Giáo dục

Dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, cần phải cấm!

Đây rõ ràng là một hoạt động kinh tế công khai nhưng ngầm về tiền bạc. Nhà nước không thu được thuế từ dạy thêm nhưng phải chịu chỉ trích.

Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy
Thầy môn chính dạy thêm vì lương thấp, vậy cô môn phụ sống ra sao?

LTS: Quý vị độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Thành Trung, một kỹ sư đến từ Ninh Bình.

Dưới góc nhìn kinh tế sâu sắc, tác giả Nguyễn Thành Trung có nhiều nhận xét học thêm, dạy thêm rất thú vị. Theo đó, dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, nhà nước thất thu, cần phải cấm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Dạy thêm, bản chất là sự trao đổi, thầy cung cấp kiến thức cho trò, trò trả tiền cho thầy. Nếu tốt đẹp hai bên sẽ có thêm tình cảm thầy trò, còn bình thường đó là một vụ mua bán.

Là mua bán nhưng thầy chỉ cung cấp một mặt hàng, cho cả dạy ở lớp lẫn dạy thêm.

Còn trò phải trả tiền hai lần, có khi ba bốn lần cho mặt hàng đó.

Đây chính là mâu thuẫn dẫn đến nhiều người phản đối dạy thêm.

Dù đã có quy chế phạt, vẫn khó triệt được tận gốc vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định (Ảnh: laodong.com.vn).


Nếu thầy dạy miễn phí hoặc bổ túc cho người khó khăn, thì đó là gương người tử tế, còn thầy dạy thêm thu tiền thì đó là mua bán.

Nếu trò đi học: bơi, võ, yoga, … hay các kỹ năng sống khác thay vì đi học thêm thì mọi người đã không lo lắng cho con em mình như bây giờ.

Trong khi đó trò phải đi học lại kiến thức mình đã học trên lớp, chỉ để qua những kỳ thi mà người dạy thêm cho mình tổ chức, thật tốn kém và mệt mỏi.

Thầy dạy thêm tại nhà thì sẽ được hưởng toàn bộ số tiền thu được, còn thầy dạy thêm do nhà trường tổ chức thì chỉ được một phần trong đó.

Do vậy, nhà trường phải tận thu bằng cách ép toàn bộ học sinh đi học thêm tại trường, một cách tự nguyện.

Vì vậy đơn xin học thêm ra đời và phụ huynh chỉ việc ký vào đó.

Nhà trường kinh doanh dạy thêm nhưng không phải bỏ vốn, cơ sở vật chất thì của Nhà nước, kiến thức của giáo viên, chi phí học trò chịu. Họ chỉ ra thông báo đi học, phát đơn tự nguyện phụ huynh ký và thu tiền hoa hồng. Thật khó có kênh đầu tư nào tốt hơn.

Nhà trường thu tiền nhưng không phải nộp thuế. Giáo viên lĩnh lương nhưng không phải kê khai.

Tiền phụ huynh nộp đến giáo viên, đến nhà trường và đến những người cho phép được dạy thêm không có hóa đơn nào lưu lại.

Đây rõ ràng là một hoạt động kinh tế công khai nhưng ngầm về tiền bạc.

Nhà nước không thu được thuế từ dạy thêm nhưng phải chịu chỉ trích vì để dạy thêm tràn lan.

Bộ giáo dục và chính quyền địa phương chịu tốn kém khi thành lập đoàn thanh, kiểm tra việc dạy thêm.

Dạy thêm đơn giản chỉ là kiếm thêm thu nhập.

Nó không giúp cho giáo viên chuyên sâu về nghề của mình, đó là ôn luyện, dạy đi dạy lại một số kiểu bài.

Học sinh, phụ huynh thì thấy mệt mỏi.

Có rất nhiều học sinh nghèo đỗ Thủ khoa Đại học, hay học sinh tự học kiếm học bổng danh giá, nhưng chưa có bài báo nào đưa tin về gương học sinh thành công nhờ học thêm.

Nhà nước cần phải cấm dạy thêm, bởi nếu cho công khai dạy thêm, để thu thuế thì phụ huynh sẽ phải “tự nguyện” đóng thêm chi phí cho nhà trường nộp thuế.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP