Tin địa phương

Đề xuất “không làm nhà vệ sinh cho du khách trong thành Điện Hải"

Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đề xuất “không làm nhà vệ sinh cho du khách trong khuôn viên thành Điện Hải”, bởi đây là mảnh đất linh thiêng, nơi hàng ngàn nghĩa sĩ đã hy sinh trong buổi đầu chống quân Pháp xâm lược!

Ngoài hai tường thành đã phục dựng còn có một lớp tường thành nữa?

Tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Thành Điện Hải” do Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng tổ chức nhằm tiếp thu, thu thập ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật, khảo cổ và các lĩnh vực khác có liên quan, các cấp lãnh đạo địa phương, các chuyên gia, chuyên ngành... cho việc triển khai, xúc tiến các hạng mục bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải.

Khi còn làm Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Hà Phước Mai đã đau đáu với việc bảo vệ di tích Thành Điện Hải trong quá trình xây dựng Trung tâm Hành chính TP (Ảnh: HC)

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, thành Điện Hải, trước đó còn gọi là đồn Điện Hải, khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (năm 1813), nằm ở tả ngạn sông Hàn. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn được dời vào bên trong đất liền, xây bằng gạch trên một gò đất cao và đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835) được đổi tên là thành Điện Hải.

Năm 1858, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm chiếm Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn để quân dân ta kìm chân quân giặc trong hơn một năm rưỡi, bẻ gẫy ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân viễn chinh xâm lược với tàu to, súng lớn hòng tiến thẳng ra kinh đô Huế. Căn cứ vào những giá trị lịch sử đặc biệt đã diễn ra tại đây, năm 1988, thành Điện Hải được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và nay đang trình hồ sơ xin xếp hạng Di tich Quốc gia đặc biệt.

Tại cuộc hội thảo khoa học ngày 15/12, qua nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn của nhiều năm làm công tác bảo tàng, nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đặt vấn đề về không gian thành Điện Hải: “Có ít nhất một tường thành nữa ngoài hai tường thành đã phục dựng hiện nay?”.

Ông cho hay, đầu những năm 2000, Bảo tàng Đà Nẵng có nhiều đợt khảo sát thành Điện Hải, khai quật thu gom một số súng thần công và đạn trong lòng đất, đồng thời phát hiện một nền móng có chủng loại gạch, vôi vữa như nguyên gốc với thành cố về hướng Tây Bắc, cách bờ thành ngoài từ 5 - 10m. Ngoài ra, năm 2010, khi mở rộng khu nhà CLB Thái Phiên ở phía Đông Bắc thành Điện Hải, người ta đã phá đi một khối lượng lớn nền móng, tường gạch nguyên gốc với vật liệu của cổ thành.

“Để khẳng định có phải có một lớp tường thành hay công trình phụ nào khác của thành Điện Hải, tôi kiến nghị sau khi giải tỏa các hộ dân chung quanh thành, cần tổ chức ngay công tác thám sát khảo cổ học để khẳng định thêm không gian thành Điện Hải, vừa tìm thêm các súng thần công còn bị chôn lấp quanh chân thành” – ông Hà Phước Mai nói.

Tái tạo “chiến lũy Nguyễn Tri Phương” bằng sa bàn?

Vấn đề thứ hai nhà nghiên cứu này đau đáu là “Phục dựng “chiến lũy Nguyễn Tri Phương”. Theo ông, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần đầu nổ súng vào Đà Nẵng, triều Nguyễn lại chọn cách đánh đối đầu trực diện với quân Pháp có tàu to, quân đông, hải pháo có độ chính xác, sức công phá và sát thương lớn. Quan quân triều Nguyễn tập trung trong thành hứng chịu các trận đánh phá của địch, nên ở trận đầu tiên vào đầu tháng 9 và đợt tấn công thứ 2 vào tháng 11/1858 đã tổn thất nặng nề, có trận hy sinh đến hai vị tướng quân.

Sau khi khảo sát, đúc rút kinh nghiệm chiến trường, cùng với xây thêm một số đồn lũy ở phía Tây tả ngạn sông Hàn, Thống chế Nguyễn Tri Phương đã cho đắp một chiến lũy dài hơn 3km, từ góc Đông Bắc thành Điện Hải chạy sát mé sông bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Dọc theo các chiến lũy là các hố sâu đào theo kiểu chữ “phẩm” để quân lính ẩn núp, bên ngoài là hào cắm đầy chông, bên trên ngụy trang bằng phên tre và đắp cỏ.

Với việc thay đổi chiến thuật quân sự từ đối đầu trực diện sang phục kích, đánh úp, thoát ẩn, thoát hiện đã kìm chân và gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Với nhiều chỉ dụ anh minh của vua Tự Đức, đặc biệt là nhờ chiến lũy Nguyễn Tri Phương đã tạo bước ngoặc trên chiến trường đánh Pháp. Có thể nói đây là nét son trong nghệ thuật quân sự đầy mưu trí của cha ông ta thời bấy giờ!

“Để minh chứng cho việc này, năm 2002, trong chuyến công tác sang Pháp, tôi lục tìm trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ một số bản đồ thành Điện Hải, trong đó có một bản đồ vẽ nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương, dù thời gian vẽ cách đó 30 năm, tức năm 1888 khi Đà Nẵng đã trở thành thành phố nhượng địa.

Nay không còn cơ hội để phục dựng nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương bởi sự án ngữ to đùng của Trung tâm Hành chính TP mà không biết đời kiếp nào mới di dời giải tỏa được. Vậy nên cần làm một sa bàn phục dựng chiến lũy để tạo một điểm nhấn chính yếu của đường dây trưng bày của Bảo tàng Thành Điện Hải!” – Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai kiến nghị.

Không xây nhà vệ sinh cho du khách phóng uế trên mảnh đất linh thiêng?

Ông cũng cho hay, Bảo tàng Đà Nẵng may mắn có một bản vẽ sau khi quân Pháp hạ thành Điện Hải của một họa sĩ người Pháp. Bức tranh mô tả thành bị phá tan hoang, nhà sụp đổ, súng thần công nghiêng ngã, khung cảnh hoang tàn, quân Pháp tiến vào thành... Duy chỉ có kỳ đài là hiên ngang đứng vững. Theo đó, kỳ đài là một trụ cột cao hơn mái nhà. Do vậy nên phục dựng lại kỳ đài với hình dáng như cũ, không bê nguyên xi cột cờ thành Hà Nội hay cột cờ thành Sơn Tây với khối trụ bê tông to lớn hình lục giác sơn màu đỏ chói vào đây sẽ phá vỡ cảnh quan chung .

“Tôi kiến nghị sau khi di dời Bảo tàng Đà Nẵng, phá bỏ ngôi nhà với hình dạng không giống ai này, chỉ nên xây khối nhà chính quy mô vừa phải theo kiến trúc nhà triều Nguyễn, tường gạch, mái âm dương, trong đó đảm bảo hai chức năng: Không gian tưởng niệm các tướng sĩ, đồng bào hy sinh trong buổi đầu chống Pháp. Không gian trưng bày với chức năng bảo tàng các tư liệu, hiện vật lịch sử giai đoạn kháng Pháp 1858 – 1860” – Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai nói.

Đặc biệt, ông đưa ra thêm đề xuất "không làm nhà vệ sinh cho du khách trong khuôn viên thành Điện Hải”. Bởi theo ông, đây là mảnh đất linh thiêng. Những tháng ngày đầu chống trả các đợt tấn công của quân Pháp, ở mặt trận này có ít nhất 5.000 tướng sĩ, gồm 3.000 quân của Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng và sau đó là 2.000 quân chi viện của Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý, con số còn tăng thêm ở các năm tiếp theo.

“Riêng thành Điện Hải sau khi hứng chịu 3 đợt tấn công của quân địch, hàng ngàn nghĩa sĩ đã hy sinh tại đây. Máu của họ đã chảy tràn từng ngọn cỏ trong thành, xương của họ đã vùi lấp trong từng tấc đất. Tôn kính người đã bỏ mình vì nước nên không thể làm các công trình vệ sinh tập thể để du khách phóng uế lên mảnh đất này!” – Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai đề xuất một cách tha thiết.

Theo ông, những người có dịp đến thăm đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản đều biết bên trong di tích này không có một công trình vệ sinh nào. Tất cả các công trình vệ sinh cho du khách đều bố trí ở bãi đậu xe hay đầu lối đi vào và cách cổng chính từ 300 - 500m!

“Hội thảo này nhằm mục đích bàn kế sách, bảo tồn, tôn tạo và tôn vinh giá trị thiêng liêng của Thành Điện Hải. Đây cũng là nén hương tạ lỗi với tiền nhân. Có những việc sửa sai ngay được, có việc phải trông chờ các thế hệ tiếp sau!” – Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai đau đáu nói.

Lịch sử luôn nói “không” với chữ “nếu”…

Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa với kiến trúc độc đáo, quy mô hoành tráng, được công nhận là di sản văn hóa thế giới sang trọng như thế, lại chưa hề kinh qua chiến trận và chưa từng bị ngoại bang chiếm đóng, mà cũng khó giữ nguyên vẹn từng phiến đá, viên gạch như thuở ban đầu. Đến nay các kiến trúc cung điện, tường gạch bên trên thành cùng các bộ phận bằng gạch/gỗ bị sụp đổ, thậm chí bị hủy hoại và ngay tòa thành bằng đá cũng có phần bị sạt lở...

Nói xa xôi như vậy để thấy thành Điện Hải với tư cách một di sản vật thể gần 200 năm tuổi, giữ cho nguyên vẹn từng viên gạch như thuở ban đầu là không dễ, thậm chí không thể. Huống chi thành từng mấy lần xông pha lửa đạn, bị đối phương chiếm đóng nhiều thập niên và làm biến dạng kiến trúc vốn có. Và không chỉ người Pháp mà cả người Việt và chủ yếu là người Việt trong nhiều thập niên qua cũng làm biến dạng kiến trúc vốn có của thành còn mạnh tay hơn cả người Pháp, may mà chưa đến mức biến di tích thành… phế tích.

Giá như hồi mới thống nhất đất nước năm 1975, chúng ta có đủ cơ sở khoa học, có đủ quyết tâm chính trị và có nhận thức đúng hơn về lịch sử/văn hóa để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì có lẽ giải pháp bảo tồn và phát huy đề ra lúc này sẽ thuận lợi hơn, và/vì chắc chắn đã không có nhiều “bóng đè trên thành Điện Hải” không chỉ ở phía đông mà còn ở phía nam và ngay cả trong thành như bây giờ.

Có điều lịch sử luôn nói “không” với chữ “nếu”… Nói xa xôi như nêu trên không phải để đổ tội cho khách quan mà để thấy rõ hơn trách nhiệm chủ quan của người Đà Nẵng và của ngành văn hóa, và quan trọng hơn là để các giải pháp đề xuất có thể xuất phát từ chính thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải hiện nay.

(Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng)

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP