Khu xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng. Ảnh: MH |
Cả thành phố chỉ có 1 khu xử lý chất thải rắn
Báo cáo của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho thấy, hiện nay, mỗi ngày, TP. Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến, từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 - 2030, hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong thời gian từ năm 2030 - 2040. TP. Đà Nẵng đã trang bị 41 xe vận chuyển chuyên dụng; xe kéo rác thủ công: 521 chiếc; 2.854 thùng chứa rác các loại. Nhân lực trực tiếp thu gom rác, quét dọn rác đường phố trên toàn địa bàn thành phố là 862 người. Với 5 trạm trung chuyển đang hoạt động gồm Lê Thanh Nghị, Chợ Đầu Mối, Nguyễn Đức Trung, Hòa An, Hòa Thọ. Công suất hoạt động trung bình 72 tấn/ngày. Toàn thành phố có 133 điểm tập kết thùng, trung chuyển rác tạm thời. Tuy vậy, tình trạng vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết hiện nay chưa được giải quyết tốt.
Cả thành phố chỉ có 1 Khu Xử lý chất thải Khánh Sơn được đầu tư từ Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. CTR sinh hoạt sau khi thu gom về đây đều được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Công nghệ này đã lạc hậu và có nhiều hạn chế tiêu tốn nhiều diện tích đất, không khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải, tốn kinh phí cho việc xử lý nước rỉ rác và có thể phát sinh ô nhiễm môi trường nếu vận hành không đúng quy trình bãi chôn lấp.
Hiện tại, khả năng tiếp nhận rác thải của bãi rác Khánh Sơn chỉ còn kéo dài được 9 tháng. Tuy vậy, dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn do Ban Quản lý Dự án xây dựng hạ tầng và Phát triển đô thị (làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án), trong đó, có hạng mục xây dựng thêm hộc chôn lấp rác số 6 đang gặp các vướng mắc như: Chưa xác định và đo đạc diện tích đất quốc phòng nằm trong ranh giới dự án; chưa được phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường… Nếu TP. Đà Nẵng không nhanh chóng có những động thái quyết liệt để xử lý CTR, tới đây, chắc chắn sẽ xảy ra những điểm nóng về môi trường.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, mặc dù, CTR tại TP. Đà Nẵng ngày càng gia tăng nhưng quy hoạch xử lý CTR thành phố chưa phù hợp với Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp CTR; một số công trình trung chuyển, xử lý CTR chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu các trạm trung chuyển đạt chuẩn môi trường; giám sát ở các địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả thực hiện dịch vụ thấp. Bên cạnh đó, lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư; chưa đa dạng các thành phần kinh tế tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý…
Điều chỉnh quy hoạch, đầu tư trạm trung chuyển
Để khắc phục những tồn tại trên, TP. Đà Nẵng định hướng thời gian tới sẽ đầu tư Dự án “Nâng cấp, cải tạo một số các hạng mục tại Bãi rác Khánh Sơn” nhằm đảm bảo công tác xử lý CTR của thành phố sau năm 2020; triển khai Dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn” của Công ty CP Môi trường Việt Nam với công suất 650 tấn/ngày đêm, công nghệ đốt rác phát điện. Đầu tư Dự án “Trạm trung chuyển rác thải Lê Thanh Nghị và Thọ Quang” nhằm giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trạm trung chuyển, làm cơ sở để đầu tư thêm các trạm trung chuyển nhằm đồng bộ và hoàn thiện mạng lưới thu gom rác thải trên toàn địa bàn thành phố.
Nghiên cứu quy hoạch Khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy hoạch, phục vụ xử lý CTR thành phố trong tương lai gần; đồng thời, quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn vị trí tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang để dự phòng cho tương lai. Đầu tư Dự án “Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác (Giai đoạn 2)” nhằm giải quyết triệt để nước rỉ rác; giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực.
Triển khai có hiệu quả Kế hoạch phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố đến năm 2025. Đầu tư lò đốt chất thải rắn nguy hại, hệ thống xử lý phân bùn bể phốt. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CTR lồng ghép với hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu.
UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương theo đề nghị của Sở Xây dựng về việc điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giao Viện Quy hoạch xây dựng tiến hành lập các thủ tục điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung phân loại rác tại nguồn
Đối với kế hoạch phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, bà Nguyễn Thị Kim Hà, phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết: Ngân sách thành phố phải chi cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt ngày càng tăng. Vì vậy, thời gian tới, mục tiêu của thành phố là phân loại rác nhằm thực hiện tái chế, sử dụng thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp chất thải.
Hiện, một số địa phương của TP. Đà Nẵng đã thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn ở quy mô thí điểm. Cụ thể là Dự án "Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế tại TP. Đà Nẵng". UBND quận Hải Châu đã triển khai tại 2 phường Thuận Phước và Thạch Thang; UBND quận Thanh Khê triển khai tại 2 phường Thanh Khê Tây và Hòa Khê.
Ngoài ra, với dự án "Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh" từ giữa năm 2018, UBND quận Sơn Trà tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động phân loại rác thải tại nguồn ở 4 khu dân cư thuộc địa bàn. Đến tháng 9/2018, quận Sơn Trà tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này đến 70 khu dân cư ở cả 7 phường với khoảng 14.000 hộ tham gia.
UBND các quận huyện đã xây dựng chi tiết kế hoạch phù hợp với từng địa phương trên cơ sở khung tiêu chí chung của thành phố. Đó là rác thải được phân thành 3 loại: rác tái chế (rác tài nguyên), rác nguy hại và rác còn lại. Theo kế hoạch, dự kiến sau năm 2025 thành phố tiếp tục phân loại chi tiết đối với các thành phần như ni lông, thủy tinh, rác thải vô cơ và hữu cơ…
Lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, với kế hoạch đã ban hành, trước mắt các hộ gia đình sẽ được cấp phát các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền, túi đựng rác tài nguyên. Khu dân cư được trang bị thùng rác nguy hại theo đúng quy định. thành phố sẽ trang bị thùng rác 2 ngăn/3 ngăn tại các khu vực công cộng, một số tuyến đường cảnh quan.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường