Kinh tế

Dệt may Việt Nam: Cay đắng bị Campuchia, Myanmar vượt mặt, giật khách

Nhiều DN dệt may tỏ ra đau xót khi đơn hàng rầm rộ chuyển sang Campuchia, Myanmar vì chi phí của sản phẩm dệt may Việt Nam đang đắt đỏ hơn. Nhiều công ty còn tính đến việc thu hẹp sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu tình hình không cải thiện.

Nỗi buồn một doanh nhân

“Chúng tôi cũng mang tư tưởng lớn lắm chứ, vác đá vá trời lắm chứ” - ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng, dốc bầu tâm sự khi nhìn vào thực trạng không tươi sáng của ngành dệt may.

Ông Thịnh xúc động: “Nhiều khi tôi cay đắng lắm chứ. Khi lãnh đạo một tập đoàn lớn đến làm việc, họ ngang hàng với tôi cả về tuổi đời kinh doanh lẫn tuổi tác. Trong khi tôi chỉ xuất khẩu được 300 triệu USD thì họ đã đạt 1,6-1,7 tỷ USD. Nếu trừ đi nguyên vật liệu nhập khẩu, thực sự con số xuất khẩu của chúng tôi chỉ là 130 triệu USD.

"Cùng sinh thời như nhau, nhưng chính sách khác nhau đã tạo ra DN sự phát triển khác nhau”, ông Thịnh buồn bã khi thấy DN Việt nói chung cứ ngày càng còi cọc.

DN dệt may đang lo yếu thế so với các đối thủ cạnh tranh. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh


Vị giám đốc của DN hơn 10.000 lao động này thừa nhận, so với các tập đoàn lớn, DN của ông vẫn “không là cái đinh gì”. Bản thân ông cũng chưa biết khi nào ở tầm của các DN lớn cỡ hàng trăm nghìn lao động.

“Thời gian còn lại của tôi có lẽ không làm được điều ấy. Tôi chỉ có thể hy vọng con cái của chúng tôi sau này có những người bằng hoặc vượt ông chủ tập đoàn kia”, ông Thịnh gửi gắm hy vọng.

Nhưng, để chờ được đến ngày đó, ông Thịnh sẽ phải sống sót qua giai đoạn này, một giai đoạn mà ông Thịnh tóm tắt bằng những từ ngữ không mấy lạc quan “doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, đơn hàng không đủ”.

“Các DN đang phải nhận lung tung, có gì làm đó để qua cơn bĩ cực này”, ông Thịnh lo âu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên, nói thêm: "Chúng tôi hiện có 13 DN với 14.000 lao động. Thời điểm này những năm trước, chúng tôi đã có đơn hàng ký đến hết năm. Thế mà giờ nhiều đơn vị đến tháng 8 còn chưa đủ việc. Chúng tôi đang phải ăn đong.

“Hầu như tất cả các đơn hàng đều yêu cầu giảm giá để cạnh tranh với thị trường khác. Giá đơn hàng đã giảm từ 10-15%, thậm chí có đơn hàng yêu cầu giảm 20%”, ông Dương nói và cho biết phải cắn răng chấp nhận vì “ăn cháo còn hơn nhịn đói”.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, bộc bạch: “Lắm lúc nghĩ không biết là đi về đâu bây giờ. Thị trường xuất khẩu đang rất khó, trong nước lại càng khó. Người ta nói tham gia TPP, DN dệt may hưởng lợi, chưa thấy lợi đâu đã thấy hại. Khách hàng liên tục đòi giảm giá, không giảm giá không lấy được đơn hàng. Trong khi nếu hạ giá thì nguy cơ lỗ, giải thể”.

“Các nước xung quanh có chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN giảm giá thành. Nhưng chính sách hỗ trợ của ta lại chưa tới, chỉ thấy góp phần làm tăng giá thành của DN lên”, ông Thời than thở.

Đơn hàng về tay Campuchia, Myanmar

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, lo ngại: TPP chưa thấy đâu nhưng chúng ta đang phải cạnh tranh với các nước ngoài TPP. Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc,... lập tức điều chỉnh giảm lương tối thiểu, bảo hiểm hay hỗ trợ thuế VAT cho DN,... Họ có biết bao chính sách cứu DN ngành may mặc.

“Trong khi ta chưa được hưởng ưu đãi, các quốc gia đã 'chiến đấu' với chúng ta, cho nên hàng loạt đơn hàng chuyển khỏi Việt Nam rất nhanh”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.

Nhiều DN lo thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa: BHQ


Nhắc đến việc chi phí tăng chóng mặt thời gian qua, ông Bùi Đức Thịnh kêu “không còn đủ sức nữa”.

“Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... đang là gánh nặng. Mỗi năm trung bình chúng tôi mất 50-60 tỷ. Lãi của 1 DN nhiều lắm lên được 4-6%/năm, thế nhưng chi phí lại tăng mấy chục phần trăm thì DN sống làm sao được”, ông Thịnh mệt mỏi.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng: Lợi thế cạnh tranh của DN nước ta so với các nước đang kém hơn. Campuchia hay Bangladesh được hưởng những dòng thuế xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu thấp hơn ta. Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, đồng lương tối thiểu của họ cũng thấp hơn Việt Nam. Ngay cả Trung Quốc cũng giảm ngay chi phí bảo hiểm xã hội từ 22% xuống còn 18%, đó là điều kiện họ thu hút đơn hàng...

Chi phí ở Việt Nam tăng cao, hệ quả là, khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar... Trước tình hình đó, lãnh đạo các DN cho biết đã tìm mọi cách tiết giảm chi phí, từ việc “hứng nước mưa” cho đến “dùng ánh sáng mặt trời”.

“Chúng ta phải tự cứu trước khi trông chờ sự hỗ trợ từ nền kinh tế thế giới. Trước làm 1, giờ phải làm 3-4, thậm chí phải làm 10. Chúng ta cứ như thế này thì chỉ có con đường đóng cửa nhà máy”, bà Huyền cảnh báo. “Nếu không có chính sách hỗ trợ DN thì chắc chắn kịch bản rất xấu sẽ xảy ra”.

Ông Bùi Đức Thịnh cũng không giấu lo lắng: Giả dụ đến năm 2018, TPP có hiệu lực, thị trường mở cửa rồi mà chính sách vẫn eo hẹp thế này, DN chỉ đứng đó mà ngáp dài, không thể làm được, sẽ chỉ nuối tiếc mãi mà thôi.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP