nước chứ đèn nhà tao đâu"

Chiều qua, tôi bị một phụ nữ bịt kín mít như ninja mắng xối xả vào mặt vì cản đường chị… vượt đèn đỏ. Các bạn có nhận thấy một nghịch lý cực kỳ khôi hài ở đây!?

. Chuyện là thế này: Tôi đang lưu thông đèn xanh bình thường tại một ngã tư khá đông đúc thì thấy một phụ nữ, bịt kín từ đầu đến chân, đang lừ lừ vượt đèn đỏ.

Theo tôi biết thì xã hội phổ biến 2 loại vượt đèn đỏ: Loại 1 là cố tăng ga vượt nhanh. Loại 2 là vượt chậm, nhưng thường vòng ra sau lưng các phương tiện đi đèn xanh để tránh làm phiền.

Khoảng 2 năm trở lại đây rất phổ biến loại thứ 3, loại mà tôi gặp chiều qua: Loại lừ lừ vượt, không cần quan tâm tới ai hết.

Thấy khó chịu, tôi cố tình đi chậm lại định bụng nhắc nhở chị (vì thấy chị đèo con nhỏ). Chưa kịp mở mồm chị đã quát tháo om xòm: "Tránh ra, đang vội".

"Chị đang vượt đèn đỏ đấy", tôi nhắc lịch sự. "Đỏ đỏ cái gì, đèn của nhà nước chứ đèn nhà tao đâu" (xin đảm bảo câu này là thật 100%).

Người phụ nữ "lạnh lùng" vượt đèn đỏ. Ảnh minh hoạ.

Cuộc gặp gỡ thú vị với chị ninja vượt đèn đỏ khiến tôi bắt đầu phải suy nghĩ khác đi về những người vượt đèn đỏ: Liệu họ có ý thức bản thân đang vi phạm pháp luật hay không?

Thực ra tôi đã tự đặt câu hỏi này cho bản thân khá lâu rồi. Trên phố cổ thanh niên vượt đèn đỏ nhìn thấy Tây đứng bên đường chụp ảnh còn giơ tay… chữ V tạo dáng.

Liệu các thanh niên đó có biết hình ảnh của họ sẽ đi kèm những bình luận rất thiếu thiện chí về giao thông Việt Nam hay không? Thêm cái tay chữ Victory nữa quả là đầy đủ sự châm biếm.

Phải chăng họ không ý thức bản thân đang vi phạm giao thông mà nghĩ ngô nghê như chị kia: Đỏ đỏ cái gì, đèn của nhà nước chứ đèn nhà tao đâu.

Tôi nghĩ đây là cách duy nhất để lý giải cho những người hồn nhiên vượt đèn đỏ. Đối với họ, cái cột đèn có 3 màu cắm ở các góc ngã tư là đèn trang trí nhà nước cắm vào, không liên quan gì đến họ.

Tháng 1/2015, ở Bình Định xuất hiện tấm băng rôn: "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" vấp phải khá nhiều sự phản đối. Họ cho rằng viết thế hóa ra cho phép người ít học được vượt hay sao?

Theo tôi thì thay vì bỏ đi, nên thay hẳn là "vô học" đi. Dân ta lạ lắm, không ai tự nhận mình là vô học cả, nhưng hành xử với giao thông thì tuyệt đối không liên quan gì đến trí tuệ và có học cả.

2. Hình ảnh chị ninja chiều qua tiếp tục lại khơi gợi cho tôi thêm một câu hỏi khác, cũng tương đối trăn trở: Tại sao người ta bảo vệ sắc đẹp và sức khỏe khỏi bụi, tia cực tím rất cẩn thận, mà không hề cho rằng vượt đèn đỏ bị xe khác đâm phải là một nguy cơ?

Tôi thấy lố bịch và khôi hài nhất chính là hình ảnh những người bịt mặt kín mít rồi vượt đèn đỏ.

Tại sao họ bịt mặt? Vì họ lo ngại rằng ô nhiễm không khí sẽ khiến họ có thể mắc phải những bệnh liên quan đến phổi và đường hô hấp.

Trang bị cẩn thận để an toàn cho da nhưng lại... (Ảnh minh hoạ)

Tại sao họ mặc áo chống nắng? Vì tia cực tím cao trong điều kiện tầng ozon bị thủng có thể gây các bệnh về da.
Họ lo ngại trước những nguy cơ (tất cả đều chỉ là những nguy cơ mà thôi) có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vậy logic nào khiến họ nghĩ rằng vượt đèn đỏ thì không đối diện với bất kỳ nguy hiểm nào? Nếu tính ra, nguy cơ thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi vượt đèn đỏ còn cao hơn gấp bội các bệnh liên quan đến hô hấp và phổi.

Tôi lại chỉ nghĩ đến một cách lý giải trào phúng cho hiện tượng này qua câu chuyện: Nếu đi biển bị sóng đánh tụt quần bạn nên làm gì?

Đừng cố che phần nhạy cảm của mình. Tốt nhất là… che mặt. Vì có ai nhìn thấy mặt của bạn đâu.

Phải chăng cái sự che chắn kỹ càng rồi vượt đèn đỏ cũng là một cách để che đi sự ngu dốt, thiếu hiểu biết đằng sau sự bảo vệ có vẻ rất hiểu biết ấy?

Tác giả bài viết: Bảo Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP