Trao đổi với phóng viên Dân Trí mới đây, chuyện gia Phạm Chi Lan gửi nhiều câu hỏi đối với tỉnh Thanh Hóa khi đề xuất một chính sách phi thực tế và bà tin rằng Chính phủ sẽ có câu trả lời là "Không" cho đề xuất đậm tính "xin cho" như thế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Thưa bà, theo dõi báo chí gần đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trình bày các lý do lo ngại xăng dầu Nghi Sơn sẽ ế ẩm và đề xuất Chính phủ có chính sách hạn chế nhập xăng dầu nước ngoài, ưu tiên dùng xăng dầu trong nước, bà nghĩ sao?
- Đây là một đề xuất tồi, đề xuất rất phi thị trường. Đây là việc điển hình cho cơ chế điều hành kinh tế có bàn tay nhà nước, lúc nào "bí" thì dựng hàng rào lên để cạnh tranh, trong khi tự mình không cạnh tranh nổi. Thử hỏi, nếu hạn chế nhập xăng dầu, thì dân có được dùng xăng ưu đãi, chất lượng tốt và lợi hơn so với dùng xăng nhập hay không? Làm rõ vấn đề đó thì hãy nên hạn chế.
Đối với Nghi Sơn, mấy năm về trước rộ lên một loạt các vấn đề rồi chứ không phải hiện nay. Chúng ta có những quy định từ đầu về bao tiêu sản phẩm khi sản xuất ra đã thể hiện chúng ta quá ưu đãi đối với họ rồi.
Tiếp đến sau đó là cách chúng ta hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp khi Việt Nam bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu ở ASEAN và các nước khác theo cơ chế FTA như Hàn Quốc và nhiều nước ASEAN như Singapore, Malaysia - những nước chúng ta đang nhập lượng lớn xăng thành phẩm.
Năm 2016, chính Bộ Công Thương khẳng định xăng dầu Nghi Sơn không đạt chuẩn Euro 4 và Euro 5. Dù chúng ta đã có nhiều ưu đãi, nhưng phải chăng mọi ưu đãi của chúng ta là chưa đủ và doanh nghiệp cứ muốn đòi thêm theo kiểu "mía ngọt đào cả cụm"?
- Bản thân Nghi Sơn cũng chưa đảm bảo yêu cầu Euro 4 như Việt Nam đề ra. Bộ Công Thương từng có báo cáo về vấn đề này.
Như vậy, nếu khi vận hành thương mại liệu doanh nghiệp có khẳng định chất lượng đạt chuẩn hay không? Chúng ta phải giám sát chất lượng nếu không khi đưa vào sử dụng nó phương hại đến nhiều người, phá vỡ các quy định của Việt Nam đã có mà tất cả các doanh nghiệp khác đang phải thực hiện.
Việc chúng ta cam kết bao tiêu sản phẩm khiến cho doanh nghiệp không có động cơ hoàn thiện chất lượng và phẩm chất sản phẩm. Đây là sự yếu kém chính sách, vì vậy chúng ta nên nhìn thẳng là không thể có thêm ưu đãi nữa.
Đứng về góc độ của tự do hoá, cam kết đa phương, đề xuất của địa phương có đúng với chính sách của Việt Nam. Liệu rằng với đề xuất này, chúng ta có bị nước ngoài đánh giá và giảm niềm tin vào việc tự do hóa thị trường, xây dựng thị trường cạnh tranh hay không?
- Việc đề xuất loại trừ việc nhập xăng dầu như thế sẽ không đúng với kinh tế thị trường, tôi tin rằng đề xuất đó Chính phủ sẽ không chấp nhận. Bởi nếu chấp nhận thì sẽ phá vỡ nhiều quy định tuân thủ pháp luật thế giới mà Việt Nam đã tham gia.
Hiện nay Việt Nam cũng tham gia rất nhiều Hiệp định FTA với các nước lớn trên thế giới và khu vực hoá, quốc tế hoá, chịu sự giám sát của các nước khác nhau nên chúng ta không thể đơn phương đưa ra vấn đề hạn chế như vậy được.
Nếu chúng ta gây mất niềm tin ở vấn đề nào đó thì sẽ khiến thế giới có cái nhìn khác về Việt Nam.
Còn ở trong nước, thị trường và người tiêu dùng không quan tâm đến sản phẩm trong nước hay ngoài nước, miễn sao sản phẩm của họ tiêu dùng phải chất lượng, đúng giá và đúng tiêu chuẩn. Nếu chúng ta hạn chế đồng nghĩa với việc hạn chế sự cạnh tranh và loại bỏ yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện chất lượng.
Những người mua lớn, người tiêu dùng lẻ hạn chế đi lựa chọn sản phẩm, điều này phát sinh độc quyền cung ứng, phân phối.
Đề xuất của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, tôi cho là sự quan tâm không đúng mực. Thay vì đề xuất kiểu xin cho cũ kỹ, nên quan tâm thúc đẩy họ là tạo điều kiện cho họ cạnh tranh tốt chứ không phải theo kiểu hạn chế cạnh tranh, hạn chế thị trường như nói trên.
Bà nghĩ sao khi trong liên doanh Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay Nghi Sơn có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hai doanh nghiệp dầu khí tầm cỡ của Kuwait, Nhật Bản? Liệu những ưu đãi này có yếu tố độc quyền, dựa thế doanh nghiệp lớn?
- Trong liên doanh Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, PVN có 26% cổ phần, vì vậy muốn ưu đãi, không thể chấp nhận việc đứng đằng sau các doanh nghiệp mới để đòi hỏi các quyền lợi của Nhà nước.
Còn đối với DN nước ngoài mới vào Việt Nam, hầu hết họ ở các thị trường phát triển hơn, cạnh tranh hơn nên Việt Nam cần đòi hỏi họ chấp nhận luật chơi thị trường và tự do cạnh tranh để làm gương.
Ngay khi dự án được chấp nhận đầu tư, Việt Nam đã tham gia sâu vào các cơ chế bãi bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu. Tuy nhiên, họ vẫn xin cơ chế, ưu đãi. Nếu có sự bất ngờ làm đảo lộn bài toán kinh doanh của họ, nhưng bài toán kinh doanh ngay từ đầu đã biết rõ rồi đến năm 2018 (2016) giảm thuế với AEC, cũng như ASEAN với Hàn Quốc… không phải là chuyện không tính được đâu?
Việt Nam với Nhật Bản hiện nay có ba kênh tự do hóa khác nhau: hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do ASEAN với Nhật Bản và Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ CPTPP.
Mở cửa thị trường rất cao đối với nhiều doanh nghiệp, thị trường và nhiều đối tác là doanh nghiệp khác thì không có lẽ chỉ vì một đề xuất của liên doanh, tỉnh cho một doanh nghiệp lại đóng cửa đối với nhiều doanh nghiệp khác.
Như vậy, đề xuất đó là phi thị trường, vi phạm, các DN khác nhìn chúng ta như thế nào, ai có thể tin được cơ chế của chúng ta khi hết lại xin cho như thế?
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí