Tin địa phương

Dấu ấn tiên phong trong nhiều hoạt động của Tư pháp Đà Nẵng

Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2018), Báo PLVN có cuộc trao đổi bà Võ Thị Như Hoa (ảnh), Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng về những hoạt động của Ngành tại địa phương…

21 năm, một chặng đường không dài so với bề dày lịch sử 73 năm của ngành Tư pháp Việt Nam, nhưng có thể nói Tư pháp TP Đà Nẵng để lại rất nhiều dấu ấn. Bà có thể điểm lại những dấu ấn nổi bật đó?

- Ngay trong năm đầu chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng được thành lập (1/3/1997) để tham mưu cho UBND TP thực hiện tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành từ năm 1976 đến năm 1996. Từ đó, đưa Đà Nẵng là địa phương thứ 5 trong cả nước hoàn thành sớm nhất công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Tư pháp còn được giao trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giúp tiếp cận, áp dụng pháp luật; hạn chế, phòng ngừa rủi ro pháp lý để doanh nghiệp hoạt động an toàn, ổn định và phát triển. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chuyên môn theo quy định, Sở Tư pháp còn được UBND TP, giao thêm một số nhiệm vụ như rà soát tính pháp lý đối với các dự án lớn đã và đang triển khai trên địa bàn TP.

Đi đôi với công tác xây dựng pháp luật, Sở Tư pháp đã luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, trong lĩnh vực hành chính tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP ban hành Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao Giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), hộ khẩu tại gia đình trẻ em và Đề án triển khai thí điểm việc chính quyền thăm, viếng, chia buồn và thực hiện đăng ký khai tử tại gia đình công dân trên địa bàn. Đà Nẵng được biết đến là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, hộ khẩu tại gia đình trẻ em và thực hiện đăng ký khai tử tại gia đình công dân…

Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu hết được công việc của Tư pháp bởi tính chất quản lý đặc thù. Đơn cử như công tác thẩm định VBQPPL và trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc giúp TP thực hiện công tác xây dựng chính sách. Bà có thể diễn giải rõ hơn nội hàm vấn đề này?

- Thẩm định VBQPPL được hiểu là là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách tổng thể và toàn diện về sự cần thiết ban hành; sự phù hợp về đối tượng, phạm vi điều chỉnh… để kết luận dự thảo văn bản đã đủ điều kiện để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hay chưa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao Cờ thi đua cho Sở Tư pháp TP Đà Nẵng.

Để thực hiện công tác thẩm định văn bản, Sở Tư pháp phải nghiên cứu, so sánh, đối chiếu nội dung trong dự thảo văn bản với các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên… Sau đó, xem xét, phân tích tình hình thực tiễn của TP để đánh giá sự cần thiết của việc ban hành văn bản, tính khả thi khi đưa các quy định đó… vào thực tiễn cuộc sống. Hiểu đơn giản, công tác thẩm định của Sở Tư pháp có vai trò như “người gác cổng”, giúp UBND TP trong việc ban hành VBQPPL nhằm đảm bảo văn bản được ban hành hợp pháp, hợp lý, khả thi, có chất lượng và phát huy hiệu quả khi triển khai trên thực tế.

Về trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc giúp TP thực hiện công tác xây dựng chính sách, có thể hiểu, Sở Tư pháp tham gia vào tất cả các khâu trong quy trình xây dựng, ban hành chính sách của Hội đồng nhân dân và UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, vai trò lớn nhất của Sở Tư pháp là việc thực hiện công tác thẩm định.

Trong quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản (xây dựng chính sách), Sở Tư pháp thực hiện thẩm định đối với đề nghị xây dựng chính sách do các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất để có cơ sở trình Thường trực HĐND TP chấp thuận xây dựng nghị quyết để ban hành chính sách. Trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản, Sở Tư pháp thẩm định đối với dự thảo văn bản trước khi trình UBND TP xem xét trình HĐND TP quyết định…

Vừa qua, Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn TP Đà Nẵng” ra đời trên cơ sở kết quả quản lý lĩnh vực công chứng của Sở Tư pháp, được nhiều người chú ý. Quá trình ra đời của Đề án này như thế nào, thưa bà?

- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng luôn được Sở Tư pháp Đà Nẵng chú trọng. Xuyên suốt thời gian dài, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các Tổ chức hành nghề công chứng (TC HNCC) nghiêm túc quán triệt đến công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình, tuyệt đối không thực hiện hành vi cho người yêu cầu công chứng “ký gửi”, “ký chờ” đối với các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản; không tư vấn, hướng dẫn người yêu cầu công chứng ghi sai lệch, giảm bớt giá trị tài sản trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản so với giá trị giao dịch thực tế nhằm trốn thuế.

Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã đề cập đến việc sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất khi có phản ánh của tổ chức, công dân, cơ quan báo chí. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, Sở Tư pháp sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng để phối hợp chỉ đạo các tổ chức tín dụng về việc quy định các mẫu hợp đồng thế chấp cần thể hiện rõ giá trị khoản vay để các TC HNCC có căn cứ tính phí công chứng theo quy định, nhằm tránh thất thu trên địa bàn TP.

Trên cơ sở đó, ngày 7/6, UBND TP ra Quyết định về việc ban hành Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn Đà Nẵng” và giao Sở Tư pháp “Tăng cường giám sát hoạt động của các Phòng công chứng và nghiệp vụ công chứng trên lĩnh vực kinh doanh, mua bán bất động sản trên địa bàn để góp phần chống thất thu thuế liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản”.

Xin cảm ơn bà!

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP