Dẫn đường chúng tôi lên đỉnh Bạch Mã, ông Nguyễn Văn Vui, một người dân địa phương nắm bắt được khá nhiều câu chuyện thú vị gắn liền với danh thắng này. Ông Vui nói rằng, núi Bạch Mã đẹp nhất vào độ từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, vì khí hậu mát mẻ, trời luôn có nắng đẹp.
Đặc biệt, mùa này có hoa đỗ quyên nở rộ hai bên thác nước nên rất cuốn hút du khách đến tham quan. Trong hơn 2.100 loài thực vật với những loài giá trị như trầm hương, hoàng đàn giả…và nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, những căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp cũng là điểm đến của du khách khi tìm lên đỉnh Bạch Mã…
Ảnh: Nguyễn Phong. |
Theo một số tư liệu ghi chép, vì muốn tìm địa điểm thích hợp để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho sĩ quan Pháp và giới thượng lưu ở Huế, đầu năm 1933, kỹ sư công chánh phân khu Thừa Thiên là Raoul Desmarest đã đi bộ băng rừng lên đỉnh Bạch Mã. Và, ông ta đã tìm ra khu vực lý tưởng, với nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 20 độ C, ở độ cao cách mặt nước biển gần 1.500m.
Sau khi trở về báo cáo thực địa, Raoul Desmarest đã được Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil ủy thác thực hiện khảo sát quy hoạch đỉnh núi Bạch Mã. Đến năm 1936, hơn 300ha rừng ở đỉnh núi Bạch Mã đã được quy hoạch.
Vào năm 1942, với sự tham gia thi công của hàng trăm công nhân, 139 ngôi biệt thự được xây dựng hoàn thiện trên đỉnh Bạch Mã. Tại vị trí cao nhất đỉnh Bạch Mã, Vọng Hải Đài cũng đã được người Pháp cho xây dựng để làm nơi ngắm cảnh. Tuy nhiên, đến năm 1945, quân Nhật chiếm đóng Bạch Mã, buộc chủ nhân những ngôi biệt thự phải rời bỏ đi nơi khác.
Mãi đến năm 1973, bộ đội ta chiếm đóng các cao điểm ở Bạch Mã và sau giải phóng, năm 1986, Chính phủ đã có quyết định thành lập 87 khu rừng cấm, trong đó có Bạch Mã, Hải Vân rộng 40.000ha. Năm 2008, Vường Quốc gia Bạch Mã được Chính phủ điều chỉnh mở rộng 37.500ha nhằm lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng của vùng Trung Trung Bộ.
Từ đó, số phận của những ngôi biệt thự, như Đỗ Quyên, Kim Giao, Bảo An…dần chìm vào quên lãng. Cho đến nay, mặc dù đã có một số ngôi biệt thự được tận dụng để phục vụ làm nơi lưu trú, nghỉ dưỡng cho du khách khi đến tham quan Bạch Mã, song phần lớn các ngôi biệt thự vẫn đang bị bỏ hoang dẫn đến xuống cấp…
|
Ảnh: Nguyễn Phong. |
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt đã xác định Bạch Mã là một trong 10 Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cần phát triển loại hình du lịch sinh thái và là một trong 6 điểm du lịch quốc gia trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, nhiều du khách khi đến Bạch Mã đã bày tỏ sự tiếc nuối khi danh thắng này hiện chưa được khai thác du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có, trong đó có nhiều ngôi biệt thự Pháp vẫn đang bỏ hoang trong lãng phí.
Đánh thức danh thắng Bạch Mã như thế nào để có thể thu hút được khách du lịch, vừa bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên và những giá trị sinh thái riêng có của Bạch Mã là câu chuyện không hề đơn giản. Để thực hiện được điều này, suốt nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế và lãnh đạo Vườn Quốc gia Bạch Mã đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, năm 2018, sau khi được Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương, tỉnh đã cho phép Công ty CP Du lịch Vườn Bạch Mã lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu du lịch sinh thái Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, với quy mô hơn 387ha, chia làm 2 khu.
Khu A rộng 97,8ha bao gồm hạ tầng đường giao thông tiếp cận 23,3ha, trạm cơ sở tại khu vực Khe Su 64,1ha; riêng khu xây dựng tuyến cáp treo có chiều dài 4km với hành lang bảo vệ 26m có diện tích 10,4ha. Khu B là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có diện tích khoảng 290ha với chức năng chính là nơi đón tiếp du khách, tổ chức hội thảo, triển lãm, các dịch vụ thương mại với quy mô phục vụ khoảng 2.000 khách tham quan và 600-800 khách lưu trú/ngày.
Ước tính đến năm 2020, khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã mỗi năm sẽ đón khoảng 500 ngàn khách và năm 2030 sẽ là 1 triệu khách/năm. Ngoài ra, dự kiến sẽ có một hệ thống cáp treo với hai tuyến cáp được xây dựng để kết nối các phân khu với công suất tối đa 1.750 hành khách/giờ. Đơn vị tư vấn cũng dự kiến xây dựng một cây cầu ngay trên đỉnh thác Đỗ Quyên để du khách ngắm cảnh…
Đây được xem là tiền đề để thực hiện các hoạt động đánh thức danh thắng Bạch Mã. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng đã tổ chức họp lấy ý kiến về quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã; Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị các Sở, ngành liên quan phối hợp với đơn vị lập quy hoạch, chuyên gia tư vấn tích cực phối hợp nghiên cứu để sớm hoàn thành quy hoạch nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và khai thác tốt các giá trị thiên nhiên của Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Lượng du khách đến với Bạch Mã hằng năm còn rất khiêm tốn. |
Nói về du lịch Bạch Mã, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin thêm rằng, hiện lượng khách đến với Bạch Mã khá khiêm tốn, mỗi năm chỉ khoảng 15.000 người. Nguyên nhân Bạch Mã vắng khách đó là do khí hậu ở khu vực này rất khắc nghiệt, lượng mưa bình quân 9.000mm.
Mưa nhiều, độ ẩm cao nên việc khai thác du lịch chỉ kéo dài từ 4 đến 5 tháng/năm khiến hệ thống hạ tầng, các biệt thự nhanh xuống cấp và phải đầu tư phục hồi rất tốn kém. Ngoài ra, các quy định về đầu tư, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, tiếng ồn, vệ sinh môi trường và điều kiện kinh doanh ở Bạch Mã rất khắt khe nên dẫn đến gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư.
“Đã từ lâu, người dân địa phương có một giấc mơ là phục hồi vị thế du lịch Bạch Mã nhằm tạo dựng vị thế du lịch Thừa Thiên-Huế. Với quan điểm bảo tồn và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, tỉnh sẽ cùng các chuyên gia, kiến trúc sư xây dựng quy hoạch phân khu du lịch Bạch Mã phù hợp với các quy định. Và hy vọng Bạch Mã sẽ sớm được đánh thức, trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên tuyến đường du lịch các danh thắng, di sản ở miền Trung”, ông Phương bày tỏ.
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân