Không bất ngờ sao được khi trước lúc "hạ cánh", ông này đã kịp thời bổ nhiệm đến 19 công chức, viên chức sai quy định. Trong số này có những người giữ các cương vị lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc sở, thậm chí cả những vị trí quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước như chánh văn phòng, phó chánh văn phòng sở… Điều đáng nói là nhiều trường hợp bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn diễn ra ngay thời điểm người đứng đầu ngành nông nghiệp Thanh Hóa sắp hết quyền lực.
Vì sao lại không chỉ bổ nhiệm sai mà bổ nhiệm sai nhiều tới vậy? Việc bổ nhiệm những cán bộ thiếu tiêu chuẩn có ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng công việc cũng như chất lượng phục vụ người dân? Việc bổ nhiệm thiếu chuẩn hàng loạt trường hợp như vậy thì liệu có động cơ nào hay không?
Thắc mắc của dư luận hoàn toàn có cơ sở khi cách đó không lâu, ông Ngô Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh này - cũng mất chức vì trong thời gian làm giám đốc sở đã nâng đỡ không trong sáng bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Thế nên, việc tỉnh Thanh Hóa chỉ yêu cầu những người liên quan kiểm điểm rút kinh nghiệm bởi đã chủ động rà soát và cử số cán bộ bổ nhiệm thiếu chuẩn đi học cho đủ chuẩn là thiếu thuyết phục, chưa cho thấy sự cầu thị và nghiêm minh.
Nhìn rộng hơn trên toàn quốc, những vụ bổ nhiệm ồ ạt trước khi lãnh đạo về hưu gây bức xúc không phải hiếm. Thậm chí, nó còn xảy ra tại một cơ quan nhà nước cấp bộ.
Việc bổ nhiệm tới 19 trường hợp thiếu tiêu chuẩn ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa rất cần được xác minh, làm rõ sai phạm cũng như trách nhiệm cá nhân để không chỉ đưa ra hình thức xử lý nghiêm minh, "tâm phục khẩu phục" mà quan trọng không kém là mang tính răn đe. Bởi khi nương nhẹ các sai phạm đồng nghĩa với "khích lệ" , tạo điều kiện cho các tiền lệ về sau. Ngược lại, nếu xử lý nghiêm khắc sẽ cảnh tỉnh hiệu quả với tất cả những ai có động cơ không trong sáng, thậm chí vụ lợi trong công tác cán bộ - một công tác được xác định là rất quan trọng, khâu then chốt và là nhân tố quyết định thành công của việc thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều cán bộ giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trước khi về hưu hay thuyên chuyển công tác có những quyết định sai trái đã khiến dư luận bức xúc và đều gọi là "hoàng hôn nhiệm kỳ" hay "những chuyến tàu vét"... Nhằm phòng ngừa và răn đe điều này, Ủy ban Kiểm tra trung ương đầu tháng 4 vừa qua đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; trong đó có yêu cầu xem xét, xử lý nghiêm theo đúng sai phạm dù đảng viên đã chuyển công tác hay đã nghỉ hưu.
Xử lý kiểu "chổi lông đánh voi" vừa không đúng quy định vừa làm mất niềm tin trong dư luận và người dân.
Tác giả: PHẠM DƯƠNG
Nguồn tin: Báo Người lao động