Đối mặt với áp lực ùn tắc giao thông, kẹt xe nên TP.HCM kiến nghị cần có sự linh hoạt trong biên chế năm học |
Liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng internet, thay đổi biên chế năm học... là những kiến nghị của UBND TP.HCM ngày 25.12 gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục.
Cho học sinh nước ngoài học trường công
Theo UBND TP.HCM, nhằm đảm bảo mục tiêu học tập suốt đời, tăng tính phân luồng, bên cạnh hệ thống trường năng khiếu về thể dục thể thao, cần xây dựng hệ thống các trường chuyên về thẩm mỹ, nhạc, họa... giúp đào tạo chuyên sâu từ nhỏ cho những học sinh (HS) sớm bộc lộ năng khiếu. Đặc biệt, cần nghiên cứu thêm các quy định để HS nước ngoài có thể học tập chương trình phổ thông của VN tại các trường công lập vì hiện nay người nước ngoài ở trên địa bàn TP rất nhiều.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị điều chỉnh độ tuổi giáo dục mầm non tại điều 21 luật Giáo dục thành “từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi” để phù hợp với luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, điều chỉnh điều 25 về cơ sở giáo dục mầm non, cụ thể: “Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi; trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi; trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi”.
“Hiện nay có hàng trăm ngàn công nhân làm việc ở các KCX, KCN ở TP, nhu cầu gửi con rất lớn để trở lại làm việc sau khi sinh. Nếu vẫn giữ quy định như hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh khó khăn trong việc tìm chỗ gửi con”, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói.
Linh hoạt giờ học
TP.HCM hiện có 2.144 trường học với 42.671 phòng học, 76.277 giáo viên, 1,6 triệu HS từ bậc mầm non đến THPT. Những năm học gần đây, bình quân mỗi năm TP tăng khoảng 60.000 HS, có năm tăng hơn 80.000. Ngoài áp lực về phòng học, giáo viên, TP còn đối mặt với áp lực ùn tắc giao thông, kẹt xe nên từng đặt ra vấn đề học “lệch giờ” nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở để thực hiện. Do đó, TP kiến nghị cần có sự linh hoạt trong một số quy định, cụ thể: định hướng mở trong biên chế năm học, thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay thì có thể rút ngắn lại; cơ cấu giờ, tiết học linh hoạt để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương; cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương.
Cần cơ chế cho mô hình mới Cũng theo UBND TP.HCM, luật Giáo dục định nghĩa “nhà giáo” không bao gồm các cán bộ quản lý giáo dục nên gây khó khăn khi điều chuyển, bổ nhiệm các nhà giáo giỏi về công tác tại các đơn vị quản lý giáo dục. Việc triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm tại TP.HCM như mô hình “trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế”, “trường tự chủ”... chưa được quy định trong luật Giáo dục nên gặp khó khăn (các trường theo mô hình tiên tiến phải đóng thuế). Do đó, cần sớm có cơ chế để phát huy thế mạnh của những mô hình trường học mới. |
Không quy định tuổi quản lý với chủ tịch hội đồng trường ? Nhiều vấn đề về tự chủ nhân sự trong trường ĐH đã được nêu ra tại hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội) tổ chức sáng 25.12. Một điểm khá mới trong dự thảo bổ sung, sửa đổi một số điều của luật Giáo dục ĐH là không quy định độ tuổi với chủ tịch hội đồng trường. Điều này có nghĩa, người về hưu có thể được bổ nhiệm vào vị trí này trong hệ thống trường ĐH công lập. Tuy nhiên theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, điều này còn có sự mâu thuẫn với Nghị quyết 19 khi yêu cầu chủ tịch hội đồng trường phải là Bí thư Đảng ủy mà người nằm trong cấp ủy thì không được quá tuổi quản lý theo quy định hiện hành. Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có những kiến nghị về sở hữu tài sản trong trường công lập. Ông Dũng cho rằng cần phải nhanh chóng đưa vào luật việc bỏ cơ quan chủ quản. Hà Ánh |
Tác giả: Đình Phú
Nguồn tin: Báo Thanh niên