Giáo dục

Điểm thi "cao bất thường" ở Hà Giang: Khó tiêu cực nếu không có sự đồng thuận

Nhiều chuyên gia khẳng định năm nay quy trình tổ chức thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT đã rất chặt chẽ, vừa có sự phối hợp của các ĐH với Sở GD-ĐT địa phương. Mọi quy trình coi thi, chấm thi hoàn hảo do đó nếu có tiêu cực thì phải có sự đồng thuận của rất nhiều bộ phận.

Sự bất thường kết quả chấm thi THPT quốc gia tại Hà Giang đang được dư luận xôn xao, thậm chí nhiều thí sinh có số báo danh gần nhau có điểm thi cao giống nhau, xê dịch chỉ khoảng 0,25 điểm. Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng quy trình coi thi ở địa phương này có kẻ hở và dường như đúng với những lo lắng của nhiều chuyên gia giáo dục ĐH trước kỳ thi diễn ra.

Quy trình tổ chứ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT đưa ra rất nghiêm (ảnh minh hoạ)


Còn nhớ, tại hội nghị về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 diễn ra trước kỳ thi một tuần, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từng nêu nhiều trăn trở về công tác tổ chức thi. Là đơn vị ĐH tham gia phối hợp tổ chức thi tại các địa phương, nên ông chỉ ra một số chỗ dễ gây tiêu cực.

Ông Dũng cho biết “năm ngoái một số địa phương vô tình hay cố ý mà dán niêm phong rất dày, lúc đó tôi đã thử kéo ra và dán lại hoàn toàn được. Đây là một kẻ hở bởi một số điểm thi ở địa phương xa, việc bảo quản, niêm phong bài thi ngay tại điểm thi rất lỏng lẻo. Ở một tỉnh vùng sâu, tôi thấy việc ấy rất lỏng lẻo, nếu có sự thông đồng thì dễ dàng lấy bài thi ra. Bài làm môn thi trắc nghiệm thường được tô chì, nên hoàn toàn có thể tẩy chì đó tô theo đáp án rồi đóng niêm phong lại như cũ. Những bài này chuyển về trung tâm chấm thì rất khó nhận biết”.

Do đó, ông Dũng cho rằng phải sử dụng loại bút chì tô rồi không tẩy xóa để sửa được thì mới tránh tiêu cực. “Còn ở bài tự luận cũng có thể xảy ra tiêu cực, một số thí sinh nộp giấy trắng sau đó có người có thể rút bài ra viết vào thêm. Do đó, phải yêu cầu gạch bút với trường hợp còn chừa giấy trắng”, ông Dũng từng cho biết.

Kinh nghiệm tham gia hỗ trợ công tác coi thi tại tỉnh Tây Ninh, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng quy trình tổ chức thi của Bộ GD-ĐT đã rất nghiêm ngặt, gần như khó có thể hở ra tiêu cực. Đặc biệt, việc thi trắc nghiệm mỗi thí sinh một mã đề nên khó có chuyện thí sinh này copy bài của thí sinh khác. Tương tự, quy trình chấm thi cũng gần như không có kẽ hở.

Mỗi điểm thi, ngoài cán bộ của Sở GD-ĐT, trường ĐH còn có lực lượng thanh tra, an ninh phối hợp (ảnh minh hoạ)


Trong ban chấm thi trắc nghiệm vừa rồi, ông Sơn cho rằng quy trình tổ chức chấm thi rất chặt chẽ. “Sau khi kết thúc giờ thi, bài thi của thí sinh được hai cán bộ coi thi thu lại, làm biên bản thua nhận bài thi rồi cho vào bì, niêm phong tại chỗ. Các bì chứa bài thi này được đưa vào thùng, tiếp tục niêm phong và có chữ ký của cán bộ điểm thi, phó điểm trưởng do ĐH phụ trách và cán bộ an ninh. Nơi tập kết bài thi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lực lượng công an.

Sau đó, với các môn thi trắc nghiệm, thùng đựng phiếu trả lời của thí sinh mở trước sự giám sát của thư ký hội đồng chấm thi, phó ban chấm thi do đại học phụ trách và cán bộ an ninh. Ngoài ra, sẽ có một cán bộ thanh tra điểm thi giám sát quá trình mở thùng và túi đựng bài thi này, kiểm tra các chữ ký tại mép niêm phong có giống như chữ ký đã đăng ký hay không. Mọi thủ tục được hoàn thành, túi đựng bài thi được cắt ra, lấy phiếu trả lời trắc nghiệm cho vào máy quét, lưu dữ liệu vào một đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT.

Thậm chí, trong quá trình chấm, với những bài thi bị lỗi do quăn mép, nhăn...các cán bộ sẽ có xử lý riêng, tất cả được đều được lập biên bản, lưu trữ liệu trước và sau khi xử lý để đối chứng. Sau khi đã quét xong trắc nghiệm lấy dữ liệu ban đầu, phiếu trả lời lại được đưa vào túi, cho vào thùng, niêm phong và lưu trữ nghiêm ngặt. Khi có đáp án, Bộ GD-ĐT đồng thời gửi phần mềm cho các hội đồng chấm thi để họ tiến hành chấm trắc nghiệm.

Trong khi đó, ông T., cán bộ một trường ĐH ở TPHCM tham gia công tác coi thi tại một tỉnh phía Nam thì cho rằng mọi quy trình hoàn hảo tuy vậy nếu muốn tiêu cực thì phải có sự đồng thuận nhiều phía.

“Nếu có sự thay đổi bài làm của thí sinh chỉ có thể xảy ra sau khi thi xong và trước khi chấm, nhất định phải có sự đồng thuận hoặc sự lơ là của tất cả các cán bộ cùng tham qua quá trình bảo quản bài, chấm thi…bao gồm cán bộ Sở GD-ĐT, ĐH, cán bộ an ninh và thanh tra", cán bộ chấm thi này khẳng định.

Vị này cho rằng, “Nếu có sự can thiệp sửa lại bài thì tất nhiên dễ hiểu có những thí sinh thi cùng môn và điểm thi giống nhau, bởi quá trình tô lại thì chỉ xê dịch vài câu”.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP