Kinh tế

Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay, nguy cơ ‘bắt tay’ tăng giá, khách lãnh đủ

Cục Hàng không đề xuất bỏ quy định giá trần vé máy bay với đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác trở lên, đề xuất này lập tức dấy lên lo ngại giá vé máy bay sẽ tăng “vô tội vạ” vào dịp cao điểm lễ, tết.

Để xuất bỏ trần giá vé máy bay gây lo ngại tình rạng các hãng "bắt tay" tăng giá bất hợp lý xâm hại tới quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện vé máy bay nội địa có giá tối đa (giá trần) do Bộ GTVT ban hành, nhưng mỗi dịp lễ, tết người dân rất khó tiếp cận được vé giá thấp, đa số phải mua với giá vé gần kịch trần. Trong khi các loại vé khuyến mại đều không áp dụng vào dịp cao điểm, như lễ, tết.

Do đó, đề xuất của Cục Hàng không về việc thả nổi với giá vé máy bay nội địa trên đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên khiến nhiều chuyên gia và người tiêu dùng lo ngại.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) nêu quan điểm, vẫn cần giá tối đa với vé máy bay nội địa. Theo chuyên gia này, kinh doanh hàng không là theo mùa, cao điểm (lễ, tết, hè) và thấp điểm. Vào dịp cao điểm, như Tết Nguyên đán, thậm chí “cháy vé” máy bay.

“Việc nhà nước kiểm soát giá tối đa không phải theo số lượng doanh nghiệp hay thành phần kinh tế tham gia, mà theo vị thế thống lĩnh của từng doanh nghiệp. Việc quy định giá tối đa để ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, xâm hại tới quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thoả nói.

Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh đều quy định về sự tham gia điều tiết thị trường của nhà nước, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp đường bay có tối thiểu 3 doanh nghiệp khai thác, khi đó sẽ có ít nhất 1 hãng chiếm thị phần trên 30%, thậm chí cả 3 hãng chia đều thị phần thì mỗi hãng vẫn trên 30%, theo Luật Cạnh tranh, các hãng đã nắm thị phần thống lĩnh thị trường, trường hợp này nhà nươc phải quản lý và định giá trần.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long góp ý, việc quản lý giá của nhà nước cần căn cứ theo thị phần của các doanh nghiệp, có chiếm vị thế thống lĩnh thị trường không, không phải theo số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hay ít. Nếu còn doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, nhà nước vẫn phải định giá trần để các doanh nghiệp không tăng giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…

Ông Long dẫn chứng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, dù thị trường Việt Nam có tới 38 doanh nghiệp cùng tham gia, nhưng Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần, do đó nhà nước vẫn phải định giá trần bán lẻ xăng dầu.

Với hàng không, theo ông Long, chỉ riêng Vietnam Airlines và Vietjet đã chiếm trên 50% thị phần vận tải nội địa, còn theo đường bay như Hà Nội – TPHCM thì 2 hãng này cũng chiếm quá nửa thị phần. “Theo Luật Cạnh tranh, với thị phần như vậy, nhà nước vẫn phải quản lý và định giá trần để ngăn doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá vô tội vạ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, đề xuất của Cục Hàng không bỏ trần giá vé máy bay là chưa căn cứ theo các luật hiện hành”, ông Long nói.

Tại dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không (Bộ GTVT) đánh giá, hàng không có mùa cao điểm và thấp điểm, trong ngày cũng có giờ bay thuận lợi và không thuận lợi. Căn cứ vào nhu cầu hành khách, các hãng đưa ra giá vé linh hoạt, nhiều mức khác nhau, giá vé cao khi nhu cầu cao và ngược lại, thậm chí khuyến mại vé 0 đồng (chưa gồm thuế, phí). Hiện thị trường hàng không Việt Nam đã có nhiều hãng tham gia, việc định giá trần sẽ hạn chế các hãng nâng cao chất lượng dịch vụ với khách sẵn sàng trả giá cao…

Cục Hàng không đề xuất sửa luật trên theo hướng nhà nước chỉ định giá trần với đường bay có từ 1-2 hãng khai thác. Với đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên các hãng được tự quyết định giá vé và thực hiện niêm yết theo quy định.

Nếu đề xuất của Cục Hàng không được thông qua, các đường bay có nhu cầu cao hiện nay, như trên trục Hà Nội – Đà Nẵng – TPHCM – Phú Quốc, hiện có từ 4-5 hãng đang khai thác, các hãng hàng không sẽ được tự định giá. Do đó, có thể xảy ra kịch bản các hãng "bắt tay" cùng tăng giá, và giá vé các đường bay chính sẽ “cao ngất ngưởng”, đặc biệt dịp cao điểm, như lễ, tết, hè.

Tác giả: Lê Hữu Việt

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP