Trong nước

ĐB Trần Hoàng Ngân: Đà Nẵng nên chọn thứ tự ưu tiên để có bước đi vững chắc

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho Đà Nẵng để địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo. Đà Nẵng nên có sự lựa chọn trong quá trình triển khai, nếu triển khai đồng bộ sợ không đủ lực.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình ban hành nghị quyết trên để TP Đà Nẵng phát triển hơn trong tương lai.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) cho rằng, Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, giáp Biển Đông với đường bờ biển dài, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, là cửa ngõ giao thông.

“TP Đà Nẵng là đô thị hạt nhân, là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 119, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao”, ông Ngân đánh giá.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, kinh tế Đà Nẵng tăng tốc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 9 năm qua. Trong giai đoạn 2011-2019 tốc độ tăng trưởng từ 7,9-8%/năm. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xuất hiện thì tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng giảm dần, nhưng TP Đà Nẵng có nhiều điểm sáng về du lịch, trở thành điểm đến du lịch của cả nước và thế giới, khách du lịch tăng gấp nhiều làn sau đại dịch, với những nơi đáng đến như Sun World, Bà Nà Hill...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) phát biểu.

“Tôi được biết, năm 2023 thu hút nhiều khách quốc tế với hàng nghìn đoàn đến Đà Nẵng, hàng triệu khách nội địa đến đây”, ông Ngân cho biết.

Ông Ngân cho rằng, Đà Nẵng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu chúng ta có cơ chế “cởi trói” cho Đà Nẵng.

“Trước mắt tập trung xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xây dựng thí điểm Khu Thương mại tự do, Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Trung tâm công nghệ cao của cả nước…”, ông Ngân kiến nghị.

Với tinh thần đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, ông đồng tình sớm thông qua nghị quyết sửa đổi bổ sung nghị quyết 119.

Ông Ngân phân tích, qua tham khảo dự thảo nghị quyết 119 ông thấy có 30 chính sách, gồm 9 chính sách về chính quyền đô thị và 21 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có 5 chính sách mới.

“Theo quan điểm của tôi, phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo.

Nhưng trong 30 cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng nên có sự lựa chọn trong quá trình triển khai, nếu triển khai đồng bộ sợ không đủ lực. Chúng ta mong muốn thu hút nhiều nguồn vốn nhưng không phải lúc nào cũng có. Ta mong muốn triển khai thu hồi đất và cơ chế ưu đãi nhưng các quy định cũng phải có thời gian. Cho nên Đà Nẵng nên chọn thứ tự để có bước đi vững chắc”, ông Ngân cho biết.

Đại biểu tham dự kỳ họp


Đại biểu Trần Hoàng Ngân rất ủng hộ thành lập cơ chế thành lập Khu thương mại tự do ỏ Đà Nẵng. “Đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt ở những nước có ưu thế về cảng biển, như Singapore có 9 Khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 Khu thương mại tự do... Hơn 30 năm qua, Khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của các nước đó”.

Từ kinh nghiệm của các nước, ông Ngân cho rằng, Việt Nam có bờ biển dài, đẹp với 3.260km và chúng ta đã quy hoạch có hơn 34 cảng biển quốc tế, đây là điểm rất thuận lợi nên TP Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm này tôi rất hoan nghênh.

“Tôi chỉ đề nghị thêm một số cơ chế để cho Đà Nẵng triển khai thành công cái này, vì khi Đà Nẵng triển khai thành công chúng ta sẽ nhân rộng, và tôi mong sẽ nhân rộng ngay chứ không phải chờ đợi vì các thành phố, địa phương có đặc điểm tương tự Đà Nẵng rất nhiều, có rất nhiều cảng kết nối được với Khu Thương mại tự do như cảng Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cần Thơ, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi…”, ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, để Khu thương mại tự do có thể phát triển, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Dù hàng rào chúng ta xây dựng là hàng rào cứng nhưng con người qua lại cũng rất nhiều, đòi hỏi sự giao thoa.

“Dĩ nhiên hàng hóa đi qua Khu Thương mại tự do phải chịu thuế xuất nhập khẩu nhưng phải đảm bảo sự kết nối. Thứ hai là phải phân cấp trọn gói để Đà Nẵng có thể thực hiện được, chứ ví dụ về tài nguyên hay đất, những thứ đó mà phải đi xin thì rất khó”, ông Ngân nhìn nhận.

Tác giả: Phi Long-Hoàng Lê

Nguồn tin: VOV.VN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP