Tin địa phương

Định hướng phát triển BĐS Đà Nẵng là tìm lại giá trị cốt lõi

“Ba giá trị lớn nhất của BĐS Đà Nẵng, đó không chỉ là biển, mà phải nói đến như một nơi nhiều tích sử, các vấn đề phong thủy và tâm linh”- Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, ba giá trị lớn nhất của BĐS Đà Nẵng không chỉ là biển, mà phải nói đến như một nơi nhiều tích sử, các vấn đề phong thủy và tâm linh.

Cần tìm giá trị cốt lõi

Tại Hội thảo chuyên đề “Bất động sản miền Trung - Thực trạng và hướng phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Tiến sĩ Võ Trí Thành-nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có bài phân tích sâu về thực trạng, đặc tính thị trường BĐS Đà Nẵng, cũng những định hướng mà thành phố cần theo đuổi để tạo dấu ấn và bứt phá trong tương lai.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, nói đến BĐS thì phải nói đến tăng trưởng, mặc dù chiếm tỷ trọng trong GDP không quá cao như nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế tác... Nhưng BĐS là ngành có tính "đầu kéo" tốt nhất. “BĐS gắn với cuộc sống của chúng ta, và nhóm khách hàng chi phối nhất thị trường ở Việt Nam có lẽ là tầng lớp trung lưu. Và nổi bật là tầng lớp trung lưu giàu có một chút ở Hà Nội, TP HCM. Bất động sản cũng là hình ảnh, biểu tượng không chỉ của cá nhân mà còn của cả một quốc gia. Không chỉ vậy, BĐS còn là tiền bạc, dòng tiền nên nó liên quan đến kinh tế vĩ mô” - Tiến sĩ Thành nói.

Theo Tiến sĩ, BĐS miền Trung có ba giá trị lớn nhất, đó không chỉ là biển, mà phải nói đến như một nơi nhiều tích sử, các vấn đề phong thủy và tâm linh.

“Cái hay của du lịch và môi giới BĐS là ta bán cái tích chứ không phải bán hòn đá. Nên vấn đề tâm linh, tích sử là đặc điểm giá trị của khu vực miền Trung chứ không phải chỉ có biển” - Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, BĐS Đà Nẵng đang có giá trị khác biệt khi sở hữu nhiều tích sử, các vấn đề phong thủy và tâm linh.

Vấn đề quan trọng đối với miền Trung là sự kết nối, và miền Trung là vùng đất của kết nối. “Kết nối thì nó liên quan đến BĐS và công nghiệp, logistic, hậu cần, phân phối,… chứ không chỉ nói đến nhà cửa, đất đai. Nói rộng nữa thì đường sá, kết cấu hạ tầng cũng là BĐS.

Và cần xây dựng BĐS tại khu vực sao cho khi nhắc đến họ sẽ biết ngay. Đó là một miền Trung đáng sống, đáng kinh doanh và đầu tư. Đáng sống là phải bao gồm tất cả, đáng ở, đáng kinh doanh và đáng đầu tư và thân thiện. Từ đầu tiên nói đến BĐS miền Trung là phải xanh, thân thiện với môi trường và công năng phải tiện ích phải thông minh. Thì đó phải là biểu tượng của BĐS miền Trung” - Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Thách thức của phát triển

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, thực tế BĐS miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ.

“Cái quan trọng nhất của BĐS miền Trung là dịch vụ đi kèm BĐS. Miền Trung sẽ rất cạnh tranh về resort, nhưng ăn nhau không phải tên tuổi thương hiệu mà là dịch vụ gắn với nó. Bởi khi nói đến dịch vụ thì ta thấy ngay khoảng cách của dịch vụ của miền Trung còn quá xa so với các địa phương, chưa nói đến chuẩn toàn cầu. Không những miền Trung bị mà cả Đà Nẵng cũng bị, và cũng rất dễ cạnh tranh, đẩy chúng ta vào cuộc cạnh tranh quyết liệt” - ông Võ Trí Thành nói.

“Lý do là khách hàng chúng ta quá đa dạng, chúng ta ai cũng quan tâm đến 13 triệu khách hàng nước ngoài đến du lịch mà quên đi khách nội địa. Hãy nên nhớ, khách du lịch chính của Việt Nam là khách nội địa, 72 triệu lượt khách trong năm 2017. Trong 72 triệu khách ấy, tầng lớp trung lưu, giàu có chiếm tỷ lệ nhỏ. Như vậy, dịch vụ phục vụ tầng lớp thu nhập đòi hỏi thấp hơn, và điều này cũng dễ kéo chúng ta xuống thấp dần dần.

Áp lực cạnh tranh từ đáy đẩy ta vào cái khó. Và đó là một trong những cái khó nhất của miền Trung, phục vụ đủ khách hàng ai cũng có quyền đối tượng khách hàng thì đa dạng, nhưng chất lượng đòi hỏi thì phải tiêu chuẩn toàn cầu, chuẩn mực tốt thì rất khó” - Tiến sĩ Võ Trí Thành phân tích.

Đà Nẵng nói chung và nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức về cạnh tranh và phát triển bền vững

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, hiện toàn TP có khoảng hơn 50 dự án BĐS đã và đang triển khai. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn với nhiều nhà đầu tư lớn như Vinacapital, Alphanam Luxury, SunGroup, Trung Nam, Hòa Bình, An Thịnh, Vingroup…

Mặc dù tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng phần lớn các dự án BĐS tại TP Đà Nẵng vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ, thị trường vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường Đà Nẵng. Nhất là sau sự kiện APEC 2017 đã trở thành bước đột phá cho Đà Nẵng.

Cũng theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, năm 2018, thị trường BĐS Đà Nẵng có những chuyển biến tốt nhờ sở hữu cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, các dự án được kết nối thuận tiện, nhất là định hướng các sản phẩm hướng đến người thu nhập trung bình sẽ được chú ý.

Tác giả: Hồ Xuân Mai

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP