Kinh tế

Đi xe sang, chết khổ vì xăng bẩn

Từ 1/1/2017, nếu lưu hành cùng lúc tới 9 loại xăng thì nguy cơ bị gian lận về chất lượng càng cao. Người đi xe, đặc biệt với những xe siêu sang, sẽ thiệt hại lớn khi ô tô xe máy thường xuyên trục trặc.

Không muốn bán nhiều loại xăng

Theo bộ quy chuẩn của Bộ KH-CN, từ 1/1/2017 trên thị trường có thể tồn tại tới 9 loại xăng không chì, được ghi rõ cho khách hàng lựa chọn.

Điều này khiến DN và người tiêu dùng lo ngại. Phía các DN xăng dầu cho biết, chỉ với xăng đã có 9 loại, chưa kể dầu cũng tương tự thì hoạt động kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chủ một cửa hàng bán xăng dầu tại huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, để mở được cửa hàng bán xăng nhỏ cũng cần diện tích đất khoảng 300 m2, có mặt tiền rộng khoảng 30m. Ngoài các cột bơm xăng dầu để bán cho khách còn phải xây bể chứa ngầm và trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ rất ngặt nghèo.

Xăng dầu không bảo đảm chất lượng sẽ phá hoại nhanh chóng máy móc, động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ phương tiện.

Hiện một cửa hàng chỉ cần có 2-3 cột bơm là có thể bán gần như đủ các loại xăng dầu hàng ngày. Nếu phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới, với 9 loại xăng thì ít nhất cũng cần phải có 9 cột bơm, diện tích cửa hàng sẽ tăng lên ít nhất gấp 2 lần, bể chứa cũng tăng theo. Cùng với đó số lượng nhân viên đứng bơm xăng phải tăng thêm.

Như vậy, sẽ làm phá sinh chi phí hàng tháng như lương nhân viên, tiền thuê bằng, đảm bảo an toàn cháy nổ,... trong khi tổng số xăng bán ra chưa chắc đã tăng.

Điều này sẽ làm lợi nhuận giảm, có thể thua lỗ. Bán lẻ xăng dầu lúc cao nhất lãi vào khoảng 800 đồng/lít, tưởng là nhiều, nhưng sẽ phải gánh đủ loại chi phí. Riêng thuế, phí đã chiếm 35% trong số đó, chưa kể các chi phí khác,... tính ra không còn bao nhiêu. Nhiều cây xăng bán ra cả nghìn lít, lãi thu về tương đương 2 bát phở. Nếu không có cơ chế hỗ trợ thì chẳng ai hào hứng mở rộng cửa hàng, bán thêm nhiều loại xăng dầu làm gì - ông chủ cửa hàng này nói.

Trên thị trường chỉ có một DN lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), với chiến lược phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc nên không mở đại lý, mới có thể đầu tư như vậy được.

Tuy nhiên, riêng Petrolimex cũng không thể phủ khắp hệ thống bán lẻ trên cả nước được. Nhiều nơi sẽ rất khó có thể mua được xăng dầu đúng tiêu chuẩn Euro 4, bởi mạng lưới của DN này chưa vươn tới.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại có lo ngại riêng. Với quá nhiều loại xăng dầu như vậy sẽ gây ra nguy cơ gian lận lớn trong kinh doanh mặt hàng này, bởi hiện tại, tình trạng này tồn tại khá tràn lan.

Thị trường mới chỉ có 3-4 loại xăng mà việc kiểm soát chất lượng đã khó khăn, huống chi, với 9 loại thì kiểm soát còn khó hơn nữa.

Thống kê của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2015, kiểm tra trên 3.300 vụ thì có tới hơn 1.000 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Vi phạm chủ yếu là tác động làm sai số cột bơm dẫn đến sai lệch về số lượng xăng dầu; pha trộn xăng chất lượng thấp, giá thấp vào để bán với giá xăng chất lượng cao; mua xăng dầu nhập lậu giá rẻ, chất lượng kém; pha xăng với nhiên liệu sinh học rẻ tiền bán kiếm lời.

Động cơ xe nhanh hỏng vì chất lượng nhiên liệu kém (ảnh minh họa)

Xăng dầu bán ra không bảo đảm chất lượng sẽ phá hoại nhanh chóng máy móc, động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ phương tiện. Khí thải do xăng dầu không bảo đảm chất lượng hủy hoại môi trường và sự sống xung quanh. Có người gọi xăng dầu ở Việt Nam thuộc loại "bẩn nhất thế giới", điều đó quả không sai.

Chết khổ vì xăng bẩn

Theo các kỹ sư ô tô, đối với động cơ xăng, khi ngừng hoạt động, thường có một lượng nước đáng kể (được tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu) ngưng tụ lại trên thành xylanh, rồi lọt xuống carte chứa dầu nhớt.

Cùng với đó, nhiên liệu không cháy hết và muội than trong buồng đốt cũng lọt xuống carte chứa dầu nhớt, tạo ra một số acid mạnh. Kết quả là màng dầu bôi trơn trên thành xylanh bị rửa sạch và quá trình ăn mòn được thúc đẩy. Tiếp đến là mài mòn các bộ phận chuyển động, dẫn đến làm giảm tuổi thọ động cơ.

Các tạp chất khi rơi xuống lại kết hợp với các acid tạo nên một loại cặn bùn trong động cơ, có thể làm tắc nghẽn các mao mạch dẫn dầu bôi trơn và hỗ trợ cho việc mài mòn hệ chuyển động nhanh hơn.

Anh Nguyễn Hoàng Điền một DN nhỏ tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, cách đây 3 năm đã khốn khổ với xăng bẩn. Ô tô của anh là chiếc xe sang nhập khẩu từ châu Âu, sử dụng động cơ Euro 4. Tuy nhiên, ở Việt Nam không có xăng đáp ứng tiêu chuẩn này. Dù đã đổ loại xăng tốt là A 95 thì vận hành cũng rất thiếu ổn định, thỉnh thoảng lại thấy giật cục trong động cơ.

Các thợ sửa xe giàu kinh nghiệm cho biết, nguyên nhân là do nhiên liệu không đáp ứng được chất lượng. Chỉ có cách là phải thường xuyên xử lý đánh cặn, muội bám trong động cơ và bộ phận phun nhiên liệu. Nhiều khi đi vài nghìn km, lại gặp hiện tượng này và phải đưa xe đi xử lý. Mỗi lần như vậy lại tốn khoảng 3-5 triệu, chưa kể thời gian chờ đợi, anh Điền kể.

Thời gian tới, khi tất cả ô tô đều sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 theo quy định, chắc chắn số lượng xe gặp sự cố sẽ tăng lên đáng kể, nếu không có nhiên liệu đạt tiêu chuẩn.

Đấy là chưa kể còn phải thay dầu nhớt sớm hơn so với thời gian quy định và chọn mua những loại dầu nhớt tốt, duy trì được độ nhớt để bôi trơn liên tục, chống gỉ, chống ăn mòn hoá học,... Tất nhiên như vậy sẽ làm tăng thêm chi phí cho người sử dụng xe.

Tác giả bài viết: Trần Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP