Cuộc sống

Đánh rơi hạnh phúc nhưng đừng đánh mất con

Đã gần 1 năm kể từ khi Tòa tuyên chị được quyền nuôi con sau khi ly hôn, tuy nhiên bản án vẫn chưa được thi hành. Cũng từng ấy thời gian, người mẹ này đau khổ, mòn mỏi mong một ngày được đón cậu con trai 8 tuổi về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Phản ứng tức thời của đứa trẻ đối với việc ly dị của cha mẹ là hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly dị, chúng càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu.

Con chỉ muốn ở với bố…

Theo tìm hiểu tại hồ sơ thì chị Vũ Thị Trang (SN 1984, trú tại Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cưới chồng từ năm 2006, một năm sau niềm vui nhân đôi khi chị sinh ra cậu con trai Hoàng Nhật M. kháu khỉnh, khỏe mạnh. Những tưởng niềm vui đó sẽ được kéo dài trong cuộc sống hạnh phúc, không ngờ chỉ một thời gian sau, cuộc sống hôn nhân của anh chị gặp nhiều trục trặc. Sau nhiều lần hòa giải không thành, năm 2011, anh chị có đơn ly hôn gửi ra TAND quận Đống Đa (Hà Nội).

Một năm sau, tại bản án số 37/2012/LHST ngày 22/6/2012 của TAND quận Đống Đa đã xử cho anh Hoàng Anh T., chồng chị được quyền nuôi cháu Hoàng Nhật M. Chị Trang có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chị Trang cho rằng mình bị ngăn cản quyền thăm, chăm sóc con trai nên đến tháng 1/2013, chị đã có đơn xin thay đổi quyền nuôi con. Sau nhiều lần hòa giải, thỏa thuận không thành, ngày 14/8/2015, TAND quận Đống Đa đã ra bản án số 30/2015/HNGĐ – ST đã chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của chị Vũ Minh Trang. Cháu Hoàng Nhật M., con chung của anh chị sẽ được giao cho chị Trang trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục.

Không đồng ý với bản án này, anh Hoàng Anh T. đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 24/11/2015, TAND thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, sau khi cân nhắc các tình tiết HĐXX xét thấy trong quá trình giải quyết vụ án, từ giai đoạn chị Trang và anh T. ly hôn, anh chị đều có nguyện vọng nuôi dưỡng cháu Hoàng Nhật M. Tuy nhiên, tòa đã giao cho anh T. trực tiếp nuôi dưỡng còn chị Trang cấp dưỡng nuôi con và có quyền đi lại chăm sóc, giáo dục con chung.

Thế nhưng, chị Trang đã bị ngăn cản trong việc thăm nuôi con chung nên chị đã làm đơn xin thay đổi quyền nuôi con. Căn cứ vào những tài liệu trong hồ sơ vụ án HĐXX phúc thẩm xét thấy chị Trang có việc làm ổn định, có thu nhập và nơi ở ổn định. Trong khi anh T. hiện đã có gia đình riêng, có con riêng và phải đi làm ca nên điều kiện chăm sóc con gặp khó khăn. Có lúc anh T. phải nhờ người khác đón con.

Chính vì thế, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án số 30/2015/HNGĐ – ST ngày 14/8/2015 của TAND quận Đống Đa và giao quyền nuôi con cho chị Vũ Minh Trang. Anh T. có quyền, nghĩa vụ thăm non con mà không ai được cản trở. Trong quá trình tìm hiểu thông tin về sự việc, chúng tôi được biết, sau ly hôn chị Trang ở cách nhà chồng (nơi con trai-PV) chỉ khoảng 50 mét nhưng suốt 2 năm qua không được gặp con. Vì sao lại vậy? Trong khi khoảng cách về địa lý lại rất gần nhau. Phải chăng đang có một điều gì đó ngăn cản người mẹ trẻ này.

Vận động thi hành án

Sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, chị Trang như cởi được nút thắt trong lòng, chờ mong ngày Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa thực hiện bản án để chị được đón cháu Nhật M. về nuôi dưỡng.

Thế nhưng, sự việc lại không đơn giản như vậy. Đằng đẵng gần 1 năm qua, chị Trang vẫn chưa thể thực hiện quyền làm mẹ của mình đối với cậu con trai 9 tuổi. Trong đơn cầu cứu, chị Trang cho biết, ngày 31/5/2016, tại nhà anh T., chấp hành viên của Chi cục THA dân sự quận Đống Đa là bà Phạm Thị Ngọc Lan cùng với các ban, ngành liên quan và chị Trang đã có mặt để thi hành án nhưng không thành công và chưa đầy đủ.

Theo chị Trang, sở dĩ không thành công và chưa đầy đủ là bởi anh T. đã không giao con cho chị như phán quyết của tòa mà lại giao con cho bên thi hành án.Tại buổi làm việc hôm đó, sau khi tranh cãi, anh T. đã gọi cháu Nhật M. xuống để thực hiện việc giao con, tuy nhiên bé M. đã bảo: “Con không về” rồi chạy lên gác.

Nói về điều này, chị Trang cho rằng cháu M. đã bị gia đình bên nội tác động để cháu xa lánh mẹ. Điều đáng nói, mặc dù theo Quyết định số 35/QĐ – CCTHADS của Chi cục THADS quận Đống Đa đã ghi rõ anh Hoàng Anh T. sẽ thi hành việc giao cháu Hoàng Nhật M. là con chung của anh T. và chị Trang cho chị Trang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Thế nhưng trong buổi THA ngày 31/5/2016 vừa qua, anh T. đã không giao con trực tiếp cho chị Trang, mặc dù chị đã cùng cơ quan chức năng đến tận nhà anh T. để thi hành án. Theo băng ghi âm buổi làm việc hôm đó, anh T. đã hơn 1 lần khẳng định không giao con trực tiếp cho chị Trang mà giao cho bên thi hành án.

Theo chị Trang, chính điều này đã khiến cháu sợ và bỏ chạy khiến cho chị và con không thể tiếp cận được với nhau. Sau lần thi hành án không thành đó, chị Trang cho rằng phía cơ quan thi hành án đã chưa làm hết chức trách của mình khiến cho việc thi hành án bế tắc suốt thời gian qua, vì thế chị Trang đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi.Suốt nhiều tháng qua, người phụ nữ này đã mang đơn đi gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng chỉ để mong cơ quan THA dân sự quận Đống Đa thực hiện đúng với phán quyết của tòa. Vì sao suốt thời gian qua, Chi Cục THA dân sự quận Đống Đa chưa thể thực hiện việc THA theo phán quyết của TAND thành phố Hà Nội tại bản án số 101/2015/HNGĐ – PT và Quyết định 35/QĐ – CCTHADS về việc tiếp tục thi hành án của Chi cục THA dân sự quận Đống Đa?

Đâu là vướng mắc khiến tình mẫu tử phải chia lìa, khiến một phụ nữ trẻ đằng đẵng, mòn mỏi gõ cửa khắp nơi để giành lại quyền nuôi con cho mình? Để trả lời câu hỏi này, PV đã liên hệ với Chi cục THA dân sự quận Đống Đa, tuy nhiên cán bộ của Chi cục này cho biết, hiện lãnh đạo đang đi vắng nên chưa thể đưa ra câu trả lời và hẹn sẽ liên hệ lại với phóng viên sau khi có chỉ đạo, phân công của Chi cục trưởng.

Liên hệ với lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa – Hà Nội) để tìm hiểu thêm câu chuyện này, trao đổi với PV, vị Phó Chủ tịch UBND pphụ trách văn hóa – xã hội của phường cho biết, đây là vấn đề khá phức tạp, kéo dài trong thời gian qua. Lãnh đạo phường cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan xử lý, giải quyết, động viên các bên liên quan chấp hành việc thi hành án theo phán quyết của Tòa.

Vị này cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ cho cán bộ tiếp tục động viên, vận động gia đình thực hiện thi hành án. Và có ai muốn vợ chồng, con cái mỗi người một nơi; có ai muốn dắt nhau đứng trước tòa để nhìn nhau như thù địch.

Nhưng, trong trường hợp nói trên, chuyện ly hôn không hẳn là điều nên tránh. Và không ai khác, chính con cái là người cần được “giải thoát” nhất. Bởi chẳng bao giờ con tìm được hạnh phúc trong một gia đình như vậy, ngay cả khi bố mẹ cố gắng che giấu. Thứ hạnh phúc giả dối ấy sẽ không tồn tại suốt cuộc đời con được, và càng về sau, con sẽ càng tổn thương nhiều hơn. Ly hôn, đôi khi thậm chí còn đem lại cuộc sống tốt hơn rất nhiều cho trẻ. Trừ khi…

Tác giả bài viết: Tùng Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP