Tin địa phương

Dẹp rào đại gia chắn lối xuống biển: Quyết tâm làm sạch

Người dân vẫn đợi doanh nghiệp trả lại biển, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng khẳng định sẽ quyết tâm làm, kể cả thu hồi dự án.

Gần một tháng, sau khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đi thị sát và có chỉ đạo trả lại bãi biển cho cộng đồng, ngày 14/4, trao đổi với báo Đất Việt nhiều người dân Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) vẫn ngóng đợi kết quả.

Người dân bức xúc vì bị doanh nghiệp bít lối xuống biển. Ảnh: PLO


Hai lời trái ngược

Ông Nguyễn Hữu Thiết - Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, địa phương đã yêu cầu Tập đoàn Trung Thủy phá hàng rào, mở nhiều đường xuống biển cho dân đi lại.

"Sau khi có chỉ đạo của Bí thư, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp mở hết rồi. Bờ biển có 400m mà đã mở tới 4 lối, mỗi lối rộng hơn 4m rồi.

Tôi nói thật, đường xuống biển vẫn mở cho dân đi lại từ trước. Hiện vẫn có 167 tàu, thuyền của ngư dân neo đậu ở đó, người dân cũng thường xuyên đi lại ra biển đánh bắt thủy, hải sản, nếu như đường xuống biển bị rào, chắn, bít lại như phản ánh thì người dân ở đây đã có ý kiến từ lâu rồi, nhưng có thấy ai nói gì đâu?", ông Thiết giải thích.

Ông Nguyễn Hữu Thiết nói thêm, trước đây khi Tập đoàn Trung Thủy thi công, người dân có kiến nghị phải vây kín tôn để tránh bị ồn, bụi bẩn gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới nhà dân, doanh nghiệp cũng đã làm. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp vây kín tôn lại có phản ánh kêu ca là quây kín quá dân không nhìn thấy biển đâu. Rất khó chiều.

"Doanh nghiệp rào hàng tôn cũng còn vì bảo vệ tài sản của họ. Nói gì thì nói, dân phản ánh là một việc nhưng doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư thì cũng phải nghĩ tới cả quyền lợi của doanh nghiệp nữa. Nếu Liên Chiểu không có dự án này thì cũng không biết bao giờ mới phát triển. Chúng tôi rất mong muốn thành phố sớm phê duyệt, nhà đầu tư sớm triển khai dự án để người dân được hưởng lợi", ông Thiết kiến nghị.

Trái ngược với lời giải thích của lãnh đạo quận Liên Chiểu, ông Ngô Tấn A - người dân sống ở bờ biển Nam Ô, P. Hòa Hiệp Nam vẫn bức xúc cho rằng tình hình chưa được cải thiện nhiều.

"Hàng rào tôn có được mở một ít, nhưng mở kiểu chống đối, người dân muốn xuống phải đi vòng vèo, đất đá đổ lởm chởm, mệt lắm", ông Nguyễn Tấn A cho biết.

Cũng theo ông A, người dân đã nhiều lần có kiến nghị lên lãnh đạo phường, quận yêu cầu doanh nghiệp phải mở lối xuống biển cho dân nhưng không được giải quyết chứ không phải không có ý kiến như ông Nguyễn Hữu Thiết nói.

"Không chỉ du khách mà ngay cả người dân cũng thấy phiền phức nhiều lắm. Người dân chúng tôi chỉ có kiến nghị, dự án đó giờ có thực hiện nữa hay không? Nếu làm thì làm thế nào? Làm tới đâu?... Chứ giờ chúng tôi chả biết gì hết còn doanh nghiệp cứ vây kín tôn, rào sắt từ bao lâu rồi, bức xúc lắm", ông Nguyễn Tấn A nói rõ.

Phải xem lại chủ trương

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô là người được mời lên trao đổi trực tiếp với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa về tình hình lấn biển, quây rào tôn để xây dựng dự án Lancaster Nam Ô Resort của Tập đoàn Trung Thủy cũng giữ nguyên nỗi bức xúc.

Ông Vinh cho biết có rất nhiều vấn đề liên quan tới dự án này cần phải xem xét.

Trước hết về việc doanh nghiệp quây tôn, rào sắt bịt lối xuống biển thì sau khi Bí thư đi thị sát đã có điểm mở, điểm chưa. Tuy nhiên, việc đi lại cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Vấn đề khiến ông lo ngại nhiều hơn có liên quan tới sự tồn vong của một làng nghề truyền thống, đó là làng nghề nước mắm Nam Ô.

"Năm 2015 có 112 hộ gia đình vẫn duy trì làm nghề nước mắm nhưng hiện đã có 70 người phải di dời để nhường đất cho dự án. Hiện có gần 100 hộ dân nơi đây bỏ nghề làm nước mắm. Những người này hiện đang thất nghiệp, cuộc sống, sinh hoạt rất khó khăn", ông Vinh cho biết.

Tiếp đến là tâm trạng bức xúc của người dân với chính sách đền bù khi thực hiện giải tỏa đất đai cho dự án của địa phương.

"Đất bán cho dân thì có giá 1 triệu/m2 nhưng khi thực hiện giải tỏa, lấy đất cho dự án thì trả cho người dân có 170.000/m2. Làm dự án là mong muốn địa phương phát triển, thu nhập người dân ổn định, đời sống nâng lên, ngược lại, làm dự án mà khiến dân thiệt thòi, khổ cực, dân bức xúc thì cần phải xem lại chủ trương", ông Vinh nói thẳng.

Quyết liệt, kể cả thu hồi dự án

Trước những thông tin trái chiều từ phía người dân và chính quyền địa phương, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục khẳng định, yêu cầu trả lại bờ biển cho người dân là quyết tâm của Thành ủy Đà Nẵng. Thành ủy Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nhưng không thể vội vàng.

"Đây là chủ trương lớn đã được Thường trực Thành ủy thống nhất và quyết tâm làm. Nên thu hồi đất hay thu hồi dự án sẽ phải xem xét và thực hiện theo đúng lộ trình, quy định của pháp luật. Không thể nói hôm trước hôm sau có thể làm ngay được", ông Triết khẳng định.

Tác giả: Hoài An

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP