Nộp 40 triệu tiền lương chồng toát mồ hôi khi nhìn bảng chi tiêu. Ảnh minh họa |
Vợ chồng Huệ từ quê xa lên thành phố học đại học rồi ở lại làm việc và sinh sống tại đây. Nhờ có hai bên gia đình đều khá giả trợ giúp nên sau khi kết hôn, hai vợ chồng cô cũng mua được một căn hộ xinh xinh để làm nơi an cư.
Từ khi lấy vợ, công việc của Tuấn - chồng Huệ lên như “diều dặp gió”, hàng tháng 40 triệu tiền lương của anh đều đổ thẳng vào tài khoản của vợ, còn anh chỉ giữ lại chút tiền dự án ngoài để chi tiêu cho riêng mình. Tuấn nghĩ với mức thu nhập này, gia đình sẽ có một cuộc sống khá đủ đầy ngay cả sau khi sinh con.
Còn Huệ làm công việc hành chính, lương tháng gần 7 triệu đồng. Sau khi sinh, Tuấn muốn cô nghỉ ở nhà một thời gian để chăm con, khi nào con đi học thì mới đi làm nhưng Huệ không chịu vì “ở nhà nhiều bức bối, dễ bị stress”. Và cuối cùng, khi con được 6 tháng, Huệ thuê giúp việc để đi làm trở lại.
Với cách chi tiêu thoải mái, từ khi có con gái, Huệ lại càng mua sắm thả ga. Từ quần áo, bỉm sữa, đồ ăn… cô mua cho con không tiếc tay. Ngay tháng đầu tiên Huệ đi làm, con uống sữa ngoài nhiều hơn, lại bắt đầu ăn dặm và thêm chi phí thuê giúp việc nên chưa đến cuối tháng cô đã kêu thiếu tiền.
Tuấn nghe cũng “hoảng” nhưng nghĩ tháng đầu tiên có nhiều sự xáo trộn nên việc chi tiêu chưa đi vào quỹ đạo. Anh lại bớt 3 triệu tiếp đối tác của mình để đưa cho vợ. Lúc cầm tiền Huệ nhăn nhó “chừng này làm sao đủ đến khi có lương”, thì anh chỉ nhẹ nhàng khuyên vợ “khéo chi tiêu một chút là ổn”.
Ảnh minh họa |
Nhưng đến tháng tiếp theo, mới ngoài ngày 20, Huệ đã nhăn nhó vì hết tiền khiến Tuấn choáng thật sự. Anh nghĩ rằng, với gần 50 triệu đồng thu nhập của hai vợ chồng lại không phải đi thuê nhà, thì lẽ ra gia đình có cuộc sống đủ đầy, dư dả chứ không phải “chạy ăn” những ngày cuối tháng như này.
Rất may, đợt đó Tuấn lại có dự án làm thêm nên anh nhận lời ngay lập tức để có tiền chi tiêu. Đến lúc này, Tuấn căng thẳng thật sự. Trong lúc nóng giận, anh mắng vợ xa xả: “Tôi không hiểu cô ăn tiêu kiểu gì mà mấy chục triệu một tháng lúc nào cũng thiếu. Ăn uống cũng chẳng phải sơn hào hải vị, nhà cửa cũng không mua sắm gì đắt đỏ. Tôi mệt mỏi lắm rồi”.
Tuấn vừa nói dứt câu Huệ lấy ra một tệp tờ giấy A4 kín chữ rồi hét lên: “Tôi tiêu kiểu gì ư? Anh nhìn đi sẽ rõ. Quần áo anh mặc, thực phẩm anh ăn không phải hàng chợ đâu, mà là chuẩn sạch xịn đấy”.
Nhìn vào tờ giấy với tất cả các khoản từ bó rau thơm, gói tăm đến quần áo bim sữa trong vòng một tháng khiến Tuấn “hoa mắt”. Có lần Huệ mua đến gần 2 triệu tiền rau củ, hoa quả, cả nhà ăn không hết, hỏng lại bỏ đi. Mỗi tháng, Huệ mua cho con hơn 20 bộ quần áo, bộ nào cũng hơn 500 nghìn, mà trẻ con mặc được vài tháng đã chật, cọc lại phải mua mới…
Sau một lúc “chóng mặt” với bảng chi tiêu, Tuấn kìm nén cơn bực dọc, chỉ ra những điểm chưa hợp lý cho Huệ, hy vọng vợ sẽ tiếp thu và điều chỉnh trong những tháng tiếp theo.
Tác giả: H.L
Nguồn tin: doisongplus.vn