Giáo dục

Đào tạo tiến sĩ tràn lan là có lỗi với lịch sử, đất nước

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nói rằng ĐH Việt Nam phải chịu trách nhiệm với lịch sử, với đất nước về việc đào tạo tiến sĩ tràn lan thời gian qua

PGS-TS Võ Văn Sen phát biểu tại buổi làm việc chiều 15-3

Tại buổi giới thiệu dự án "Quy trình cải tiến chất lượng quản trị đại học" diễn ra chiều 15-3 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã thẳng thắn nhận xét về thực trạng của đào tạo tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam. Cụ thể, khi nêu kế hoạch chiến lược 2016-2020 của trường, PGS-TS Võ Văn Sen cho biết về đào tạo sau ĐH, trong những năm tới, nhà trường hạn chế số lượng đồng thời nâng cao chất lượng. Theo ông, nước ta cần cải tiến lại công tác đào tạo tiến sĩ. Đây cũng là khâu yếu kém của giáo dục Việt Nam mà thời gian qua, cả nước cũng đã mổ xẻ, đánh giá. "Về đào tạo cử nhân, ở nhiều ngành, nước ta có thể sánh ngang với các nước Đông Nam Á nhưng về tiến sĩ thì không thể so sánh với ai được. Ngoại trừ một số cá nhân xuất sắc, còn lại có thể nói đa số tiến sĩ nước ta chất lượng kém hơn so với thế giới. Do đó, ĐH Việt Nam phải chịu trách nhiệm với lịch sử, với đất nước về đào tạo sau ĐH", PGS-TS Võ Văn Sen nhìn nhận. Ông cho biết đào tạo tiến sĩ yếu kém tràn lan là có lỗi với lịch sử, đất nước.

Qua đây, PGS cũng thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm của trường mình cũng như một số trường ĐH khoa học xã hội trong nước, đó là về nghiên cứu khoa học với số lượng công bố quốc tế không nhiều. Theo ông, giảng viên Việt Nam hiện nay chưa quen với các công bố quốc tế. "Đó là cái yếu chung và chúng ta là một trường hợp yếu điển hình: Là ĐH lớn nhưng chuẩn về công bố khoa học rất thấp. So với các trường ĐH trong nước, trường chúng ta mạnh nhưng so với thế giới, chúng ta chưa là gì cả", PGS thừa nhận. Do đó, ông đặt ra mục tiêu năm 2020 cần cải thiện nghiên cứu khoa học và đổi mới việc đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, PGS Võ Văn Sen cũng nhìn nhận hiện nay, văn hóa chất lượng chưa được xây dựng rõ nét, chưa trở thành niềm tin, tinh thần trong trường ĐH, đa số làm cho xong, cho có.

Vị hiệu trưởng cũng nêu khó khăn lớn nhất của trường hiện là kinh phí. Hiện học phí của trường so với ĐH thế giới vô cùng thấp, ở khoảng dưới 300 USD/Năm, chỉ cao hơn Ấn Độ 1,2 USD. Thời gian tới, trường sẽ phấn đấu chuyển sang tự chủ tài chính có kiểm soát với hy vọng nâng học phí lên 3-5 lần. "Thậm chí nếu tự chủ và tăng học phí lên 5 lần, học phí của trường cũng chỉ ở mức 1.500 USD, vẫn thấp", ông nói. Do đó, thời gian tới, trường chú tâm phát triển dịch vụ khoa học nhằm đẩy mức chi từ dịch vụ khoa học lên khoảng 50% (hiện nay chỉ 12-15%), giảm mức chi từ học phí. "Để giải quyết bài toán tiến lên thành trường hàng đầu châu Á, chúng ta cần làm sao để có tiền thật nhanh, thật nhiều nhưng với điều kiện hợp pháp", PGS trăn trở .

"Quy trình cải tiến chất lượng quản trị đại học" là dự án hợp tác giữa Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhằm hỗ trợ trường triển khai hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ phỏng theo các bộ chuẩn ISO hiện hành có liên quan đến lĩnh vực giáo dục ĐH. Đây là cách tiếp cận về chất lượng giáo dục của Hội nghị Hiệu trưởng Pháp ngữ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (CONFRASIE) thông qua sự phối hợp chặt chẽ với AUF, nhằm giúp các trường thành viên trong khu vực phát triển các chính sách đồng bộ nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng hoạt động của mình.Dự án kéo dài hai năm với đợt hoạt động mở đầu diễn ra từ ngày 15 đến 17-3.

Tác giả: Lê Thoa

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP