Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật chỉ quy định công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương hàng hóa.
Theo đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần thức đẩy sản xuất trong nước, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu. Đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật chỉ quy định công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương hàng hóa, không điều chỉnh đối với ngoại thương dịch vụ.
Liên quan đến việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho rằng, giao Chính phủ thống nhất quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm tính linh hoạt chủ động trong quản lý điều hành, phù hợp với từng thời kỳ, đồng thời bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân đã được hiến định.
Cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua còn nhiều chồng chéo, việc Luật Quản lý ngoại thương ra đời sẽ hạn chế được những tồn tại trong thời gian vừa qua trong lĩnh vực ngoại thương, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu được quy định tại Điều 10 của dự thảo luật. Do đó, các đại biểu đề nghị cần phải quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu tại dự thảo luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cao và minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đóng góp ý kiến vào dự thảo luật tại phiên thảo luận.
Trước đó, tờ trình dự án Luật Quản lý ngoại thương do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày trước Quốc hội nêu rõ việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết. Đồng thời, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Dự án Luật bao gồm 8 Chương, 115 Điều quy định các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.
Riêng đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, theo quy định tại Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho biết 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin… đều được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Do tính chất đặc thù của dịch vụ, Bộ trưởng khẳng định việc kết hợp với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong một luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý, được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương. Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chiều nay (27/10), các ĐBQH tiếp tục làm việc tại Tổ về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Tác giả bài viết: Diệp Anh - Tuấn Anh
Nguồn tin: