Giáo dục

Danh xưng, chứng chỉ, bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta

Bằng cấp mà người qua đào tạo nhận được là thước đo năng lực thực sự của chủ bằng và vì vậy họ mới xứng đáng thực sự với danh xưng đã ghi trong bằng.

LTS: Chứng chỉ bằng cấp là một loại giấy chứng nhận trình độ học vấn hoặc năng lực hành nghề của người sở hữu nó.

Để đánh giá đúng thực chất về trình độ học vấn hoặc năng lực hành nghề đối với mọi loại bằng cấp thì cần có sự đồng thuận về nhận thức trong toàn hệ thống giáo dục về chuẩn đánh giá các loại bằng cấp này.

Tiếp nối bài viết trước về “Rối loạn danh xưng trong trường học”, hôm nay, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh mạnh dạn nêu quan điểm về vấn đề lượng hóa danh xưng đối với mọi loại chứng chỉ, bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta hiện nay.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Thứ nhất, về chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông

Người được sở hữu chứng chỉ này là người đã học xong các cấp phổ thông 1,2,3 và đã đạt chuẩn kiểm tra qua tất cả các kỳ thi cuối từng học kỳ của mỗi năm học trong từng cấp.

Chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông cấp 1 là điều kiện để người sở hữu giấy chứng nhận đương nhiên được chuyển lên học phổ thông cấp 2 mà không phải thi chuyển cấp, kể cả trường hợp chuyển trường, bởi nội dung đào tạo trong cả hệ thống giáo dục bậc phổ thông trong toàn quốc phải được chuẩn hóa.

Tương tự, khi kết thúc cấp 2, người sở hữu chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông cấp 2 đương nhiên được chuyển lên học phổ thông cấp 3.

Với giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông cấp 2, người sở hữu nó đã có thể ghi tên vào học nghề tại một trường nghề nào đó mà người đó muốn.

danh xung
Danh xưng, chứng chỉ bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta (Ảnh minh họa trên nld.com.vn)

Còn với giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông cấp 3, người sở hữu nó đã có đủ kiến thức phổ thông để hội nhập sinh hoạt của cộng đồng xã hội.

Với giấy chứng nhận này, người chủ sở hữu giấy chứng nhận ấy có thể ghi tên vào học các trường cao đẳng hoặc các trường đại học theo nguyện vọng.

Thứ hai, chứng chỉ công nhân kỹ thuật

Người sở hữu chứng chỉ này là người được đào tạo một cách bài bản theo nội dung chương trình đào tạo trong trường công nhân kỹ thuật nhằm đạt kỹ năng tay nghề tối thiểu phải đạt đến trình độ có thể tự hành nghề đối với nghề theo học.

Trình độ tay nghề này tương đương thợ bậc 3/7 theo thang bậc thợ được Nhà nước hiện nay quy định.

Việc nâng cấp bậc thợ được xử lý theo thông tư số 10/LĐ-TT ngày 30 tháng 9 năm 1986 của Bộ Lao động.

Thứ ba, bằng tốt nghiệp Trung cấp kỹ thuật

Người sở hữu bằng này là người được đào tạo bởi trường Trung học chuyên nghiệp.

Họ phải được đào tạo lý thuyết nghề ở mức độ hiểu biết cơ bản của nghề, có khả năng thực hiện bản vẽ kỹ thuật gia công của các chi tiết từ bản vẽ lắp tổng thể của máy hoặc cụm chi tiết từ bản vẽ thiết kế đã được duyệt; Kỹ năng tay nghề phải ở mức nhuần nhuyễn.

PGSTS Nguyen Le Ninh
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Người có bằng Trung cấp kỹ thuật phải có năng lực giám sát các thao tác đúng hay sai của công nhân trong suốt quá trình triển khai sản xuất.

Đối với người đạt trình độ trung cấp kỹ thuật, họ chỉ cần am hiểu “đúng” và “sai”; họ cần phân biệt được “Điều được phép làm” và “Điều không được phép làm” như khi đã được học ở trường để giám sát việc thực hiện qui trình sản xuất của công nhân.

Để có bằng, học viên phải hoàn thành chương trình đào tạo ở bậc học này và và qua được kỳ thi sát hạch ra trường đối với kiến thức và kỹ năng tay nghề.

Yêu cầu học vấn của ứng viên vào nhập học Trung cấp kỹ thuật là những người có chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông cấp 2.

Thứ tư, bằng tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật


Để theo học bậc cao đẳng, ứng viên bắt buộc phải có giấy chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông cấp 3 hoặc đã tốt nghiệp Trung cấp kỹ thuật.

Người có bằng Cao đẳng kỹ thuật ngoài việc họ nắm vững kiến thức nghề nghiệp một cách cơ bản, hiểu tận gốc vấn đề, làm chủ kỹ năng tay nghề mà còn trả lời được câu hỏi “tại sao lại như vậy” đối với những hiện tượng nảy sinh trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, ở hệ cao đẳng học viên còn cần được huấn luyện kỹ năng làm việc ở phòng thí nghiệm để đặt cơ sở cho việc bắt đầu tham gia các khảo nghiệm, thí nghiệm liên quan đến việc đánh giá chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, thực hiện các nghiên cứu khoa học mang tính cải tiến sản phẩm về các mặt chất lượng, mẫu mã và công nghệ để nâng cao giá trị sử dụng hoặc hạ giá thành sản phẩm.

Kỹ năng làm việc ở phòng thí nghiệm của người có bằng Cao đẳng kỹ thuật cũng là một lợi thế khi có điều kiện học liên thông lên bậc Đại học kỹ thuật.

Để được nhận bằng Cao đẳng kỹ thuật, học viên cao đẳng kỹ thuật phải viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp hay viết báo cáo tốt nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo của bậc cao đẳng.

Đồng thời phải hoàn thành thời gian thực tập điều hành sản xuất tại nhà máy, công xưởng hoặc tại phòng kỹ thuật của các đơn vị sản xuất trong vai trò giám định kỹ thuật hay chuyên viên kỹ thuật.

Thứ năm, bằng tốt nghiệp Đại học kỹ thuật


Đối với những người tốt nghiệp các trường đại học kỹ thuật thì có danh xưng là kỹ sư.

Người kỹ sư có hiểu biết tường tận đến bản chất của những kiến thức khoa học kỹ thuật liên quan nghề học.

Ngoài ra, họ phải thông hiểu kỹ năng tay nghề liên quan, có kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm chuyên môn liên quan, biết ứng dụng phương pháp nghiên cứu khoa học trong các đề tài nghiên cứu phát triển sản xuất và biết làm báo cáo khoa học, có kiến thức về phương pháp luận sáng tạo.

Đồng thời có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một sản phẩm và phải vạch ra được các bước tiến hành tạo nên sản phẩm một cách hợp lý, phù hợp điều kiện trang thiết bị của cơ sở sản xuất, nguồn lực lao động để tiến hành làm ra sản phẩm thuộc ngành nghề được đào tạo.

Để nhận được bằng kỹ sư, học viên phải hoàn thành chương trình đào tạo nghề ở bậc đại học và trước khi làm đồ án tốt nghiệp, họ phải qua một đợt thực tập hành nghề ở nhà máy, công xưởng hoặc công ty sản xuất trong vai trò kỹ sư điều hành sản xuất.

Và họ phải trình Hội đồng chấm tốt nghiệp một bản đồ án mà nội dung đồ án tốt nghiệp này phải phản ánh được kết quả ứng dụng các kiến thức đã được Nhà trường trang bị và tự trang bị ở bậc đại học.

Nhằm giải quyết một phương án kỹ thuật cho việc phát triển một sản phẩm hoặc nghiên cứu góp phần đặt cơ sở lý thuyết cho sự phát triển của một sự vật, một vấn đề nào đó được người hướng dẫn chỉ định hoặc bản thân học viên tự xác định và được người hướng dẫn chấp nhận.

Để được đào tạo ở bậc đại học, ứng viên là người đã có chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông cấp 3, hoặc có bằng trung cấp kỹ thuật hoặc cao đẳng kỹ thuật.

Thứ sáu, bằng cử nhân

Cử nhân được dùng để chỉ danh tính của một loại bằng cấp của những người tốt nghiệp đại học của một số ngành. Ví dụ, cử nhân kinh tế, cử nhân văn chương, cử nhân luật, cử nhân toán, lý, hóa, sinh…

Nhưng sẽ không ai gọi là bằng cử nhân ô tô, bằng cử nhân chế tạo máy, bằng cử nhân xây dựng… Nhiều người băn khoăn, rõ ràng cùng tốt nghiệp đại học nhưng người nhận bằng cử nhân, người lại nhận bằng kỹ sư. Vậy sự khác biệt là gì?

Tôi cho rằng, danh xưng Cử nhân là dành cho những người tốt nghiệp đại học mà sản phẩm của họ làm ra để cống hiến cho xã hội là những sản phẩm thuộc phạm trù tư duy, phù hợp quy luật phát triển khách quan về phạm trù xã hội và đạt ngưỡng thông tuệ.

Sản phẩm tư duy này là sản phẩm thuộc dạng vật chất vô hình, chỉ có thể viết ra trên giấy mà không thể sờ mó, cầm nắm, cân đo đong đếm được.

Người sử dụng dạng sản phẩm này cũng chỉ có thể nghe nhìn, cảm nhận, trau dồi nhận thức qua nội dung tư duy thể hiện qua bài viết, sách vở, âm thanh hay màu sắc.

Vì vậy, ngày nay từ “cử nhân” dùng đúng nhất là để chỉ những người được đào tạo ở bậc Đại học nhưng lĩnh vực kiến thức chỉ thuộc phạm trù Xã hội học là hợp lí nhất.

Thế mà một số trường đại học Kỹ thuật nọ ở TP.Hồ Chí Minh khi mở thêm hệ cao đẳng và người tốt nghiệp hệ cao đẳng của trường lại được gắn cho cái bằng mang tên là “cử nhân kỹ thuật” thì thật là một sự tùy tiện trong danh xưng.

Thứ bảy, bằng Thạc sĩ

Hiện nay, quan niệm liên quan đến vấn đề “lượng hóa danh xưng” trong giới cán bộ đào tạo bậc học này (cao học) còn chưa rạch ròi.

Có người cho rằng, ở bậc học này chỉ cần cập nhật những kiến thức mới và xu thế phát triển của ngành. Có người lại phát biểu trên mạng truyền thông là cần tham gia nghiên cứu khoa học để liên thông với bằng Tiến sĩ.

Nên nhớ rằng nghiên cứu khoa học khác nghiên cứu ứng dụng và tiêu chí giữa bằng Thạc sĩ và bằng Tiến sĩ không có khái niệm liên thông.

Ngay quy định của Bộ GD&ĐT hiện nay cũng cho rằng trình độ Thạc sĩ là trình độ “kề dưới” của trình độ Tiến sĩ. Chính vì vậy nên Bộ quy định, ai muốn làm nghiên cứu sinh buộc phải có bằng Thạc sĩ.

Như trong bài "Rối loạn danh xưng trong trường học", tôi cũng đã đề cập khái niệm liên quan, nay chỉ xin tóm gọn vấn đề lượng hóa danh xưng Thạc sĩ như sau :

Thạc sĩ là người đã tốt nghiệp bậc đại học và tiếp tục đi học ở một khóa học tập trung để mở rộng, cập nhật kiến thức mới phát triển trong ngành chuyên môn để có kiến thức rộng hơn, hiện đại hơn so với lúc tốt nghiệp đại học, nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, đóng góp tốt hơn cho cộng đồng xã hội.

Thứ tám, bằng tiến sĩ chuyên ngành

Bằng tiến sĩ chuyên ngành là loại văn bằng xác nhận học vị tiến sĩ thuộc ngành chuyên môn của Nghiên cứu sinh.

Người đạt danh xưng này không thể chỉ qua sự học đơn thuần mà đoạt được học vị. Họ bắt buộc phải tiến hành tìm tòi, tự phát triển kiến thức mới trong ngành thông qua việc nghiên cứu khoa học để phát hiện ra kiến thức mới thuộc phạm trù học thuật chuyên sâu của ngành mà chưa từng ai trên thế giới này biết.

Lý giải như vậy thì người tốt nghiệp đại học hoàn toàn có đủ khả năng để bắt tay ngay vào việc nghiên cứu chuyên sâu. Họ trở thành nghiên cứu sinh mà không cần phải có bằng Thạc sĩ, bởi lẽ bất cứ ai đã tốt nghiệp đại học đều có quyền và có khả năng làm nghiên cứu sinh cũng như làm học viên cao học.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, người có bằng cao học mà chuyển tiếp ngay làm nghiên cứu sinh thì sẽ có thuận lợi hơn trong khâu [quyết định] chọn hướng để xác định đề tài cụ thể.

Vì thế, theo suy nghĩ của người viết, không nên coi Thạc sĩ là “kề dưới” của Tiến sĩ.

Thứ chín, bằng Tiến sĩ liên ngành (*)


Sau khi đạt bằng học vị Tiến sĩ chuyên ngành, nếu người Tiến sĩ chuyên ngành tiếp tục nghiên cứu một đề tài nhằm mở rộng phạm vi nghiên cứu ra ngoài phạm vi chuyên ngành để tìm kiến thức mới mang tính liên ngành, nhằm tháo gỡ một cách thành công ách tắc trong phát triển sản xuất.

Hoặc phát triển xã hội có liên quan tới những kiến thức chưa được con người biết đến của một vài ngành kế cận nhau, có tác dụng chi phối qua lại đến việc hình thành một loại sản phẩm cụ thể hoặc chi phối đến sự hoạt động của một dạng liên ngành nào đó thì người Tiến sĩ chuyên ngành sẽ đạt được bằng học vị Tiến sĩ liên ngành.

Chỉ khi danh xưng được lượng hóa một cách thống nhất trên toàn cõi đất nước thì việc soạn thảo các chương trình nền của ngành Giáo dục - Đào tạo từ thấp đến cao mới có cơ sở khoa học để xác định một cách đúng đắn và đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn xã hội.

(*) Hiện nay danh xưng tương ứng dùng phổ biến là Tiến sĩ Khoa học.

Tác giả bài viết: PGS. Nguyễn Lê Ninh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP