Tin địa phương

Dấu tích Chăm bị lãng quên

Dấu tích văn hóa Chăm còn sót lại tại danh thắng Ngũ Hành Sơn minh chứng cho một vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, các hiện vật Chăm tại đây đang bị quên lãng...

Anh Đặng Hoàng Dương, hướng dẫn viên thuộc Tổ hướng dẫn, Ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn giới thiệu về bệ đá Chăm được đặt trước chùa Linh Ứng.

Dưới sự thuyết minh của anh Đặng Hoàng Dương, hướng dẫn viên thuộc Tổ hướng dẫn, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, chúng tôi khá ngạc nhiên về những bệ đá được chạm trổ công phu tại chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, động Huyền Không...

Tại chùa Linh Ứng có một bệ đá được trang trí độc đáo, trong đó mặt chính trang trí hình thần Indra (thần biểu tượng sấm sét) đang ngồi trên mình một con voi, chân trái xếp bằng, chân phải co lên trước ngực, tay trái đặt lên đầu gối chân trái, khuỷu tay phải đặt lên đầu gối chân phải, xung quanh thần có những đám mây bao phủ như hình ngọn lửa, hai bên thần có hai vũ nữ Apsara cũng trong tư thế múa.

Bên dưới mỗi vũ nữ là một con sư tử đang ở tư thế ngồi. Sư tử được người Chăm gọi là Rimon - hình tượng phổ biến trong điêu khắc Chăm-pa, biểu tượng cho sức mạnh, vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu (thần Bảo tồn).

Sau lưng chùa Linh Ứng, trong động Tàng Chơn có một hang nhỏ mang tên đậm dấu ấn người Chăm - Chiêm Thành và nơi đây còn lại một đài thờ. Trên phần thân đài thờ mỗi bên đặt hai bệ đá hình chữ nhật có hình tượng các vị thần Hộ Pháp, chạm theo dạng thức phù điêu. Cũng tại đây có thờ linga-yoni bằng đá một cách trang trọng. Nhưng theo người hướng dẫn, linga-yoni này mới chỉ được đặt thờ ở đây mấy chục năm qua, trong khi đài thờ có niên đại thế kỷ X.

Ở động Huyền Không tồn tại một bệ đá nằm phía trước một ngôi miếu, có hình chữ L, khuyết góc bên phải. Bệ đá được trang trí chim thần- biểu trưng của thần Vishnu và hình một vị thần đầu sư tử mình người, thể hiện vương quyền. Ngoài ra, tại động Huyền Không còn có thờ nữ thần Po Nagar. Tượng của nữ thần được trang trí trong ngôi đền nhỏ, màu sắc rực rỡ. Hai tai của bà to và trĩu nặng xuống, thế ngồi theo phong cách Ấn Độ mà dân chúng thường gọi bà là “Bà chúa Ngọc”.

Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản ý di sản thành phố, các hiện vật khai quật khảo cổ học tại ngọn Nam Thổ Sơn (di chỉ đình làng Khuê Bắc) các năm 2000, 2015, 2017 phần nào chứng tỏ vùng đất dưới chân núi Ngũ Hành Sơn từng là khu vực sinh sống của cư dân Chăm từ thế kỷ VII đến IX.

Trong khi đó, một số tượng thần Chăm-pa tại các hang động thuộc ngọn Thủy Sơn với các họa tiết, hoa văn được trình bày trên mỗi tác phẩm điêu khắc về các vị thần, chứng tỏ văn hóa Chăm-pa đã có những bước phát triển rực rỡ, đời sống tâm linh tín ngưỡng vô cùng thiêng liêng và đa dạng.

Lý giải thêm về sự có mặt của các bệ đá trên ngọn Thủy Sơn, theo quan điểm cá nhân của ông Hồ Tấn Tuấn, có thể người Việt sau khi đến đây định cư, nhìn thấy những tượng đá, đền tháp bị đổ vỡ, họ mang lên trên núi thờ hoặc trang trí vì người Chăm chỉ thờ trong các đền tháp. Các bệ đá được chạm khắc theo phong cách nghệ thuật Đồng Dương vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ X đến cuối thế kỷ X.

Dù có giá trị độc đáo như vậy, song các dấu tích văn hóa Chăm tại ngọn Thủy Sơn hầu như bị lãng quên. Tại chùa Linh Ứng, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách vào tham quan, dâng hương nhưng hầu như không ai để ý đến bệ đá Chăm có kiến trúc độc đáo. Trong khi đó, đài thờ tại động Tàng Chơn âm u, tăm tối, hiếm có khách vào tham quan.

Thậm chí, bệ đá tại động Huyền Không đã bị khách tham quan khắc tên và thản nhiên ngồi trên bệ đá... Ngoài ra, không có một dòng chú thích, hướng dẫn hay giới thiệu nào về các hiện vật Chăm nơi đây. “Rất ít du khách để mắt đến các hiện vật Chăm tại ngọn Thủy Sơn này. Chúng tôi cũng chỉ thuyết minh khi một vài du khách biết về văn hóa Chăm và hỏi thêm”, anh Đặng Hoàng Dương cho biết.

Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn mỗi ngày đón hàng ngàn du khách đến thăm qua. Chỉ 6 tháng đầu năm, danh thắng đón 776.516 lượt khách đến tham quan (trong đó khách nước ngoài là 418.137 lượt), tăng 20% so với cùng kỳ. Vì thế, khai thác các giá trị văn hóa Chăm tại đây để tạo thêm phần hấp dẫn cho vùng đất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử này là điều thật sự thiết.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP