Giải trí

Diễn viên Thành Long: Một tượng đài võ thuật miệt mài cống hiến

Thành Long là một nghệ sĩ đa tài, đồng thời cũng là một biểu tượng võ thuật nổi tiếng của thế giới. Gần 50 năm cống hiến cho nền điện ảnh Hồng Kông và thế giới, ông để lại trong lòng người hâm mộ hình ảnh về một diễn viên tài năng, có thực lực và giàu tâm huyết.

Vinh quang đánh đổi bằng mồ hôi và máu

Không giống như một số ngôi sao con nhà nòi - những người sinh ra đã được bọc trong vải điều đỏ, Thành Long lớn lên trong khốn khó. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo túng ở Hồng Kông và từng suýt bị đem bán cho một bác sĩ người Anh.

Từ nhỏ Thành Long đã là một cậu bé hiếu động, thích bày trò đánh lộn cùng chúng bạn hơn là chuyên tâm vào việc học. Thế nên, chẳng có gì lạ khi thành tích học tập của Thành Long rất kém, không lên được lớp và cho đến bây giờ, Thành Long vẫn chưa học hết tiểu học.

Năm lên 7, bố mẹ gửi Thành Long vào học một trường Kinh kịch. Tại đây ông được học võ thuật, học hát, học vũ đạo và nhào lộn,... Suốt 10 năm theo học ở đó, Thành Long phải sống trong môi trường kỷ luật thép, có những ngày ông phải luyện võ từ 5h sáng đến tận nửa đêm. Quá trình tập luyện rất gian khổ khiến cơ thể ông thường xuyên bị bầm giập và cứ hễ làm sai là bị phạt nặng. Ban đầu chưa quen, nhiều lần cậu bé 7 tuổi lén khóc trong đêm.

Tuy nhiên, sau này, khi nhìn lại quãng thời gian ngày xưa ấy, Thành Long thừa nhận sự khắc nghiệt đó đã góp một phần không nhỏ trong việc tạo dựng nên một Thành Long thành công sau này.

Ngoài tình yêu với võ thuật, Thành Long còn khao khát được trở thành một ngôi sao điện ảnh. Ông bắt đầu gia nhập làng điện ảnh Hồng Kông bằng những vai phụ và đóng thế nguy hiểm. Công việc cực khổ, tiền lương lại ít ỏi nhưng chưa bao giờ Thành Long nản chí. Ông một lòng lăn xả trong từng vai diễn, dù cảnh nguy hiểm đến mấy cũng không từ. Nhờ lòng nhiệt tình ấy mà cái tên Thành Long dần trở nên quen thuộc với nhiều đạo diễn.

Sau một thời gian, Thành Long được giao vai chính nhưng không gây được tiếng vang. Mãi đến cuối thập niên 1970, khi tham gia các bộ phim Túy quyền, Tiểu quyền quái chiêu, Xà hình điêu thủ,... Thành Long mới bắt đầu nổi tiếng.

Cũng kể từ đây, tên tuổi của Thành Long lên như diều gặp gió và chính ông đã thổi làn gió mới vào dòng phim võ thuật của Hồng Kông, dòng phim hành động hài. Trong quá trình đóng phim, Thành Long đã nhiều lần bị thương nặng. Ông từng bị đá gãy răng, bị kiếm lia vào tay khiến máu chảy đầm đìa, vỡ sống mũi hay bị chấn thương nặng ở cột sống và xương chậu. Đặc biệt, khi đóng Long huynh hổ đệ năm 1986, Thành Long rơi từ trên cao xuống bị xuất huyết não và dẫn đến thính lực tai phải chỉ còn 20%.

Bất chấp những thương tích trên cơ thể, Thành Long vẫn say mê cống hiến. Và rồi, năm 2016, ở tuổi 62, sau gần 50 năm cống hiến và tham gia hơn 200 bộ phim lớn nhỏ ở nhiều vai trò từ diễn viên, đạo diễn đến chỉ đạo võ thuật, cuối cùng Thành Long đã chính thức đoạt giải thưởng Oscar ở hạng Thành tựu trọn đời.

Những trăn trở khôn nguôi

Ở độ tuổi 63, dường như Thành Long đã trải qua hết mọi hỉ, nộ, ái, ố của đời người. Ông đã có những thứ nhiều người ao ước. Thế nhưng, trong sâu thẳm Thành Long vẫn còn những trăn trở khôn nguôi.

Trước đây vì ham mê võ thuật, Thành Long đã bỏ bê chuyện học hành, ông thừa nhận đây là một trong những điều đáng tiếc nhất. Thành Long từng nói từ nhỏ ông đã mơ ước làm cảnh sát nhưng học vấn quá thấp nên chỉ có thể thực hiện giấc mơ của mình trên màn ảnh.

Thành Long cũng từng thú nhận, ông thường gặp nhiều khó khăn khi viết tên người hâm mộ, đặc biệt là người hâm mộ ở Trung Quốc. Khi khán giả đọc tên của họ, ông thường không biết viết thế nào. Dù có người đứng bên nhắc chữ đó gồm nét gì, bộ gì nhưng nhiều khi, ông nghe cũng không hiểu. Sau đó, Thành Long đành nhờ người ta viết ra, nhìn để viết theo. “Điều đó rất phiền phức và cũng rất xấu hổ”, Thành Long trải lòng

Tác giả: Hạnh Trần

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: võ thuật , Thành Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP