Xã hội

Đề xuất đổ 439.000 m3 bùn thải xuống biển Quy Nhơn

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang xem xét cấp phép nhấn chìm 439.000 m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải cảng Quy Nhơn xuống biển Quy Nhơn.

Ngày 31/10, ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở TN&MT tỉnh phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, các ngành liên quan khẩn trương thẩm định, xem xét về việc xử lý nhấm chìm 349.000 m3 chất thải (bùn, cát) từ việc nào vét vùng luồng ra vào cảng Quy Nhơn.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang xem xét đề xuất đổ 439.000 m3
bùn nạo vét luồng cảng Quy Nhơn ra biển Quy Nhơn

Theo ông Thành, hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã có kế hoạch nạo vét vùng luồng cảng Quy Nhơn và xử lý chất thải vùng đó. Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã thông qua đơn vị đánh giá tác động môi trường là Bộ Giao thông vận tải đã đánh giá xong.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch chứ chưa được tỉnh phê duyệt.

Ông Thành cho biết thêm: “Việc khơi thông luồng chảy ra vào cảng Quy Nhơn là rất cần thiết. Chủ trương, kinh phí đã có, việc đánh giá tác động môi trường đã xong. Tuy nhiên, Sở đang tiến hành họp hội đồng để xem xét về việc này vì liên quan đến tác động môi trường. Sau khi thẩm định xong, nếu UBND tỉnh đồng ý vị trí nhận chìm chất thải thì mới triển khai”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết cùng với việc xem xét cấp phép, UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tuân thủ quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để kiểm tra, giám sát quá trình nhận chìm.

Tàu trọng tải lớn thường hay ra vào cảng Quy Nhơn nên việc nạo vét khơi thông cửa biển là cần thiết

“Trong quy định của Bộ TN&MT cho phép việc này. Thực chất đây không phải là chất thải mà là bùn, cát trên vùng biển bồi lấp cửa biển gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng Quy Nhơn. Khi Cục Hàng hải đề nghị thì tỉnh mới có cho chủ trương cho lập dự án, sau đó sẽ đánh giá tác động môi trường cụ thể. Tuy nhiên, khối lượng bùn, cát nạo vét khơi thông cửa biển phải đưa ra xa để tránh ảnh hưởng vùng biển của Bình Định”- ông Châu nói.

Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định chấp nhận chủ trương để xử lý nhận chìm 439.000 m3 chất thải (bùn, đất) từ nạo vét duy tu luồng cảng hàng hải Quy Nhơn (Bình Định) xuống biển Quy Nhơn.

Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng chất thải khoảng 439.000 m3 và tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0 - theo quy định tối thiểu 2,5km từ bờ biển trở ra. Chất thải gồm đất bùn, cát. Mục đích chính của việc nạo vét lớp trầm tích trong bùn để nhận chìm là khơi thông luồng chảy, bảo đảm việc ra vào cảng Quy Nhơn.

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP