Trong nước

Đề xuất bỏ tử hình đối với 8 tội danh

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung hình phạt tử hình đối với hành vi sản xuất và kinh doanh sữa giả, thực phẩm chức năng giả

Ngày 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.

Không nhân đạo với hành vi táng tận lương tâm

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất bỏ mức tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (bảo đảm cách ly người phạm tội khỏi xã hội) đối với 8/18 tội danh vốn có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành. Đó là các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Khi thảo luận, một số tội danh đề xuất bỏ tử hình tại dự thảo luật nhận được ý kiến trái chiều. Đại biểu (ĐB) Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) thống nhất cao với dự thảo khi cho rằng để phù hợp với chủ trương chung, nhất là phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) băn khoăn khi bỏ hình phạt tử hình với 4 tội: Tham ô; nhận hối lộ; vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Bà cho rằng không cần phải phân tích nhiều về hậu quả của các loại tội phạm nêu trên gây ra, vì thực tế đã quá rõ ràng.

Theo ĐB Lan, một số lý giải về việc bỏ hình phạt tử hình được đưa ra là thể hiện tính nhân văn, phù hợp với xu hướng của quốc tế. Tuy nhiên, bà đặt vấn đề: "Khi nhân văn với tội phạm thì thân nhân của những nạn nhân hay những người đã chết do hành vi phạm tội ấy gây ra sẽ suy nghĩ thế nào?".

Nhìn nhận các loại tội phạm như tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy đều biết rõ mức hình phạt, nhưng theo bà Lan, vì lợi ích, họ bất chấp tất cả. Do đó, bà đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với các tội: tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy và sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. "Cần có hình phạt đủ sức răn đe và để nhân dân thấy Quốc hội làm luật là vì nhân dân, vì một xã hội và môi trường sống an toàn cho mọi người" - ĐB Lan quả quyết.

Với tư cách Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP HCM - cơ quan chịu trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm, cùng với hàng loạt vụ việc xảy ra thời gian qua, bà Lan đề nghị bổ sung hình phạt tử hình, chứ không dừng ở mức phạt tù chung thân với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng và sữa. "Những hành vi này ảnh hưởng đến người yếu thế trong xã hội, tác động rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người dân" - bà nhận định.

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cũng không đồng tình với mức án dành cho sản xuất thuốc giả như dự thảo luật là phạt tù 20 năm đến tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi làm chết 2 người trở lên, vì "chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội, chưa thể hiện sự răn đe". ĐB này đề nghị không áp dụng các mức án nhân đạo với loại tội phạm này; ngược lại, cần tăng nặng để bảo đảm tính răn đe. "Nếu hậu quả chỉ cần có người chết là phải xem xét áp dụng mức án chung thân" - bà Nguyệt đề xuất.

Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) phân tích: "Nếu nói rằng hành vi giết người bằng một nhát dao thì chúng ta định lượng được là côn đồ, mất hết nhân tính; vậy hành vi sản xuất thuốc chữa bệnh, phòng bệnh cũng mất nhân tính không kém gì giết người. Bởi lẽ, đó là hành vi tán tận lương tâm, biết mà vẫn làm, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân".

Do đó, ĐB Sang cho rằng không nên nhân đạo đối với những trường hợp gây ra ảnh hưởng quá lớn, mà phải nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: HỒ LONG


Nên tử hình tội phạm tham ô, nhận hối lộ

ĐB Nguyễn Thanh Sang đồng ý với đề xuất bỏ tử hình đối với 4 tội danh: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên, ông đề nghị đối với các tội danh tham ô, nhận hối lộ, nên giữ nguyên hình phạt tử hình để có tác dụng răn đe cao.

ĐB Sang dẫn chứng vụ án AVG liên quan nguyên cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) với số tiền nhận hối lộ lên đến 3 triệu USD; vụ án chuyến bay giải cứu liên quan một cán bộ Bộ Y tế nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng. Theo ĐB, cả 2 vụ án này có đặc điểm chung là sau khi bị tuyên án tử hình, bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Ông Sang phân tích: "Vì sao khi bị tuyên án tử hình thì lại nộp tiền khắc phục hậu quả? Điều này cho thấy rõ ràng án tử hình là hiệu quả trong việc thu hồi tài sản".

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng thống nhất trong 8 tội danh đề xuất bỏ án tử hình thì các tội danh không nên bỏ là: tham ô, nhận hối lộ và vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo ĐB này, thực tế các vụ xét xử thời gian qua cho thấy rất ít người phạm tội thuộc nhóm tội tham nhũng bị tuyên án tử hình nhưng việc duy trì hình phạt này vẫn có ý nghĩa rất lớn.

Ông Hòa nêu quan điểm có những vụ án, trước khi VKS đề nghị mức án tử hình thì không thấy động tĩnh gì; chỉ đến lúc thấy mức án đề nghị thì gia đình và bị cáo mới tích cực nộp lại tiền, khắc phục hậu quả để thoát án tử. Ông dẫn chứng một số vụ án có bị cáo bị đề nghị tử hình, như vụ án liên quan ngân hàng SCB, khi đưa ra mức án tử hình thì gia đình một bị cáo đã mang tiền ra chuộc tội.

"Giữ tội tử hình là để trừng trị thích đáng, phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh; đặc biệt đối với tội tham nhũng" - ông Hòa nhìn nhận. Theo ông, dù giữ án tử hình nhưng sau đó người ta khắc phục hậu quả tốt thì nên được giảm xuống còn chung thân, thậm chí 20 năm hay 15 năm. "Ví dụ, vụ bà Trương Mỹ Lan làm thất thoát ngân sách cả triệu tỉ đồng - một con số khó hình dung nổi. Nếu bà Lan khắc phục được hơn nửa số tiền này là chúng ta xây dựng được 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam" - ông Hòa liên tưởng.

Trong phiên thảo luận, bên cạnh nhiều ĐB đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy thì cũng có những ĐB cho rằng cần hết sức cân nhắc. Bởi lẽ, cần cắt "nguồn cung" ma túy để bảo đảm việc "giảm cầu" có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các ĐB cũng đề nghị đánh giá kỹ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án trong dự thảo luật.

Hôm nay (28-5), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về: dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Giám sát chặt chẽ thẩm quyền công an cấp xã

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, trong đó có nội dung đáng chú ý là công an cấp xã được phân công tiến hành khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn ở khung hình phạt đến 7 năm tù.

Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên được bố trí là trưởng công an hoặc phó trưởng công an cấp xã, đa số ĐB đồng tình. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP HCM) đề nghị rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này, sao cho phù hợp với năng lực và bảo đảm hiệu quả thực chất trong công tác phòng chống tội phạm.

Ngoài ra, cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên, trực tiếp của thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và viện trưởng VKS có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã. Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.

Tác giả: Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Đề xuất , tử hình , quốc hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP