|
Khi con đường 702 chưa mở ra, muốn thăm các vườn nho du khách phải đi tìm, hoặc chí ít ra là tới vườn nho Ba Mọi ở Tháp Chàm. Nho Ba Mọi danh tiếng bởi chủ vườn nho đã thực sự thành công trong việc thu hút du khách và giới thiệu đặc sản nho Phan Rang đến mọi người với một không gian mở, không thu phí khách tham quan. Thì nay, cung đường nho Thái An lại tạo cho người chạm gặp một cảm giác hoàn toàn khác.
Gọi là vườn nho Thái An, nhưng thật ra đó là một địa danh thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, H. Ninh Hải (Ninh Thuận), nơi có 200 hộ chuyên trồng nho và chế biến các sản phẩm về nho. Và sẽ không ngạc nhiên khi trên con đường này có rất nhiều xe đi, lý do là tham quan và ngắm cảnh. Trên cung đường ấy không thể không dừng lại ở cánh đồng muối Đầm Vua với những ruộng muối đẹp như tranh vẽ, và dẫu không đi theo con đường vào vịnh Vĩnh Hy, vẫn có thể dừng lại ở điểm dừng, ngắm nhìn toàn cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Dọc con đường có những điểm dừng chân, và đi chậm thôi để ghé lại, từ nơi đó nhìn biển đẹp như một bức tranh với những bãi biển, ghềnh đá và cả những con tàu đang đậu hoặc ra khơi xa.
Thật ra thì tôi đi trên cung đường này đã rất nhiều lần, nhưng mãi đến lần này mới dừng lại vườn nho Thái An. Cách TP Phan Rang chừng 25 cây số là chạm gặp, và sau khi qua Thái An là đến Hang Rái. Cả một cung đường dài dễ chừng vài cây số, mỗi vườn nho có một tên riêng hoặc không có tên riêng, mà chỉ mở hàng rào bảo vệ vườn nho, phía trên con đường có lề đường cho khách để xe, khách cứ thoải mái bước vào thăm vườn nho. Một số vườn nho dựng thêm cái lều nhỏ, bàn ghế cho khách ngồi nghỉ, nhưng chủ yếu là trong vườn có một quầy bày các loại nước ngọt và đặc sản như rượu nho, mật nho, nho khô và thêm mứt rong biển, tỏi khô…
Không vội vào vườn, chúng tôi cứ phóng xe chầm chậm trên con đường, các vườn nho có vườn ra trái còn nhỏ, có vườn đã trĩu trái, tạo một cảnh quan đẹp. Khách đi xe máy hoặc ô-tô cũng vậy, hoàn toàn ngẫu hứng trong việc chọn lựa sẽ ghé vào vườn nho nào, chủ các vườn nho cũng không mời chào, mà để khách chọn lựa tùy thích.
Nho chín. |
Cuối cùng, chúng tôi chọn ngẫu hứng một vườn nho ven đường, nơi này cũng đã có hơn chục người khách đang chụp ảnh hoặc ngồi thưởng thức nho và rượu nho. Chúng tôi chọn một chiếc ghế đặt dã chiến dưới vườn nho đang loang bóng nắng, và trên đầu là những chùm nho đang chín. Không cần biết khách có mua hàng hóa của mình không, chị chủ vườn mà theo chị giới hiệu là 37 tuổi đem tới mời miễn phí nho và rượu, có cả nho khô. Chiếc bàn chị kê bán những sản phẩm do nhà chị tự làm như nho khô và rượu nho… Chị mời chúng tôi cứ tham quan và chụp ảnh, không mua gì cũng được. Nho ở đây bán 40.000 đồng/kg, khách cứ lấy rổ và cầm kéo tự chọn chùm nho mình ưa thích để mua, đó cũng là điều thú vị, và tất nhiên chúng tôi cũng mua vài ký về làm quà.
Ở Phan Rang ngoài nho còn có nghề nuôi dê. Mà con dê thì coi lá nho là “đặc sản” mà nó rất thích. Vì thế mà khi nho sinh trưởng đủ, chủ vườn thuê người cắt lá cho nho ra trái, lá nho lại được đem bán cho người nuôi dê thay vì vứt bỏ. Và nhằm để có nho quanh năm, thay vì đợi thời vụ, các chủ vườn tính toán để khi vườn nho này thu hoạch xong thì vườn khác trái cũng vừa chín. Cho nên, có khi đi trên con đường nho ấy, tháng trước thấy vườn nho này mở cửa thì tháng sau lại thấy vườn nho khác mở cửa.
Mỗi ngày, biết bao nhiêu cuộc hành trình tìm đến Thái An, để mang cái cảm giác tự mình cắt rời chùm nho vừa chín tới, mang về tận nhà. Cảm giác trong cái nắng rất riêng ở vùng đất Phan Rang.
Tác giả: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng