Kinh tế

Đau lòng hình ảnh cửu vạn nhí cơ cực nơi chợ đêm giữa Sài Gòn hoa lệ

Trong bóng đêm phủ lấp ấy, lóc nhóc những đứa trẻ vẫn đang cặm cụi, miệt mài nhặt từng con cá để kiếm những đồng tiền lẻ, sống qua ngày.

Nghề nhặt cá

Chúng tôi có mặt tại chợ Nông sản thực phẩm Bình Điền (Q.8. TP.HCM) vào lúc 23g khuya. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người người ra vào tấp nập, tiếng hô hào từ các chủ vựa, tiếng va đập từ xe đẩy hàng, chằng chịt những chiếc xe tải từ các tỉnh lân cận nườm nượp đổ về.

Bên trong chợ là hàng trăm, hàng ngàn thùng chậu, bể chứa khổng lồ, cá tôm tràn ngập. Muôn vàn thứ âm thanh hỗn độn của chợ tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, sục sôi như xé tan màn đêm tĩnh lặng.

Trong biển người, biển hàng mênh mông ấy, dễ dàng nhận ra hình ảnh những đứa trẻ chen chúc giữa dòng người lay lắt trong đêm mưu sinh. Thân hình gầy nhom, nhem nhuốc, chân mang đôi giày ủng, tay cầm vợt và bịch nilon lội qua dòng nước tanh hôi để nhặt từng con cá còn tươi sống vùng nhảy ra khỏi thùng hàng tại chợ, mặc cho chủ vựa buông lời mắng nhiếc.

Cầm bịch cá trên tay, em Võ Duy Phước (12 tuổi, ngụ Q.8) tâm sự: “Em đi nhặt cá cũng gần 3 năm nay bắt đầu từ 24h đêm đến rạng sáng. Về nhà ngả mình tý rồi cắp sách đi học. Bình quân mỗi đêm em kiếm được khoảng 100.000đ. Vì nhà nghèo nên đêm xuống em thường theo mẹ ra chợ, mẹ làm bốc xếp hàng, còn em rảo quanh chợ nhặt từng còn cá rơi rớt trên mặt thềm để kiếm thêm, phụ giúp mẹ”.


Em Võ Duy Phước (12 tuổi, ngụ Quận 8) lang thang khắp chợ nhặt cá mỗi đêm.

Cũng theo Phước, số cá nhặt được, mẹ đem ra chợ gần đó bán kiếm thêm tiền mua sách, vở. Thương mẹ, dù mỗi đêm có buồn ngủ Phước cũng phải bật dậy theo mẹ xuống chợ cho bằng được.

Theo Phước đi khắp chợ, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng nhóm nhặt cá bạn của Phước. Đó là hai anh em Nguyễn Thanh Hiền (12 tuổi) và Nguyễn Thanh Hiếu (10 tuổi) trông nhanh nhẹn, thủng thẳng cầm trên tay bịch cá khoảng chừng 3kg nào là cá kèo, tôm, lươn… Gương mặt rạng rỡ khoe chiến lợi phẩm của mình sau vài tiếng nhặt được, Thanh Hiền nói: “Nãy giờ nhặt được gì rồi, nhiều cá không? Tối nay anh, em tao nhặt được cũng kha khá, mai có tiền ăn cơm rồi chứ không nhịn đói như hôm qua nữa”.

Vừa nói dứt câu, thoạt nhìn thấy con cá nhảy vọt trong thùng ra, Thanh Hiền nhanh chân chạy tới dùng vợt hất cá vào lưới. Cùng chung hoàn cảnh với Phước, hai anh em cũng xuất thân từ gia đình nghèo khổ. Dưới quê không có việc làm nên ba, mẹ dắt hai anh em lên Sài Gòn kiếm sống, tối đến ra chợ nhặt cá để sinh nhai. Những ngày đầu, hai anh em chưa quen, thao tác còn hơi chậm thường bị mấy anh chị nhanh tay hơn nhặt hết, có khi hăm dọa đánh không cho bắt.


Thanh Hiền miệt mài nhặt cá mỗi ngày trong tuần.

Vẻ mặt thoáng buồn, Thanh Hiền rơm rớm nước mắt: “Có lần đi mót cả đêm nhưng về tay không, rồi cũng có lúc chủ hàng bắt được đánh túi bụi. Có khi bị nhấn đầu vào thùng cá, uống nước nhừ tử. Vì mưu sinh nên em phải cắn răng chịu đựng”.

Nghề nhặt cá đêm cũng như ngày vẫn tất bật không điểm dừng. Tuy công việc khá vất vả nhưng trong những đứa trẻ này vẫn không thôi ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thanh Hiếu cho biết dù mệt rũ người vì mất ngủ nhưng điều đó không làm Hiếu bỏ cuộc, Hiếu cố gắng nhặt từng con cá mỗi đêm kiếm tiền để được đến trường đi học cùng bè bạn trang lứa. Hiếu biết rằng chỉ có học mới thoát cảnh nghèo khổ.

Cơ Cực

Đã hơn 2h sáng, vài cửu vạn nhí tranh thủ lúc rảnh tay liền ngồi bệt xuống sàn giữa dòng nước tanh hôi mùi cá, vội vàng ăn hộp cơm đạm bạc. Vừa nhai trệu trạo miếng cơm khô khốc, vừa đưa tay quệt giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, em Nguyễn Văn Quý (16 tuổi, ngụ Quận 8) nói: “Nhà em ở tỉnh Tiền Giang quanh năm làm đồng nhưng mất mùa hoài, không đủ ăn. Vì cái nghèo nên em phải đứt đoạn việc học theo mẹ lên Sài gòn để kiếm cơm.

Mới đầu không quen biết ai được bác xe ôm chỉ đến chợ Bình Điền để làm, mỗi ngày làm từ 22h đến 7h sáng hôm sau mới nghỉ tay. Số tiền kiếm được cũng vừa đủ chi trả trong tháng. Hai mẹ con ráng cày để có đồng dư gửi về quê cho đứa em có thể tiếp tục đi học”.

Đôi mắt đỏ hoe vì buồn ngủ, Quý nói tiếp, công việc bốc xếp, đẩy hàng vất vả lắm, mỗi đêm đẩy không biết bao nhiêu lô hàng. Có mỏi, có buồn ngủ cũng phải ráng oằn người đẩy cho tới sáng.


Oằn mình bốc xếp hàng

Đang trò chuyện cùng Quý, chúng tôi trông thấy đằng xa ánh đèn màu, lấp ló những đứa trẻ dáng người mảnh khảnh, nhỏ thó đẩy chiếc xe trong vựa ra xe rồi khom lưng nhấc từng sọt cá lên xe tải.

Chúng tôi phải dừng cuộc trò chuyện để nhanh chóng theo chân. Em Trần Tùng (15 tuổi, cũng ngụ Quận 8) tâm sự: “Làm quần quật cả đêm nhưng kiếm được 100.000-150.000đ là cùng. Đêm nào cũng vậy, đúng 22h là phải có mặt tại chợ còng lưng đẩy hàng, có lúc mệt mỏi nhưng em đâu dám than vì sợ mẹ lo, ráng chịu đựng bốc hàng phụ mẹ”.

Chưa kịp hỏi xong, có người gọi đẩy hàng tiếp, Tùng nhanh chân chạy đến chủ vựa thoăn thoắt nhấc từng thùng cá vài chục ký lên xe rồi hì hục đẩy hàng chạy băng băng qua dòng nước tanh hôi và lách qua dòng người tấp nập. Tùng ghì mình đẩy hàng xuống dốc tưởng chừng ngã người theo, làm chúng tôi một phen thoát tim. Cứ thế, chuyến hàng này đẩy xong lại quay vào đẩy chuyến khác, Tùng làm việc không ngơi tay.

Tai nạn nghề nghiệp

Những người đàn ông thân dài vai rộng làm nghề bốc xếp, đẩy hàng đã khổ những đứa trẻ làm cửu vạn còn khổ gấp bội do sức khỏe yếu, người èo uột trong khi công việc lại nặng nhọc, nên những tai nạn trong nghề nghiệp là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Vừa đẩy xe hàng, Tùng vừa kể: “Cách đây một tháng trong khi bốc xếp hàng, vì chủ vựa hối nên em đẩy thật nhanh và lách qua dòng người đông đúc. Nhưng không may bị trượt chân té ngã xuống đất, tay bị gãy phải đi băng bó và nghỉ làm ròng rã mấy tháng trời”. Mới đây, vì chạy đẩy hàng liên tục nên Tùng choáng váng, té xỉu hồi nào không hay, được mấy cô, chú dìu vô nghỉ ngơi. Tỉnh dậy lật đật làm tiếp. Không làm tiền đâu mà nuôi thân.


Tranh thủ lúc nghỉ tay, em Trần Tùng ngồi ăn miếng cơm khô khốc, nhai ngấu nghiến nhanh chóng để còn đi kéo đồ cho các chủ vựa.

Không riêng gì Tùng, Quý cũng tương tự, những ngày đầu làm cửu vạn về nhà khắp mình ê ẩm, nhức không nhấc người đi nổi. Mẹ phải dẫn đi khám rồi mua thuốc về uống. Số tiền dành dụm từ đẩy hàng mỗi đêm đều đổ vô tiền thuôc men, Quý xót lắm.

7g sáng, công việc của những cửu vạn nhí cũng kết thúc. Khuôn mặt các em lộ rõ nét phờ phạc, những vết thâm quầng sâu nơi khóe mắt, hốc hác vì thiếu ngủ. Các cửu vạn nhí nhanh chóng ra lấy xe về nhà tìm giấc ngủ, chuẩn bị cho một đêm làm việc mới.

Tác giả bài viết: Cao Khẩm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP