Kinh tế

Dỡ chuôm bắt cá bán tiền triệu

Người dân Quảng Nam cắm cọc dày đặc làm chuôm trên sông dụ cá đến ở, sau đó vây lưới đánh bắt khoảng 1,5 tạ cá thu về hơn 4 triệu đồng.

Quảng Nam có hệ thống sông ngòi khá nhiều, từ bao đời này người dân tìm những nơi có độ sâu hơn 1,5 mét cây cắm dày đặc làm chuôm. Vạt chuôm rộng khoảng 20 mét vuông thu hút nhiều loại cá, tôm trú ẩn.

Anh Lê Đình Anh, xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, khi con nước xuống cạn, anh cùng đồng nghiệp dỡ chuôm cắm trên sông Đầm bắt cá. “Chuôm được cắm hàng trăm cọc tre, thân, cành cây gỗ để cá, tôm vào ở. Khoảng 3 tháng một lần thì tiến hành thu hoạch”, anh Anh nói.

Theo anh Anh, lưới được vây quanh chuôm, sau đó nhổ cọc rồi gom lưới dồn cá vào. “Lưới phải được cắm chặt dưới đáy sông tránh cá chui ra ngoài”, anh Anh nói.

Khi lưới gom xong, có 3 người lặn xuống bắt cá và cho lên ghe. Lúc này, một người ngồi phía trên có nhiệm vụ phân các loại cá.

Theo ông Nguyễn Đạo, cá bắt được chủ yếu cá gáy, rô phi, cá lát, cá lóc, cá sẹc, cá hồng.

Ông Đạo cho biết, mỗi lần dỡ chuôm bắt được khoảng 1,5 tạ cá.

“Ở đây mỗi người làm từ 2 đến 3 cái chuôm, mỗi lần thu hoạch đem lại nguồn thu nhập đáng kể”, ông nói và cho hay một cái chuôm mất 10 ngày công mới hoàn thành.

"Mặc dù cá gom vào lưới nhưng dưới nước rất khó bắt, do đó phải dùng đến vợt xúc. Tuy nhiên chỉ có cá nhỏ lọt vào, cá to chạy thoát rất nhanh. Để bắt cá to, không còn cách nào khác là phải lặn xuống và lựa thế mới bắt được chúng”, ông Đạo nói.

Cá bắt được đưa lên ghe và phân loại cho vào bao lưới thả xuống nước để giữ cá sống.

Khi gom lưới xong, cá được đưa lên bờ.

Sau khoảng 4 giờ ngụp lặn, thợ bắt cá xong công việc, họ đưa cá về.

“Số cá này thương lái thu mua hơn 4 triệu đồng, tiền được chia ra, mỗi người hơn một triệu đồng”, ông Đạo nói và thông tin, nghề dỡ chuôm phải ngâm mình trong nước rất vất vả, xong việc thì cắm cọc lại như cũ để tiếp tục bắt cá đợt sau.

Tác giả: Đắc Thành

Nguồn tin: Báo VnExPress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP