Mở ra nhiều cơ hội cho Đà Nẵng
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào chiều 13/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới.
Trong đó, kinh tế thành phố tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP.
Đặc biệt, thành phố liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện với nhiều chính sách mới mang tính nhân văn.
Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng.
Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá, cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ những điểm chưa phù hợp; việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; vai trò, vị trí trong liên kết, phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên chưa rõ nét...
Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: H.V. |
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, TP. Đà Nẵng đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong đó, kinh tế của thành phố có bước phát triển; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; tăng trưởng kinh tế được duy trì, chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong vùng, mức độ tập trung kinh tế ngày càng cao.
Đồng thời, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90% GRDP thành phố; một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển.
Đặc biệt, không gian và tiềm năng kinh tế biển từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén hiện đại với tỷ lệ đô thị hoá đạt 87,45%, cao nhất cả nước...
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. |
Đề xuất nhiều cơ chế đột phá
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay chưa thể đưa Đà Nẵng đạt được mục tiêu như quy hoạch. Nguồn vốn đầu tư từ Trung ương vào Đà Nẵng mỗi năm đang giảm nhanh.
Để Đà Nẵng quay lại quỹ đạo tăng trưởng, ông Cung đề xuất các giải pháp như nâng cấp sân bay, hoàn thiện các tuyến quốc lộ nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên. Đặc biệt, đề xuất tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về Trung ương đến năm 2030.
Theo ông Cung, Trung ương cũng cần cho phép Đà Nẵng thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô. Có các biện pháp khuyến khích và ưu đãi khác biệt vượt trội đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư...
Ông Cung cũng cho rằng, Đà Nẵng cần thêm các cơ chế đặc thù vượt trội như áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn, chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp có uy tín. Có chính sách, ưu đãi vượt trội về sử dụng đất.
"Cho phép Đà Nẵng mở thêm casino cho du khách, kể cả khách nội địa. Số lượng và quy mô casino do HĐND TP. Đà Nẵng quyết định", ông Cung đề xuất.
Ông Cung đề xuất thêm, cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều đó góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Tương tự, Phó Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị, Trung ương cần hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù mới. Triển khai đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra.
Ông Sơn lưu ý, Đà Nẵng cần thêm các khu công nghệ tập trung để đầu tư phát triển sản phẩm: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, phần mềm và nội dung số, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, 5G và chip bán dẫn.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối miền Trung - Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây...
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát cho TP đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Đà Nẵng đóng vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin... |
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn