Trong nước

ĐBQH nói gì sau khi chất vấn 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành?

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của 3 Bộ trưởng và Trưởng ngành, các ĐBQH cho rằng, các “Tư lệnh ngành” rất sát sao, nắm rõ những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề các đại biểu nêu - cũng là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, Quốc hội đã lựa chọn những vấn đề chất vấn được dư luận cử tri và nhân dân quan tâm, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, nhưng đã thể hiện nắm rất rõ các vấn đề trong lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời trả lời rất rõ ràng được Chủ toạ, Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đánh giá cao.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên)

Đại biểu đoàn Hưng Yên đánh giá, phiên chất vấn cho thấy, các Bộ trưởng, Trưởng ngành rất sát sao, nắm rõ những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề các đại biểu nêu - cũng là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Các vấn đề chất vấn được lựa chọn rất đúng và trúng, để không chỉ các bộ, ngành được chất vấn mà các ngành có liên quan phải tập trung giải quyết, để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2024.

“Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về giải pháp để giảm chi phí logistic nhằm tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, để tạo sự cạnh tranh, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thì phải giảm chi phí logistic. Bộ trưởng đã có sự quan tâm và đã trả lời nhiều vấn đề mà cá tôi và các đại biểu khác quan tâm”, ĐB Nguyễn Đại Thắng nói.

Theo các ĐBQH, mỗi phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành lại có ấn tượng riêng và có cách diễn đạt khác nhau. Qua chất vấn, mỗi Bộ trưởng, Trưởng ngành đều thể hiện những mặt tích cực và cũng có những vấn đề của ngành mà tự mỗi Bộ trưởng sẽ phải nỗ lực để làm sao chỉ đạo, triển khai tốt chức năng, nhiệm vụ, ngành mình quản lý.

Có những nội dung, các đại biểu nêu chất vấn ở ngoài phạm vi đã đề ra. Những nội dung này, Chủ toạ và Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị trả lời bổ sung bằng văn bản.

Nêu đánh giá với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, không khí chất vấn rất sôi nổi và cởi mở, thậm chí, có lúc nghị trường đã rất nóng khi rất nhiều đại biểu đăng ký tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo bà Nga, Bộ trưởng nắm rất chắc các vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách và đã trả lời được hầu hết các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bỏ sót một số câu hỏi hay chưa trả lời được hết và có những câu trả lời mà đại biểu chưa hài lòng.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)

“Dưới góc độ một đại biểu Quốc hội, tôi thấy rằng, phiên chất vấn và các giải pháp đưa ra trong phiên chất vấn đã thỏa mãn được mong đợi của cử tri và của đại biểu Quốc hội. Hơn cả, chúng tôi chờ đợi, sau mỗi phiên chất vấn, Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa, kế hoạch cũng như cam kết của mình trước cử tri và nhân dân. Có thể, giải pháp đưa ra trong một phiên chất vấn chưa thể toàn diện, nhưng sau chất vấn thì với những vấn đề được nêu, các Bộ trưởng sẽ thực hiện như thế nào và có những chuyển biến ra sao trên thực tế mới là điều mà các đại biểu Quốc hội, cử tri cũng rất mong chờ”, bà Nga nói.

Với phiên chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã có đại biểu hỏi về vấn đề kiểm toán liên quan đến Công ty Thuận an, Phúc Sơn cũng như vụ việc Ngân hàng SCB. Quan tâm tới nội dung này, ĐB Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, ngay khi bắt đầu chất vấn, các đại biểu đã đặt những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm và những giải pháp khắc phục đối với các doanh nghiệp và các dự án đã được kiểm toán nhưng vẫn có những sai phạm. Và trả lời của Tổng Kiểm toán cũng rất rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.

ĐB Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang)

“Tổng Kiểm toán đã trả lời việc thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp nhưng sau đó vẫn còn có sai phạm và nêu cụ thể đặc trưng chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. Theo quy định của Luật thì Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán, đánh giá xác nhận kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với việc quản lý sử dụng tài chính công và tài sản công”, đại biểu đoàn Hậu Giang nói.

Cũng theo ĐB Lê Minh Nam, Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung 2019 và Luật Phòng, chống tham nhũng thì có giao nhiệm vụ cho Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác kiểm toán phòng, chống tham nhũng. Theo đó, năm 2023 Kiểm toán Nhà nước đã có hướng dẫn để thực hiện quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Tác giả: Lê Hoàng

Nguồn tin: VOV.VN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP