Giáo dục

Đánh mất tuổi thơ vì “trộm vợ”

Ngay đầu năm 2017 này, các thầy cô giáo Trường THPT Quỳ Hợp 3, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An được tin em Lương Thị Q. (lớp 10C1) đã bị “trộm” về làm vợ.

“Em nghỉ học mà không thông báo với nhà trường, thầy cô về tận bản tìm hiểu mới được gia đình cho biết sự việc” - thầy Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng nhà trường buồn bã nói. Thực tế ở vùng cao này, nơi tảo hôn được xem như một tập tục văn hóa truyền từ này qua đời khác, thì việc những bé gái bị “bắt vợ” khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường là nỗi lo thường trực của thầy cô giáo. Hành trình để “luật nước” thắng “lệ làng” còn lắm những gian nan…

Tập tục bị biến tướng

Nhiều năm công tác tại Quỳ Hợp, thầy Nguyễn Minh Đạt thấu hiểu nhiều tập tục của đồng bào địa phương. Thầy chia sẻ: “Trộm vợ” vốn được xem là mỹ tục của người Thái ở vùng cao này. Khi hai bên trai gái đã có tình cảm và hẹn ước với nhau, thì nhà trai được tạo điều kiện để bắt trộm cô gái, sau đó mang đến nén bạc, và một số tiền được thỏa thuận trước đến xin cưới. Đây là hình thức mà người xưa nghĩ ra, để giảm bớt gánh nặng của hồi môn vì trước kia, lễ vật xin cưới rất nặng gồm trâu, lợn, bạc nén… Đồng thời cô gái cũng được nâng cao giá trị vì không tự ý theo người con trai về chồng.

Tuy nhiên, theo thời gian, tục trộm vợ bị biến tướng, thành hình thức cưỡng ép, vi phạm luật hôn nhân và gia đình khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn. “Vào thời điểm bị “trộm”, nhiều em vẫn đang là HS, chưa đến tuổi kết hôn, chưa có nhiều kiến thức về cuộc sống nên khi làm vợ, làm mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều lo toan, gánh nặng cuộc sống. Khi bị bắt về nhà trai và làm thủ tục cúng bái rồi thì các nữ sinh này coi như đã có chồng nên thường có tâm lý cam chịu, buông xuôi, không muốn đi học hoặc không được đi học lại” - thầy Đạt chia sẻ.

Lấy chồng rồi nghỉ học, đó là hệ lụy ngay trước mắt của việc tảo hôn. Chúng tôi gặp Cử Y R ở bản Ngã ba (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn). Cô bé có gương mặt còn chưa hết nét trẻ con nhưng bụng đã lùm lùm. Vậy mà em ngại ngùng cho biết: Đến tận năm 15 tuổi em mới cưới, nhà có 6 chị em gái, em là con út và là người lấy chồng muộn nhất đấy ạ!

Vừ Mái C là gương mặt nổi bật nằm trong BCH Đoàn thanh niên Trường THPT Kỳ Sơn. Tháng 11/2016, C được huyện chọn đi tham dự ngày hội văn hóa dân tộc Mông ở tỉnh Sơn la và giành giải nhì cuộc thi nét đẹp văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cô nữ sinh giỏi giang này cũng đã lấy chồng và không chắc chắn có thi tuyển vào ĐH, CĐ hay không vì “trách nhiệm gia đình”. Chỉ có các thầy cô giáo, mỗi lần nhận thêm một tin cưới, là thêm một lần lo âu nặng trĩu…

Đồng hành cùng trò để ngăn hủ tục

Trên thực tế, vấn nạn tảo hôn với các hệ lụy về sức khỏe sinh sản cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập… đã được các nhà trường tuyên truyền thường xuyên. Tuy nhiên, ở vùng cao này, nơi mà những đứa trẻ lớn lên theo tập tục văn hóa cha ông, theo những quan niệm, tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác thì “luật nước” cũng phải từ từ “từng bước một” mới thay thế được “lệ làng”.

Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên trường PTDTBT THCS Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn - tâm sự: Không thể cứ nói cấm các em không được lấy chồng, lấy vợ là các em nghe theo, vì ở đây dễ yêu, dễ cưới hỏi. Tâm lý độ tuổi mới lớn dễ tổn thương, chạm lòng tự ái, nhiều em, khi thấy cô giáo khuyên còn dọa tự tử, ăn lá ngón… Vì vậy chỉ có thể thuyết phục vừa bằng lý lẽ, vừa bằng tình cảm. Đồng thời, xây dựng và tạo môi trường học tập vui vẻ, tích cực để tạo cho các em niềm vui và niềm mong chờ được đến trường.

Những năm gần đây, mặc dù chưa chấm dứt hoàn toàn nhưng tình trạng HS nghỉ học ở trường PTDTBT Nậm Típ (huyện Quỳ Sơn) đã giảm hẳn. Đặc biệt là từ khi trường tổ chức bán trú cho HS. Giờ giấc sinh hoạt, học tập điều độ, vui chơi thể dục thể thao, đã rèn luyện cho HS lối sống lành mạnh. “Các em thích sinh hoạt câu lạc bộ, xem phim, nên nhà trường đã chủ động chiếu nhiều bộ phim có nội dung giáo dục giới tính, chủ đề học tập, đời sống HS... Qua đó, các em tự rút cho mình những bài học về cuộc sống, nhất là tình cảm tuổi học trò là đáng quý, nhưng quan trọng nhất trong thời điểm này là việc học. Tin mừng là sau khi nghỉ tết, trường không có em nào bỏ học lấy chồng”, thầy Võ Đình Hào – Phó Hiệu trưởng nhà trường - phấn khởi nói.

Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp III – cho rằng: HS cấp II, cấp III đa phần đã có nhận thức và sự hiểu biết nhất định về các quy định về luật hôn nhân và gia đình cũng như những hệ quả của tảo hôn. Bởi vậy, các giáo viên vừa dạy học, nhưng cũng vừa là bạn của HS, kịp thời biết thông tin để tác động thêm, hướng các em có những quyết định đúng đắn. Đồng thời vận động gia đình tạo điều kiện cho con em học xong ít nhất là lớp 12.

Thầy Đạt cũng cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi lên các cấp ban ngành về trường hợp các em HS của trường bị “trộm” về làm vợ và sẽ nhờ đến pháp luật để xử lý những trường hợp “cướp vợ” khi nữ HS chưa đến tuổi kết hôn”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các nhà trường vẫn kiên trì các biện pháp vừa vận động, tuyên truyền, vừa nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để xóa bỏ tảo hôn. Bởi chỉ từ giáo dục liên tục ở lứa tuổi HS thì khi lớn lên, các em mới có đầy đủ nhận thức và sẽ là người quyết định mình có “tảo hôn” hay không?

Tác giả bài viết: Hồ Lài/Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP