Thí sinh La Lâm Khải (Q.5, TP.HCM) cùng người thân xem điểm chuẩn của Trường ĐH Tài chính - marketing trên Tuổi Trẻ Online chiều 13-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong bối cảnh số lượng thí sinh giảm (giảm 120.000 so với năm ngoái), điểm thi của thí sinh giảm mạnh ở phân khúc cao. Thống kê điểm của năm 2016 cho thấy số lượng thí sinh đạt điểm cao giảm gần một nửa so với năm ngoái.
Nhiều dự báo trước đó, điểm chuẩn của các trường có điểm rất cao ở năm trước sẽ bị tác động theo hướng giảm nhưng ít ai nghĩ điểm chuẩn nhóm ngành y dược lại giảm... đến vậy.
Điểm chuẩn y dược thấp hơn dự đoán
Trường ĐH Y dược TP.HCM đã phải áp dụng đến hai tiêu chí phụ để xác định điểm chuẩn ở nhiều ngành. Điều này có nghĩa, đối với thí sinh vừa đủ điểm chuẩn nhưng đồng thời phải đáp ứng các tiêu chí phụ mới được xét trúng tuyển.
Tiêu chí phụ 1 áp dụng cho thí sinh có tổng điểm bằng điểm trúng tuyển, trong đó điểm môn hóa áp dụng cho ngành dược học; điểm môn sinh áp dụng cho các ngành còn lại. Tiêu chí phụ 2 áp dụng cho thí sinh đã áp dụng tiêu chí phụ 1 dựa vào điểm ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.
Điểm chuẩn được xác định đã xét cả hai nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Riêng ngành y đa khoa và ngành răng hàm mặt chỉ có thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất.
Trong cùng một ngành, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2 cao hơn nguyện vọng 1 là 1 điểm. Nhưng ít ai nghĩ điểm chuẩn của trường lại giảm ở hầu hết các ngành (từ 0,25 - 2,25 điểm), chỉ riêng ngành phục hình răng điểm chuẩn bằng năm ngoái là 23 điểm.
Năm 2015, điểm chuẩn ngành y đa khoa của trường lên đến 28 điểm và nếu chỉ cần hạ 0,25 điểm đã có thêm hàng trăm thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, năm nay ngành y đa khoa có điểm chuẩn cao nhất là 26,75 điểm. Ngành răng hàm mặt 26 điểm (giảm 1,25 điểm). Ngành dược học 25,25 điểm (giảm 0,75 điểm). Ngành y tế công cộng có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 điểm (giảm 2,25 điểm).
Năm 2016, Trường ĐH Y Hà Nội đã quyết định chọn phương án điểm chuẩn mà theo đó, số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển chênh không nhiều so với chỉ tiêu. Với mức điểm chuẩn đã công bố, lãnh đạo nhà trường thừa nhận rất khó để biết được trường có phải tuyển thêm thí sinh ở đợt bổ sung hay không.
Cụ thể, mức điểm chuẩn các ngành của trường dao động từ 23,25 - 27 điểm. Trong đó, điểm chuẩn hai ngành “hot” nhất là y đa khoa 27 điểm và ngành bác sĩ răng hàm mặt 26,75 điểm, thấp hơn so với mức điểm chuẩn của ngành tương ứng của năm 2015 từ 0,25 - 0,75 điểm.
Hai ngành này cũng phải dùng đến tiêu chí phụ trong xét tuyển: thí sinh trúng tuyển cần đạt điểm toán từ 8,75 điểm trở lên. Còn tại Trường ĐH Dược Hà Nội, điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy ngành dược là 26,75 điểm, bằng với mức điểm chuẩn vào trường năm 2015.
Nhiều hồ sơ nhưng điểm chuẩn vẫn giảm
Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM điểm chuẩn các ngành đều giảm, trong đó ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh thương mại: 28 điểm (môn tiếng Anh nhân hệ số 2); năm 2015 điểm chuẩn ngành này là 31,67 điểm.
Trong khi năm ngoái tất cả các ngành còn lại có điểm chuẩn 23,25 điểm, nhưng năm nay ngành hệ thống thông tin quản lý, bao gồm các chuyên ngành toán tài chính, thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh: 25 điểm (môn toán nhân hệ số 2).
Ngành kinh tế, bao gồm các chuyên ngành kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị: 18 điểm. Đối với các ngành còn lại: 21 điểm.
Theo điểm chuẩn Trường ĐH Tài chính - marketing công bố cho thấy điểm trúng tuyển tất cả các ngành đều giảm từ 0,75 - 2,5 điểm (tùy ngành); riêng ngành ngôn ngữ Anh giảm 3,5 điểm so với năm 2015.
Tương tự, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM điểm chuẩn của một số ngành giảm từ 0,5 - 1 điểm và nhiều ngành bằng năm ngoái. Bên cạnh đó các ngành có điểm chuẩn thấp năm ngoái đã tăng lên 18 điểm do điểm sàn xét tuyển tăng.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào ba cơ sở đào tạo của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM công bố cũng giảm. Điểm chuẩn các ngành (đối với thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) cụ thể: tại cơ sở TP.HCM điểm chuẩn từ 17 - 20,75 điểm.
Trong khi điểm chuẩn ngành thấp nhất của cơ sở này năm ngoái là 17,75 điểm. Điểm chuẩn tại cơ sở Cần Thơ 15,25 - 16,5 điểm; tại cơ sở Đà Lạt 15 điểm, đều giảm so với năm ngoái.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn đối với các ngành không áp dụng môn nhân hệ số 2, ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có điểm trúng tuyển cao nhất là 23,25 điểm.
Mặc dù lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường khá nhiều so với chỉ tiêu (gần 12.000 hồ sơ) nhưng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, điểm chuẩn năm nay của trường giảm 0,5 - 1 điểm (tùy ngành) so với năm ngoái.
Riêng ngành kinh tế gia đình có điểm chuẩn 18,25 điểm, là ngành có điểm chuẩn thấp nhất (giảm 2 điểm). Còn các ngành hệ đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh và tiếng Việt đều giảm đến 3 điểm so với năm 2015 nhưng hiện vẫn chưa đủ chỉ tiêu.
Có hai ngành điểm chuẩn tăng nhẹ 0,25 - 0,5 điểm là công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
“Hiện trường chưa xác định được chính xác trong số thí sinh trúng tuyển đến nhập học thế nào. Trường vừa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo ngành logistics bậc ĐH. Dự kiến trường sẽ xét tuyển bổ sung ngành logistics và các ngành hệ chất lượng cao” - ông Dũng cho biết.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng nhận được nhiều hồ sơ (gần 13.000 hồ sơ) nhưng điểm chuẩn không cao, thậm chí có nhiều ngành 18 điểm, thấp hơn ngành có điểm thấp nhất của trường năm 2015 (19 điểm).
Theo đó, ngành kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất 21,25 (nguyện vọng thứ nhất) và 20,25 điểm (nguyện vọng thứ hai). Những ngành tài chính doanh nghiệp, luật quốc tế, khoa học môi trường, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ kỹ thuật máy tính, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường có điểm chuẩn thấp nhất là 18 điểm (cho cả hai nguyện vọng).
Riêng các ngành hệ đào tạo chất lượng cao có điểm chuẩn từ 17 - 18,25 (tùy ngành). Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM công bố điểm chuẩn bậc ĐH ngành cao nhất là 21,5 điểm (ngành khai thác vận tải) và ngành thấp nhất 16 điểm.
Điểm chuẩn các ngành chất lượng cao là 16 và ở CĐ có điểm chuẩn là 12 điểm.
Chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM kiểm tra thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh - Ảnh: HẢI QUÂN
Các trường thấp thỏm lo thí sinh ảo
Cùng với việc công bố điểm chuẩn, nhiều trường ĐH như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội... đều công khai danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường.
Trong quá trình xây dựng phương án điểm chuẩn ĐH năm 2016, nhiều trường thừa nhận không xác định được tỉ lệ ảo nên không chắc chắn được lượng thí sinh nhập học, không đảm bảo sẽ kết thúc tuyển sinh ngay ở đợt 1 hay tiếp tục phải tuyển bổ sung.
Vì vậy, các trường đều đặc biệt lưu ý những thí sinh trúng tuyển không nộp giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc) trực tiếp hoặc qua đường bưu điện trước từ ngày 15-8 đến hết ngày 19-8 sẽ không có quyền nhập học.
Ông Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết do tỉ lệ ảo rất khó lường, nên với mức điểm chuẩn đã công bố, phải chờ đến khi thí sinh xác nhận nhập học mới biết được trường có tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 hay không.
Theo thống kê của nhà trường, với mức điểm chuẩn đã công bố, có 1.255 thí sinh trúng tuyển/1.100 chỉ tiêu.
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông có mức điểm chuẩn tương đương như năm ngoái. Theo ông Đặng Văn Tùng, phó trưởng phòng đào tạo học viện, chỉ có 1-2 ngành có điểm chuẩn chênh 0,25 điểm so với năm 2015, còn lại các ngành đều có điểm chuẩn đúng như năm 2015.
Điểm chuẩn các ngành tại cơ sở đào tạo phía Bắc dao động từ 21 - 23,75 điểm. Điểm chuẩn các ngành tại cơ sở đào tạo phía Nam thấp hơn, dao động ở mức từ 19 - 20,5 điểm tùy theo ngành đào tạo.
Ngành công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất với mức điểm 23,75 ở cơ sở đào tạo phía Bắc và 20,5 điểm ở cơ sở phía Nam. Theo ông Tùng, với mức điểm chuẩn này, học viện dự kiến tuyển đủ 3.000 chỉ tiêu, không phải tuyển ở các đợt bổ sung tiếp theo.
Điểm chuẩn ngành lịch sử Đảng tăng 5 điểm |
Hôm nay hạn chót để các trường công bố điểm chuẩn |
Tác giả bài viết: Trần Huỳnh - Ngọc Hà